Thực tế, ngay khi gói tín dụng ưu đãi kết thúc, phân khúc nhà ở xã hội đã thực sự gặp khó khăn, nhiều dự án đã phải dừng triển khai, đặc biệt là tại các dự án chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang như AZ Bright City, Tứ Hiệp Plaza…
Ngay cả với dự án do chủ đầu tư có tiềm lực cam kết hỗ trợ lãi suất, khả năng bán hàng cũng giảm đáng kể. Thiếu nguồn vốn vay ưu đãi, giá bán nhà ở xã hội cũng có xu hướng tăng lên, tiệm cận với nhà giá rẻ.
Người mua nhà khó tiếp cận vốn
Có ý kiến chỉ ra rằng việc coi trọng ưu đãi cho các chủ đầu tư hơn là hỗ trợ cho người mua nhà đã khiến việc triển khai chính sách nhà ở xã hội (NƠXH) không thực sự đạt kết quả như mong muốn.
Những thay đổi về chính sách được đánh giá là khá tích cực, nhóm đối tượng thụ hưởng ngày càng được nới rộng nhưng khả năng tiếp cận quỹ nhà nước lại khó khăn hơn.
Một tỷ lệ không nhỏ những người cần vay để mua NƠXH không nằm trong diện được vay, vì vướng quy định người vay phải là người có việc làm trong khu vực chính thức và phải có hộ khẩu thành phố. Bên cạnh đó, người mua muốn được hỗ trợ tài chính thì phải chi trả số tiền ban đầu bắt buộc tương đương với 30% giá trị của căn hộ muốn sở hữu.
Ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, cho rằng gói 30.000 tỷ vừa qua là một gói tín dụng vừa để hỗ trợ cho người có thu nhập thấp vừa để hỗ trợ giai đoạn khó khăn của thị trường bất động sản.
Còn vấn đề NƠXH, cần được triển khai thường xuyên hơn và được thực hiện theo chế độ hỗ trợ lãi suất. Có nghĩa là hàng năm, Chính phủ sẽ có nguồn vốn, thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội và 4 ngân hàng thương mại để thực hiện chương trình cho vay, trong đó Nhà nước hỗ trợ một phần lãi suất.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Ngọc Thành – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho hay tín dụng cho phát triển NƠXH phải có cả chính sách cho cả nhà đầu tư và cho người tiêu dùng, đặc biệt là chính sách tín dụng đối với người mua nhà cần được hỗ trợ một cách tích cực và kịp thời.
Một trong những chính sách hỗ trợ cho người mua nhà là Tập đoàn CapitalHouse tới đây sẽ phát triển khoảng 70% các dự án nhà ở thương mại thuộc phân khúc đại chúng và NƠXH.
Đồng thời, tập đoàn sẽ kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước để cư dân có nguồn tiếp cận vốn, bên cạnh ngân hàng chính sách, còn có một số ngân hàng nữa được tạo điều kiện để hỗ trợ giúp giải ngân được dễ dàng hơn, đưa ra thủ tục cho vay thuận lợi hơn.
Khu nhà ở cho công nhân thuê tại KCN Tiên Sơn, Bắc Ninh do Tổng công ty Viglacera xây dựng |
Huy động từ nhiều nguồn
Vấn đề đặt ra là đã đến lúc nên vận dụng nhiều hơn cơ chế thị trường. Nhà nước cần có cơ chế để cung – cầu nhà giá thấp có khả năng gặp nhau, chủ yếu tập trung hỗ trợ các hộ thu nhập thấp, thông qua cho vay tiền, tín dụng nhà ở với lãi suất phù hợp, để họ có thể tự mua nhà trả góp hoặc thuê nhà dài hạn.
Theo đó, các nguồn tài chính trước hết phải được huy động từ những người có nhu cầu về nhà ở, từ cộng đồng dân cư, từ các nguồn đô thị qua việc sử dụng đất. Tiền thu được từ việc sử dụng đất đô thị để phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, trong đó có cơ sở hạ tầng của các khu nhà ở của người thu nhập thấp và người nghèo
Ts. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng nên có một quỹ NƠXH như các nước vẫn làm. Quỹ có sự đóng góp của cả Nhà nước, của một số chủ đầu tư quan tâm đến lĩnh vực này, cả vốn ODA nước ngoài, một số quỹ đầu tư mà người ta sẵn sàng đầu tư vào đó. Đồng thời, sử dụng quỹ đó phải đúng mục đích và đúng mục tiêu, nhu cầu phát triển NƠXH.
Một trở ngại lớn mà chương trình phát triển NƠXH cần phải vượt qua đó là quỹ đất. Theo ông Nguyễn Trọng Ninh – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), việc bắt buộc bố trí quỹ đất này mới chỉ thực hiện theo Luật Nhà ở 2014, tuy nhiên các dự án đã quy hoạch, bố trí trước đây đều chưa được bố trí quỹ đất 20%.
Mới đây, Thủ tướng đã ban hành chỉ thị số 03, giao rất rõ cho chính quyền địa phương phải bố trí đủ quỹ đất và hỗ trợ hạ tầng để phát triển NƠXH, đặc biệt là trong giai đoạn 2018-2020. Điều này đã mở một nút thắt cho NƠXH.
Ông Đỗ Viết Chiến – Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cũng chia sẻ rằng giai đoạn trước, nhiều dự án NƠXH đã được đầu tư hạ tầng hoặc chuyển đổi chức năng, thuận lợi rất nhiều. Tuy nhiên, hiện nay cần phải xác định rõ chỗ nào để xây dựng nhà ở xã hội, như vậy mới có được một quỹ đất dành cho nhu cầu xây dựng nhà ở xã hội.
Minh Sơn