Cụ thể, khu vực nghiên cứu lập quy hoạch là khu tập thể Nghĩa Tân có diện tích khoảng 30ha, thuộc phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy); phía Bắc trùng với tim đường Hoàng Quốc Việt; phía Tây trùng với mép vỉa hè hiện trạng phía Đông đường Nguyễn Phong Sắc, phía Đông, Đông Nam và phía Nam trùng với tim phố Tô Hiệu.
Các địa phương vào cuộc
Số tiền dự toán lập quy hoạch hơn 1,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, bao gồm chi phí tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư; công bố quy hoạch và đấu thầu.
Khu tập thể Nghĩa Tân là khu chung cư cũ đầu tiên được thành phố lập quy hoạch chi tiết 1/500 để xây dựng lại trong giai đoạn 2021-2025. Trước đó, việc cải tạo chung cư cũ chỉ được thực hiện với từng tòa nhà, không làm đồng bộ cả khu chung cư.
Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư, khu tập thể cũ. |
Đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, Sở đã phê duyệt dự toán lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nghĩa Tân. Cùng giai đoạn 1 của kế hoạch còn có các khu chung cư: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh (quận Ba Đình), Trung Tự, Kim Liên, Khương Thượng (quận Đống Đa), Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân).
Thực tế, thời gian qua, tại nhiều địa phương trên địa bàn TP Hà Nội đã dần đẩy nhanh quá trình cải tạo các khu chung cư cũ. Điển hình như tại Hoàn Kiếm, vào cuối tháng 8 vừa qua, HĐND quận đã tổ chức buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề về “Công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn quận”.
Báo cáo của UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, thực hiện kế hoạch và các quyết định của thành phố về hướng dẫn quy trình thực hiện cải tạo xây dựng nhà chung cư cũ, Quận ủy Hoàn Kiếm đã ban hành Đề án số 18-ĐA/QH ngày 10/1/2022 về việc tập trung nguồn lực để đầu tư cải tạo chung cư cũ nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trên địa bàn và các kế hoạch, quyết định để triển khai.
Quận cũng đã phối hợp với Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến về Nghị định số 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ, tuyên truyền các kế hoạch đề án của thành phố và quận đến đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Đảm bảo lợi ích của người dân
Cùng với hành động quyết liệt từ chính quyền, cử tri đại diện cho các hộ dân sinh sống tại 110 khu nhà chung cư cũ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cũng nêu những ý kiến nhằm bày tỏ mong muốn liên quan đến chính sách hỗ trợ tái định cư, tu sửa lại một số hạng mục đã xuống cấp.
Một số cử tri cũng đề xuất UBND quận có lộ trình cụ thể về việc xây dựng, cải tạo chung cư cũ và ưu tiên những khu chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân; đồng thời, công khai các thông tin về kế hoạch triển khai, quy hoạch, quyền lợi của các hộ dân như tái định cư, tại cư, đền bù, quy hoạch… để nhân dân nắm được.
Tương tự Hoàn Kiếm, người dân ở tất cả các địa phương khác trên địa bàn TP Hà Nội cũng mong muốn được đảm bảo song song giữa nghĩa vụ và quyền lợi trong quá trình cải tạo chung cư cũ.
Bà Trần Thị Hương, trú tại khu tập thể Thành Công, chia sẻ việc cải tạo, xây mới chung cư cũ là điều rất cần thiết, vì không ai muốn ở nhà cũ, hư hỏng, tường vôi bong tróc. Tuy nhiên, phải đảm bảo tiến độ, lợi ích thỏa đáng cho người dân.
Đảm bảo lợi ích hợp pháp cho người dân là ưu tiên hàng đầu trong quá trình cải tạo chung cư, khu tập thể cũ. |
Trước đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng không ít lần khẳng định yếu tố quan trọng nhất trong cải tạo chung cư cũ là đảm bảo lợi ích hợp pháp cho người dân. Muốn an toàn cho người dân thì Nhà nước phải có trách nhiệm, nguồn vốn dành cho việc cần thiết thì Nhà nước bỏ ra và nên rộng rãi.
Cải tạo chung cư cũ phải gắn với tái thiết đô thị và quy định thời hạn sở hữu chung cư mới giải quyết được vấn đề. Thay vì cách làm cải tạo từng tòa chung cư thì nên cải tạo chung cư theo từng khu.
Về giải pháp, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, nơi nào có 4 - 5 tòa chung cư cũ, mỗi tòa 4 - 5 tầng thì khi đầu tư xây dựng lại chỉ làm 1 - 2 tòa và làm cao tầng hơn, còn bên dưới để làm không gian thương mại và dịch vụ, tầng hầm, bãi đỗ xe…
“Làm như vậy, người dân sẽ có không gian sống bảo đảm hơn và nhà đầu tư cũng có lợi ích, còn cách làm cuốn chiếu như hiện nay là không ổn”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Vẫn cần đẩy nhanh tốc độ
Với mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô hướng đến đô thị xanh, văn hiến, văn minh, thông minh, hiện đại, trong năm 2023, TP Hà Nội đặt chỉ tiêu diện tích nhà bình quân đầu người đạt 28,2 m2/người; tổng diện tích sàn nhà ở đạt khoảng 6,9 triệu m2.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, việc đẩy nhanh quá trình cải tạo chung cư cũ, xây nhà ở tái định cư là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm, với mục tiêu cốt lõi hướng đến nâng cao đời sống, tạo điều kiện an cư lạc nghiệp cho người dân.
Tuy nhiên, qua báo cáo của Bộ Xây dựng và các địa phương, hiện nay có 366 nhà chung cư thuộc diện cải tạo, xây dựng lại, trong đó nhà chung cư đã hoàn thành việc cải tạo, xây dựng lại là 42 nhà chung cư. So với tổng số chung cư cũ, số lượng được cải tạo vẫn còn quá ít.
Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng chung cư, với 3.015 nhà, gấp gần 2 lần con số 1.635 nhà của TP.HCM. Số lượng chung cư của Hà Nội cũng bằng 51% tổng số chung cư của cả nước.
Việc cải tạo được Hà Nội đặt ra từ hơn 20 năm trước, mục tiêu đến năm 2015 sẽ "xóa" toàn bộ. Tuy nhiên, đến nay mới có 19 chung cư cũ được cải tạo và đưa vào sử dụng, 14 dự án đang triển khai.
Theo đó, để đẩy nhanh việc thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, TP Hà Nội đang đôn đốc đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch xây dựng lại chung cư cũ, theo đề nghị của Bộ Xây dựng liên quan đến cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ tại các tỉnh, thành.
Với những đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, TP Hà Nội đang rất quyết tâm tháo dần các "nút thắt", đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô nhằm nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân.
Nhật Minh