Thống kê sơ bộ ở danh sách “bêu tên” mới nhất, một tỷ lệ đáng kể các đơn vị đang chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, phí lên tới nhiều tỷ đồng. Đồng thời, lĩnh vực liên quan chủ yếu vẫn là xây dựng dân dụng, công trình giao thông, nhà ở…
Tính đến cuối tháng 1 vừa qua, 139 đơn vị cùng đứng tên trong tổng số nợ lên tới 284,3 tỷ đồng. Đáng báo động, quy mô nợ thuế, phí dường như đang có xu hướng mở rộng lên hàng tỷ đồng mỗi DN.
Nợ tiền tỷ thuế phí
Đầu bảng, vượt mức 10 tỷ đồng, là Chi nhánh Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng – công ty kỹ thuật nền móng và Xây dựng 20 (Licogi 20) và công ty liên doanh xây dựng Hà Nội – Bắc Kinh (lần lượt nợ 65,526 tỷ đồng và 43,829 tỷ đồng).
Xếp dưới hai trường hợp “quán quân” nêu trên, là hàng loạt các đơn vị đang hoạt động liên quan (hoặc chủ yếu) tới ngành xây dựng, thiết kế công trình. Có thể kể, công ty CP xây dựng Xuân Mai (trụ sở tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ) nợ 1,741 tỷ đồng. Khá thú vị, dù mang tên “Xuân Mai” trong thương hiệu, nhưng DN này dường như không thuộc “họ” Xuân Mai (công ty CP Đầu tư và xây dựng Xuân Mai với 7 đơn vị thành viên).
Liên quan tới thương hiệu Sông Đà, Chi nhánh công ty CP xây dựng hạ tầng Sông Đà- Xí nghiệp xây lắp SICO 5 (trụ sở Mỹ Đình, Từ Liêm) ghi nhận số nợ 1,452 tỷ đồng; công ty CP Tư Vấn và Kinh doanh Sông Đà nợ 2,347 tỷ đồng với cơ quan Thuế.
Thuộc hệ thống của Tổng công ty Licogi, Chi Nhánh Licogi 15.5 – công ty CP Licogi 15 đang “cõng” trên lưng khoản nghĩa vụ tài chính với cơ quan thuế Hà Nội gần 5,9 tỷ đồng.
Tương tự, liên quan tới UDIC – một thương hiệu đã và đang có tầm ảnh hưởng nhất định với thị trường xây dựng, công ty CP Đầu Tư – Udic được nêu rõ khoản nợ ngót 3,9 tỷ đồng tiền thuế, phí.
Ngoài ra, bản danh sách “đen” còn thể hiện rất nhiều trường hợp DN chưa tạo lập thương hiệu nổi bật trên thị trường (nhưng nợ nghĩa vụ tài chính cả tỷ đồng).
Liệt kê nhanh: công ty Cổ Phần Xây lắp và Vật liệu xây dựng Dầu Khí Sông Hồng (1,201 tỷ đồng); công ty CP Cơ Khí và xây dựng Thủ Đô (1,288 tỷ đồng); công ty CP Đầu tư xây dựng Tadico (3,162 tỷ đồng); công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại An Thịnh Phát (4,96 tỷ đồng); công ty CP Sông Hồng Số 6 (1,445 tỷ đồng); công ty Xây dựng cơ bản (4,211 tỷ đồng); công ty Cổ Phần Xây Dựng Công Trình 228 (2,94 tỷ đồng); công ty CP Bê Tông Readymix (Việt Nam) (1,643 tỷ đồng)…
![]() |
Sẽ “xử lý” triệt để các đơn vị “chúa Chổm” trong ngành xây dựng – BĐS.
Và nợ tiền thuê đất
Truy thu tiền thuê đất, đảm bảo nguồn thu từ khai thác, sử dụng tài nguyên đất (đóng góp vào Ngân sách) vốn là vấn đề được ngành Thuế nói chung và Cục Thuế Hà Nội nói riêng chú trọng hàng đầu.
Chính vì vậy, ở danh sách lần III (của năm 2016), cơ quan chức năng Thủ đô đã tách bạch riêng 9 đơn vị nợ tiền thuê đất. Tính tới cuối tháng 1, 9 DN này “đứng tên” trong khoản nợ tiền thuê đất lên tới ngót 50 tỷ đồng.
Trong đó, ba DN có “dính” tới hoạt động đầu tư xây dựng, xây lắp chia nhau lần lượt vị trí trong bảng danh sách. “Khủng” nhất, là khoản tiền thuê đất tại Gia Lâm của công ty Cơ khí xây dựng và lắp máy điện nước (đạt hơn 6 tỷ đồng). Ở “tốp” giữa (về quy mô nợ), công ty CP Đầu tư xây dựng Ngân hàng nợ tổng cộng ngót 5,9 tỷ đồng tiền thuê đất tại địa bàn quận Hoàng Mai.
Các khu vực ghi nhận điểm đất cho thuê (mà DN nợ tiền bị nêu danh) còn nhắc tới Hà Đông, Nam Từ Liêm, Thanh Trì hay thậm chí cả…huyện Quốc Oai. Hơn 3,5 tỷ đồng là khoản tiền thuê đất tại Hà Đông mà công ty TNHH Tre Công Nghiệp Tiến Phát vẫn chưa hoàn thành thanh toán nghĩa vụ tài chính với đơn vị chức năng.
Ở mức nợ tiền thuê đất trong biên độ 3, dưới 10 tỷ đồng, lần lượt nêu danh các DN như sau: công ty Cổ Phần Viglacera Hữu Hưng (4,304 tỷ đồng); công ty CP Dầu khí Sông Hồng (3,698 tỷ đồng); công ty cổ phần lương thực Đông Anh (7,466 tỷ đồng)…
Cách đây chưa lâu, ngành Thuế đã gióng lên hồi chuông cảnh báo các công ty có số nợ lớn, chây ì không nộp tiền sử dụng đất với hàng loạt chế tài thể hiện sự cương quyết của hành lang pháp lý Thuế. Trong đó, có nhắc tới khả năng sẽ đề xuất thành phố xem xét thu hồi đất và kiên quyết không giao thêm dự án mới cho những trường hợp “cố tình chây ì”.
Trong giai đoạn BĐS đang ghi nhận hồi phục tích cực bước đầu như hiện nay, việc cơ quan chức năng sẽ “xử lý” triệt để các đơn vị “chúa Chổm” trong ngành xây dựng – BĐS có lẽ chỉ là vấn đề thời gian.
Song Hà