Năm 2021, khi bong bóng bất động sản bắt đầu xì hơi, Trung Quốc đã đẩy mạnh hỗ trợ các nền tảng trực tuyến nhằm hạ nhiệt thị trường. Ở Thượng Hải, một nền tảng trực tuyến được xây dựng, cung cấp công cụ để thực hiện các giao dịch mà không cần phụ thuộc vào các đại lý hay giới “cò”.
Giảm rủi ro, tăng lợi ích
Nền tảng số hóa bất động sản triển khai ở Thượng Hải hiện chỉ cung cấp dịch vụ ký hợp đồng theo mẫu tiêu chuẩn. Nhưng tại Hàng Châu, một nền tảng tương tự ra mắt vào tháng 8/2021 cung cấp miễn phí cả danh sách nhà, dịch vụ công chứng và quyền truy cập vào các nhà cung cấp dịch vụ thế chấp.
Anh Nguyễn Quang Linh, một môi giới từng kết nối nhiều thương vụ từ Việt Nam sang Trung Quốc, Singapore hay Mỹ… cho hay, qua khảo sát, các nền tảng số hóa dù chưa thực sự có tác động ghìm cương khủng hoảng, nhưng đã giúp nhiều người mua nhà tại Trung Quốc tiết kiệm 4 - 15% giá trị.
“Theo tính toán, với mỗi căn hộ trị giá 3 triệu Nhân dân tệ, khách hàng tiết kiệm 90 - 250 nghìn Nhân dân tệ, nhờ giảm bớt các khâu trung gian. Nền tảng công nghệ khó có thể thay thế hoàn toàn các công ty môi giới, nhưng đây là giải pháp để giảm thiểu rủi ro cho người mua nhà”, anh Linh chia sẻ.
Ở Việt Nam, trong thời gian qua đã ghi nhận sự nở rộ của các phần mềm, nền tảng liên quan đến ngành bất động sản. Chỉ cần tìm từ khóa "bất động sản" trên App Store hoặc Google Play, hàng loạt ứng dụng sẽ xuất hiện với đa dạng loại hình từ cho thuê, mua bán, hỗ trợ đăng tin, kiến thức hay pháp lý...
Không thể phủ nhận lợi ích mà những nền tảng về bất động sản đem lại cho người dùng. Ở thời điểm hiện tại, khách hàng chỉ cần ngồi tại nhà và mở ứng dụng, việc tìm kiếm một sản phẩm bất động sản phù hợp với yêu cầu sinh hoạt, điều kiện kinh tế không còn là điều quá khó.
Số hóa không phải sự lựa chọn mà là điều tất yếu cho sự phát triển bền vững trong tương lai. |
Với nhiều lợi ích, không ít "đại gia" đầu ngành bất động sản tại Việt Nam đã tích cực phát triển các nền tảng số hóa nhằm nâng cao sức cạnh tranh, điển hình như Vingroup, Coteccons, Đất Xanh, TNR…, đem lại hiệu quả tích cực, tiết kiệm thời gian (30%), tiền bạc, nhân lực, vòng quay vốn nhanh.
Đơn cư như An Gia, vào đầu tháng 4/2022, tập đoàn này đã chính thức đưa vào vận hành hệ thống quản trị doanh nghiệp SAP S/4HANA do Công ty FPT IS tư vấn triển khai. Hệ thống giúp An Gia đảm bảo sự minh bạch trong các hoạt động pháp lý, bán hàng, vận hành, kiểm toán…
Trong khi đó, Vingroup đã triển khai số hóa từ cách đây hơn 3 năm. Nổi bật nhất có thể kể đến giải pháp chuyển đổi số quản lý và vận hành khách sạn toàn diện CiHMS. Hệ thống quản lý giá và quỹ phòng của CiHMS đã giúp việc triển khai chính sách giá của hệ thống Vinpearl hiệu quả hơn 30 lần.
Hóa giải các điểm nghẽn
Mới đây, một sự kiện đáng chú ý là OneHousing (nền tảng công nghệ thuộc Tập đoàn One Mount) đã ra mắt Công cụ Phân tích thị trường dựa trên nền tảng dữ liệu lớn của gần 1.000 dự án trên toàn quốc, được thu thập qua các giao dịch bất động sản trong 10 năm qua.
Đại diện của OneHousing cho biết, công cụ sẽ giúp người dùng nắm bắt trọn vẹn thông tin tổng quan, bản đồ vị trí, tiện ích, biểu đồ biến động giá của các dự án nhà ở, từ đó chủ động chọn ngôi nhà mơ ước hay ra quyết định đầu tư đúng đắn nhất, hạn chế những rủi ro.
Có thể thấy, số hóa là xu hướng tất yếu của doanh nghiệp địa ốc. Những công nghệ mới như Blockchain, AI… ứng dụng vào lĩnh vực bất động sản đã và sẽ làm thay đổi mạnh mẽ cách thức giao dịch, mua bán, cho thuê và quản lý… theo hướng hiệu quả hơn, mang lại lợi ích cho xã hội.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điểm xuất phát về chuyển đổi số trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản đang chậm hơn rất nhiều so với các lĩnh vực khác như tài chính, ngân hàng…
Tại một hội thảo mới đây, PGS.TS. Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, cho hay: “Đến nay, rất nhiều chủ đầu tư Việt Nam vẫn còn sử dụng Excel để quản lý hoạt động. Nếu hỏi đại diện doanh nghiệp có nắm được về thực trạng tài chính, thực trạng công trình của mình hiện tại không, có lẽ không nhiều người trả lời được ngay. Đó chính là một thách thức trước bài toán quy mô của lĩnh vực này”.
Trước đòi hỏi của thực tế, thay đổi là tất yếu, nhưng những thách thức trong chuyển đổi số bất động sản Việt Nam hiện nay là nhân lực chất lượng cao, chuyên gia công nghệ thông tin thiếu và yếu, doanh nghiệp ít đầu tư cho hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, và đặc biệt là khung pháp lý chậm thay đổi, cập nhật thiếu đồng bộ, thông tin, dữ liệu hạn chế...
Vì vậy, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp bất động sản cần xây dựng và thực thi chiến lược, mô hình kinh doanh phù hợp với thời đại số. Nghiên cứu, tính toán phương án tối ưu về đầu tư công nghệ thông tin và tích hợp các kênh phân phối khác nhau.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực số, nâng cao năng lực quản trị và quản lý rủi ro công nghệ thông tin. Ngoài ra, cần xây dựng, quản lý, khai thác và phân tích cơ sở dữ liệu. Đồng thời, kiến nghị, tham gia xây dựng khuôn khổ pháp lý cho chuyển đổi số; hỗ trợ nâng cao kiến thức, nhận thức của khách hàng và cơ quan quản lý về chuyển đổi số.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, chia sẻ cuộc đua chuyển đổi số trong giao dịch bất động sản đã được các doanh nghiệp lớn khởi xướng và tạo nền tảng, đòi hỏi sự tham gia của toàn bộ hệ thống, kể cả doanh nghiệp nhỏ và môi giới.
“Số hóa bất động sản với nguồn dữ liệu lớn, chuẩn xác sẽ giúp việc quản lý, kinh doanh hiệu quả hơn. Đặc biệt là tính rủi ro, gây thiệt hại cho thị trường sẽ bị triệt tiêu. Cần tìm cách để mỗi bất động sản đều được số hóa. Chúng tôi đang kiến nghị Chính phủ, các nhà môi giới, sàn giao dịch bất động sản đều được mã hóa, số hóa”, ông Đính cho hay.
Hiến Nguyễn