Các thống kê cho thấy, trong những tháng đầu năm 2022, hàng tỷ USD vẫn chảy vào bất động sản khu công nghiệp. Giá thuê đất khu công nghiệp cũng đang có xu hướng tăng mạnh và liên tục lập đỉnh khi nhu cầu mở rộng nhà xưởng tăng lên sau đại dịch Covid-19.
Liên tục tăng giá
Ở phía Bắc, các địa phương “nóng” nhất trong phân khúc có thể kể đến Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn… Còn ở phía Nam là các tỉnh vùng ven như Bình Dương, Long An, Đồng Nai, An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu…
Sức nóng của thị trường bất động sản khu công nghiệp đang khiến nhiều nhà đầu tư có tiềm lực quyết định chuyển hướng dòng tiền sang loại hình này sau khi bán chốt lời các sản phẩm đất nền, căn hộ, vốn đang gặp nhiều khó khăn về thanh khoản trong thời gian qua.
Anh Lê Bình, một nhà đầu tư có kinh nghiệm gần 10 năm tại thị trường phía Nam, cho biết đầu tháng 7/2022, sau khi bán xong 2 căn hộ cao cấp tại Thủ Đức (TP.HCM) để thu về gần 10 tỷ đồng, anh quyết định mua thêm một lô đất gần 120 m2 gần Khu công nghiệp VSIP III (Bình Dương).
Đây là khu đất thứ 2 trong vòng 3 tháng qua được anh Bình rót tiền mua trên địa bàn thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Tổng 2 lô đất hiện có giá trị trên dưới 7 tỷ đồng. Sở dĩ anh mạnh tay đầu tư vào khu vực này là bởi Tập đoàn LEGO của Đan Mạch đã chính thức được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với đại dự án trị giá hơn 1 tỷ USD.
“Thực tế, giới thạo tin đã rục rịch gom hàng ven khu công nghiệp VSIP III từ cuối năm 2020. Kể từ đó đến nay, mặt bằng giá đất tại Tân Uyên liên tục tăng, hiện ở mức 17-25 triệu đồng/m2, các lô khoảng 100m2, giá dưới 1 tỷ đồng đã không còn. Với đà tăng hiện tại, cùng tiềm năng phát triển của thị xã, tôi kỳ vọng 2 lô đất “săn” được sẽ nhân 3, nhân 4 trong 2 năm tới, khi nhà máy của LEGO đi vào hoạt động”, anh Bình chia sẻ.
Nhà đất ven khu công nghiệp có tiềm năng lớn nhưng dành cho những nhà đầu tư tiềm lực đi đường dài. |
Không chỉ thu hút các nhà đầu tư cá nhân, ở góc nhìn của doanh nghiệp lớn, ông Võ Văn Mười, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Kim Thịnh Phát cũng cho rằng, chiến tranh thương mại cùng đại dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước lân cận.
Ở đó, Việt Nam là nước có lợi thế lớn trong thu hút các chuỗi cung ứng, những nhà máy công nghiệp lớn. Điển hình, hàng loạt tên tuổi lớn trong lĩnh vực điện tử như Samsung, LG Display, Xiaomi, Goertek… đang lên kế hoạch mở rộng, tăng vốn, hoặc thuê mới nhà xưởng để bắt đầu sản xuất tại Việt Nam.
Trong bối cảnh các loại hình nhà đất khác sau thời gian dài sốt giá đã bị đẩy giá lên quá cao, nhiều loại hình đã ở mức bão hòa về khả năng tăng trưởng, thị trường cần một làn sóng mới. Và, bất động sản “ăn” theo khu công nghiệp đang hội tụ đủ thiên thời, địa lợi.
Có dễ “ăn đậm”?
“Các ông lớn rót tiền vào bất động sản công nghiệp kéo theo các nhà máy, công xưởng, người lao động đổ về làm việc. Nhu cầu về an cư, kinh doanh tăng mạnh, qua đó khiến làn sóng đầu tư bất động sản vùng ven khu công nghiệp sẽ trở thành xu hướng, phát triển mạnh trong thời gian tới. Nhiều nhà đầu tư sẽ thắng lớn nếu chọn được sản phẩm tốt tại đây”, ông Mười phân tích.
Tiềm năng là dễ thấy, nhưng cũng theo ông Võ Văn Mười, cơ hội luôn đi cùng thách thức, vì “miếng bánh” ngon thì luôn thu hút nhiều nhà đầu tư hàng đầu. Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro, nhà đầu tư phải đặc biệt lưu ý đến tiềm lực tài chính và vấn đề pháp lý, quy hoạch, tránh bị cuốn vào vòng xoáy mua qua, bán lại và cuối cùng mắc kẹt trên “chuyến tàu cuối” khi giá đã quá cao, phải chờ nhiều năm sau mới bán được.
Trước đó, từng chia sẻ với Vnbusiness, anh Nguyễn Quốc Lâm, chủ một công ty đầu tư bất động sản tại Hà Nội, cho biết vào đầu năm 2021, anh cùng các cộng sự chuyển phần lớn nguồn lực từ ven đô về huyện Văn Lâm (Hưng Yên) nhằm đón sóng tại các xã quanh khu công nghiệp Phố Nối, Minh Hải.
Kết quả, công ty anh Hải đã có một năm thành công ấn tượng. Tuy nhiên, những thành công trên đến không hề dễ dàng. Trước khi quyết định chuyển địa bàn, anh cùng các cộng sự trong công ty đã phải dành ra gần 6 tháng cuối năm 2020 để đánh giá đúng về nhu cầu của thị trường, tìm hiểu đặc thù địa phương, tiêu chí mua nhà ở, từ đó tiến hành gom hàng, chuẩn bị kế hoạch kỹ lưỡng đẩy sản phẩm ra thị trường.
Theo anh Lâm, để đảm bảo an toàn, các nhà đầu tư cần lựa chọn các khu công nghiệp liền kề khu dân cư vì như vậy mới có tiềm năng “ăn theo” nhu cầu nhà ở, xây nhà trọ và các dịch vụ. Về vị trí địa lý, khu công nghiệp có nằm ở vùng kinh tế trọng điểm, được tập trung nguồn lực phát triển hay không?
Nhà đầu tư cũng cần xem xét về điều kiện tự nhiên và hệ thống giao thông gắn liền. Xem xét lĩnh vực mà khu công nghiệp thu hút đầu tư. Các khu công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường thường sẽ có cơ hội thu hút người dân nhiều hơn, tiềm năng tăng giá cao hơn.
Khi lựa chọn, các nhà đầu tư cần xem xét những lô đất thổ cư có sổ đỏ đầy đủ, thuộc vị trí thuận lợi di chuyển tới những khu công nghiệp, giúp gia tăng tính thanh khoản của lô đất. Đặc biệt, nhà đầu tư phải xem xét kỹ quy hoạch của vùng, vì biến số về quy hoạch tại các dự án khu công nghiệp là rất lớn, nếu “dính” nhà đầu tư sẽ nắm chắc phần thua.
Hiến Nguyễn