Vấn đề cổ phần hóa (CPH) ở VFS khiến cán bộ nhân viên, bức xúc đó là việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấp thuận kế hoạch, ngoài việc IPO 10,5% vốn, Nhà nước nắm giữ 20% và 4,5% bán cho cán bộ, nhân viên, có tới 65% vốn còn lại của VFS sẽ được bán cho một tên tuổi hoàn toàn lạ lẫm trong giới nghệ thuật và có phần "trái tay" là công ty Vận tải thuỷ (VIVASO).
Hành trình trắc trở
Hồi tháng 4/2016, VFS đã tiến hành chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng sau hơn 60 năm hoạt động, trong đó có tới hơn 20 năm hoạt động thua lỗ. Tuy nhiên, kết quả IPO sau đó được HNX công bố cho thấy VFS chỉ bán được 115.000/525.000 cổ phần (10,5% vốn điều lệ), với giá bình quân 10.200 đồng một cổ phiếu để thu về gần 1,2 tỷ đồng. Căn cứ trên cơ cấu vốn, hãng phim được định giá khoảng 52 tỷ đồng.
Nguyên nhân là do hoạt động thua lỗ nên IPO của VFS không thành công. Điểm sáng duy nhất của VFS chính là các lô "đất vàng" do Hãng đang quản lý. Đó là trụ sở tại số 4 Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) với diện tích 5.500 m2; 905m2 đất có địa chỉ trên phố Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) làm khu chứa đạo cụ, đoàn xe; quản lý khu đất rộng 6.382 m2 tại Đông Anh (Hà Nội); hơn 1.200m2 tại Khu đất số 6, Thái Văn Lung (Bến Nghé, Tp HCM) làm trường quay phim…
Tuy nhiên, điều trớ trêu là tất cả các lô đất này đều là đất thuê hoặc đã hết hợp đồng từ lâu, không được tính vào giá trị doanh nghiệp. Điều đáng chú ý, việc đăng tải thông tin và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược được thực hiện ở một tờ báo địa phương có lượng phát hành nhỏ.
Đến tháng 12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan xác định lại giá trị hãng phim và điều chỉnh tăng giá trị phần vốn nhà nước. Tuy nhiên, các cuộc họp rà soát này vẫn do những người cũ trong ban cổ phần hóa của VFS nên kết quả vẫn không có gì thay đổi.
Vấn đề này cũng đã làm dậy sóng dư luận vào năm 2017, đặc biệt trong giới nghệ sĩ đã và đang làm việc tại VFS. Họ khẳng định cổ đông chiến lược hiện chỉ quan tâm tới đất chứ không phải làm phim.
Một lẫn nữa, tháng 9/2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xác định lại giá trị thương hiệu VFS và thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hoá VFS.
Mới đây nhất, Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TTCP đã công bố kết luận thanh tra công tác CPH của VFS. Theo đó, VFS có một số tồn tại, khuyết điểm.
![]() |
65% vốn của VFS được bán cho một tên tuổi hoàn toàn lạ lẫm trong giới nghệ thuật và có phần "trái tay" là Công ty Vận tải thuỷ (VIVASO). |
Nhiều hoạt động trái thẩm quyền
Thứ nhất, việc thực hiện các bước CPH, lựa chọn tư vấn định giá doanh nghiệp và tư vấn cổ phần hóa chưa đảm bảo tiến độ theo kế hoạch. Ban Chỉ đạo CPH cho công ty tự lựa chọn đơn vị tư vấn định giá doanh nghiệp và tư vấn CPH là vi phạm Luật Đấu thầu 2013.
Thứ hai, việc công ty ký các hợp đồng cho thuê nhà, đất tại số 4 Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội); góp vốn liên doanh bằng quyền sử dụng đất và đồng ý cho đối tác (công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Du lịch Sài Gòn) quản lý điều hành hoạt động cho thuê văn phòng hoặc thuê các công ty quản lý điều hành tại số 6 Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1, Tp HCM là sai mục đích sử dụng, trái thẩm quyền.
Thứ ba, việc quản lý, theo dõi, hạch toán công nợ phải thu, phải trả tại công ty chưa đúng quy định, dẫn đến một số vi phạm như: quản lý và theo dõi khoản phải thu khác, đối tượng là Cục Điện Ảnh chưa đúng; theo dõi khoản trả trước cho Chi nhánh Công ty Cổ phần Điện ảnh truyền hình (TP Hà Nội) chưa chính xác; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, kết quả kinh doanh các năm đều lỗ liên tiếp. Một số chi phí vượt so với được phê duyệt. Hàng năm Công ty chưa thường xuyên đối chiếu công nợ với khách…
TTCP cũng chỉ rõ, việc chọn lựa và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược có nhiều sai sót, chưa đáp ứng đầy đủ những yêu cầu thực tiễn với một ngành nghề kinh doanh đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật điện ảnh.
Việc lập danh sách, xây dựng phương án sử dụng lao động cũng có nhiều sai phạm khi Ban Chỉ đạo CPH đưa vào 6 lao động không thuộc danh sách đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc của Công ty…
Từ những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, Ban Chỉ đạo CPH công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam điều chỉnh lại giá trị doanh nghiệp tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần.
Đồng thời, chỉ đạo Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch yêu cầu lãnh đạo Công ty kiểm tra, rà soát, xác định và thanh toán lương còn thiếu và thu hồi số tiền lương đã thanh toán cho những người lao động theo luật định.
Ngoài ra, công ty cổ phần chuyển giao những tài sản không cần dùng, tài sản ứ đọng và tài sản chờ thanh lý cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Minh Trang