Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), cho biết tổng nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội năm 2018 dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng, trong đó Chính phủ bố trí 500 tỷ đồng, NHCSXH huy động thêm 500 tỷ đồng.
Biết được thông tin người có thu nhập thấp sẽ được tiếp cận nguồn vốn vay mua nhà ở xã hội mới, anh Nguyễn Hoàng Giang (Mỹ Đình, Hà Nội) như trút đi được nỗi lo phải ở nhà thuê.
Ngân hàng đã sẵn sàng
Gần hai năm nay, anh Giang bỏ qua nhiều cơ hội được sở hữu một căn nhà có giá bình dân do gói vay ưu đãi mua nhà đã hết. “Hơn một năm nay, dù có nhu cầu mua nhà nhưng tôi đành phải chờ vay vốn ưu đãi. Chứ với số tiền vay thêm tầm 400 – 500 triệu đồng, lãi suất thương mại trôi nổi, tôi lo lãi suất tăng lên, mình không trả lãi nổi”, anh Giang chia sẻ.
Xét về các điều kiện để được vay vốn, anh Giang cho biết: “Gia đình tôi đủ điều kiện được vay, hiện nay, tôi đã bắt đầu hoàn thiện hồ sơ, thủ tục. Hy vọng gói 1.000 tỷ đồng sẽ giúp gia đình tôi “an cư” trong thời gian tới”.
Theo quy định, với trường hợp vay để mua/thuê mua nhà ở xã hội, mức vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng. Lãi suất 4,8%/năm với thời gian vay tối thiểu 15 năm, tối đa không quá 25 năm. Mức lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất khi cho vay.
Chia sẻ về mức lãi suất trên, ông Lý cho biết hiện tại, mức lãi suất này là vừa phải trong năm nay._Lãi suất cho vay sẽ không thể thấp hơn nữa bởi với mức này, ngân hàng đã không có lãi, nếu thấp quá, ngân hàng phải bù lỗ nhiều, ít người vay được. Còn lãi suất cao quá thì người vay khó trả. Chính phủ cũng đã đặt ra nguyên tắc lãi suất cho vay nhà ở xã hội tối đa không vượt quá 50% lãi suất của các tổ chức cho vay cùng loại._
Bên cạnh đó, hiện nay, lãi suất của các ngân hàng thương mại có cho vay nhà ở xã hội được Ngân hàng Nhà nước cho phép là 5%/năm. Trên cơ sở đó, NHCSXH thiết kế, đề xuất với các bộ ngành liên quan đề xuất lên Chính phủ lãi suất cho vay chương trình này là 4,8%/năm.
Bài toán về nguồn vốn cho nhà ở xã hội đã có lời giải, nhưng theo các chuyên gia, vẫn còn những vướng mắc.
Trong một cuộc khảo sát thực tế tại các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Hưng Yên… cho thấy nhu cầu vay vốn của người dân rất cao. Người dân mong muốn tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp để có thể “an cư lạc nghiệp”.
Theo số liệu thống kê của NHCSXH, nhu cầu vay vốn của người dân hiện lên tới 5.000 tỷ đồng, còn kế hoạch Bộ Xây dựng tính toán nhu cầu vay vốn nhà ở xã hội đến năm 2020 có thể lên tới 18.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, nguồn vốn có thể đáp ứng được lại rất hạn hẹp. Theo kế hoạch phân bổ vốn, trong năm nay, NHCSXH sẽ được Chính phủ bố trí nguồn vốn 500 tỷ đồng, còn lại 500 tỷ đồng được huy động. Đến năm 2020 sẽ có nguồn vốn cho vay ra với chương trình cho vay nhà ở xã hội là 2.236 tỷ đồng.
Tổng nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội năm 2018 dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng, trong đó Chính phủ bố trí 500 tỷ đồng, NHCSXH huy động thêm 500 tỷ đồng |
Vướng vốn mỏng
Như vậy, với 1.000 tỷ đồng mà phân bổ cho 63 tỉnh, thành trong năm nay là không thấm vào đâu. Nguồn vốn hạn chế như vậy nên số người được vay rất ít. Phó Tổng Giám đốc NHCSXH cho biết nguồn vốn mỏng trong khi nhu cầu nhiều sẽ là khó khăn lớn và chắc chắn sẽ phát sinh nhiều vấn đề… Do vậy, việc xét duyệt đối tượng được vay vốn phải thật sự chặt chẽ để chọn được đúng đối tượng và sử dụng vốn đúng mục đích, tạo sự công bằng cho những người vay._
NHCSXH cho biết việc phân bổ vốn cho gói vay nhà ở xã hội sẽ được thực hiện theo nhu cầu địa phương. Cụ thể, trong năm 2018, Hà Nội và Tp.HCM được xét cho vay mỗi địa phương 50 tỷ đồng, Hải Phòng: 10 tỷ đồng, Bắc Giang: 30 tỷ đồng, Lai Châu: 10 tỷ đồng, Thanh Hóa: 30 tỷ đồng…_
“Tất cả các hồ sơ được xét đủ điều kiện vay sẽ được giải ngân nếu nhu cầu vay ít hơn hoặc bằng nguồn vốn được phân bổ. Trong trường hợp nhu cầu vay lớn hơn nguồn vốn thì sẽ chấm điểm theo tiêu chí và có những đối tượng sẽ được ưu tiên như người chưa có nhà, gia đình có nhiều người tham gia lực lượng vũ trang nhân dân… Nếu nhiều trường hợp cùng điểm thì tiến hành bốc thăm khách quan, công khai”, ông Lý cho hay._
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng dù biết ngân sách rất khó khăn nhưng nhu cầu nhà ở của người có thu nhập thấp rất cấp bách, nên cần được ưu tiên tín dụng để cho đối tượng này mua nhà. Trước mắt có thể giải quyết một phần nhu cầu, sau đó sẽ huy động thêm các ngân hàng và đưa ra kế hoạch từ nay đến năm 2020 có thể giải quyết đa số nhu cầu nhà ở cho những đối tượng này.
Tuy nhiên, về lâu dài, các chuyên gia cho rằng phải huy động mọi nguồn lực trong xã hội mới có thể triển khai tốt chính sách nhà ở xã hội. Thực tế, việc trông chờ vào nguồn vốn bố trí từ ngân sách nhà nước là không dễ trong bối cảnh cân đối ngân sách còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Huyền Anh