Ở sâu trong ngõ trên đường Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm), vợ chồng anh Trịnh Văn Tú cùng một con nhỏ sống trong một căn nhà trọ 17m2. Hai phòng chung một nhà vệ sinh kiêm tắm giặt, để không phải đợi, nhiều hôm anh Tú phải thức dậy từ 5h sáng. Mùa nóng, không khí đặc quánh, vô cùng ngột ngạt.
Nhu cầu lớn
Từ Bắc Giang xuống Hà Nội lập nghiệp đã gần 10 năm, anh Tú cho hay từng ước mơ có nhà riêng nhưng giờ thì không còn hy vọng nữa. Vợ chồng anh đều là công nhân tại một khu công nghiệp ở Bắc Thăng Long, tháng nào tăng ca nhiều thì được hơn 20 triệu đồng.
Công nhân, người lao động trên địa bàn Thủ đô "khát" nhà cho thuê dài hạn giá rẻ. |
“Chi tiêu chắt bóp thì tiền nhà, điện nước, quần áo, học phí bán trú cho cậu con trai học lớp 3 cũng “ngốn” hết phần lương của vợ tôi. Tháng nào không may ốm đau, lễ lạt nhiều thì tốn hết cả phần lương của tôi. Trung bình mỗi năm, may mắn thì nhà tôi tiết kiệm được 40-50 triệu đồng”, anh Tú thổ lộ với VnBusiness.
Với thu nhập hiện tại, vợ chồng anh Tú phải mất ít nhất 20 năm tiết kiệm để mua một căn nhà có giá 1 tỷ đồng. Nhưng giá nhà ở xã hội hiện tại rẻ cũng 1,2 - 1,5 tỷ đồng/căn, nên đã từ lâu anh chuyển từ ước mơ có tiền “mua đứt” sang nhu cầu đi thuê dài hạn.
Tương tự, ở khu nhà ở Đ5 (thuộc Khu nhà ở dành cho công nhân Kim Chung, huyện Đông Anh) được Công ty TNHH Canon Việt Nam thuê để làm ký túc xá cho công nhân còn độc thân. Với sự hỗ trợ từ công ty, chị Cúc (26 tuổi, quê Bắc Ninh) đang ở trọ cùng phòng với 3 công nhân.
Chị Cúc cho hay mỗi tháng chị chỉ phải trả tiền trọ 50.000 đồng/người/tháng và không phải trả chi phí điện, nước, wifi vì đã được công ty hỗ trợ. Nhìn giá nhà tăng từng ngày, chị cũng bày tỏ chỉ muốn được hỗ trợ thuê nhà dài hạn, chứ không có ý định mua nhà vì thu nhập không dư dả.
Qua khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, với mức lương như hiện nay (trung bình 6-9 triệu đồng/người/tháng), hầu hết các gia đình công nhân không có nhiều khả năng tích lũy tài chính, vì vậy họ có nhu cầu thuê nhà hơn là mua nhà và trông chờ vào việc trợ cấp của Nhà nước, doanh nghiệp nhằm thuê những căn hộ phù hợp khả năng kinh tế, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt.
Những chuyển biến tích cực
Có thể thấy, nhu cầu nhà ở cho thuê, cho thuê mua giá bình dân của công nhân, lao động phổ thông trên địa bàn Hà Nội hiện nay là rất lớn. Vì vậy, thời gian qua, thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp để phát triển loại hình này, trong đó đặt chỉ tiêu đến năm 2025 diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 29,5m2/người, tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê đạt tối thiểu 10% diện tích nhà ở xã hội.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến phát triển nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở xã hội, trong đó chú trọng nâng cao tỷ lệ nhà cho thuê. |
Cụ thể, Sở Xây dựng Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các nhà đầu tư rà soát, lập danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đủ điều kiện được vay vốn ưu đãi gửi Bộ Xây dựng để công bố công khai.
Đến nay, đã có 3 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đang tiếp cận Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh thành phố Hà Nội và 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) để vay vốn ưu đãi theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ.
Đồng thời, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội-Chi nhánh thành phố Hà Nội triển khai cho các hộ gia đình, cá nhân vay vốn ưu đãi để sửa chữa, cải tạo nhà ở, vay vốn mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Thúc đẩy phát triển nhà cho thuê
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết UBND TP. Hà Nội đã xây dựng và phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu phát triển đa dạng các loại hình nhà ở, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, chung cư, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp.
Theo thống kê, từ năm 2021 đến hết tháng 6/2023, Thành phố Hà Nội đã có 4 dự án hoàn thành toàn bộ, 1 dự án hoàn thành 1 phần với khoảng 0,345 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, khoảng 4.168 căn hộ.
Bên cạnh đó, trên địa bàn Thủ đô cũng có 40 dự án đang triển khai, gồm 18 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021-2025, với khoảng 0,869 triệu m2 sàn, 12.137 căn hộ; 22 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn sau 2025 với khoảng 1,689 triệu m2 sàn, 22.400 căn hộ.
Ngoài ra, UBND TP. Hà Nội đang tổ chức triển khai lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư 5 dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) với tổng quy mô sử dụng đất khoảng 277ha. Dự kiến, 5 dự án này sẽ bổ sung khoảng từ 2-2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu rất lớn của công nhân, lao động tại thành phố.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai, vào trung tuần tháng 5 vừa qua, tại hội nghị đối thoại với công nhân lao động thủ đô năm 2023, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho hay, thành phố đang tập trung khởi công các dự án, với quy trình đồng bộ, quan tâm đến việc công nhân có thể tiếp cận được.
“Hà Nội cũng sẽ có chính sách riêng để công nhân với mức lương bình quân 7 triệu đồng/tháng có thể tiếp cận được nhà ở xã hội, có tính khả thi. Thành phố đang rất quyết liệt nhưng việc này cần có thời gian nhất định, kế hoạch và lộ trình cụ thể", Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, theo PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố Hà Nội, để công nhân có nơi ăn ở ổn định, phù hợp điều kiện thu nhập Nhà nước cần có Quỹ xây dựng nhà ở cho thuê dành cho công nhân. Bên cạnh đó, cần có chính sách thực tiễn, khả thi, phân vai rõ ràng trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp, có chính sách tín dụng hợp lý... để thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở cho công nhân thuê.
Lệ Chi