Dự lễ khánh thành Cầu Vĩnh Tuy 2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá trong thời gian qua TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo đúng quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, trong đó cầu Vĩnh Tuy 2 là một trong những dự án giao thông trọng điểm.
Sớm tiến độ, không đội vốn
Công trình hoàn thành góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía bắc và đông bắc thành phố; giảm tải lưu lượng xe trên cầu Thanh Trì và vành đai 3; từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của Hà Nội theo quy hoạch đã được phê duyệt.
"Đa phần các dự án của chúng ta đều chậm tiến độ và đội vốn, nhưng với dự án xây cầu Vĩnh Tuy 2 qua báo cáo, tôi thấy vừa hoàn thiện sớm tiến độ và đặc biệt là không đội vốn. Trong điều kiện thi công khó khăn do dịch bệnh nhưng đạt được thành quả này là một điều đáng ghi nhận", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cắt băng khánh thành cầu Vĩnh Tuy 2 sáng 30/8. |
Thủ tướng cho rằng việc đưa cầu Vĩnh Tuy 2 vào hoạt động là tiền đề quan trọng để Hà Nội khởi công cầu Hồng Hà, Mễ Sở trong năm 2024. Tuy nhiên, khi Hà Nội thiết kế các cây cầu mới, Thủ tướng lưu ý ngoài việc đảm bảo tiến độ, chất lượng thì còn phải đảm bảo mỹ thuật; mỗi công trình, một cây cầu ở Hà Nội phải là một sản phẩm du lịch độc đáo, mang tính đặc trưng của Thủ đô.
Bên cạnh đó, để triển khai tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội hoàn thiện đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng phê duyệt làm cơ sở triển khai. Thành phố cần nghiên cứu tổng thể giải pháp kết nối giao thông, nhất là các nút giao nhằm giảm thiểu ùn tắc, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư cầu Tứ Liên, sớm khởi công cầu này và Hồng Hà, Mễ Sở.
Tại lễ khánh thành, ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết dự án cầu Vĩnh Tuy 2 được hoàn thành sớm hơn tiến độ 4 tháng so với dự kiến. Đây là một dự án giao thông quan trọng góp phần giảm tải cho cầu Vĩnh Tuy 1 thường xuyên ùn tắc, tăng cường lưu thông giữa hai bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải đang tăng cao giữa trung tâm thủ đô với khu vực phía bắc và đông bắc TP.
Mở rộng không gian kết nối
Cầu Vĩnh Tuy 2 khởi công tháng 1/2021 với mục tiêu hoàn thành sau 3 năm (song song với cầu Vĩnh Tuy 1 hoàn thành năm 2010). Điểm đầu cầu giao đường Trần Quang Khải - Nguyễn Khoái - Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), điểm cuối giao đường Long Biên - Thạch Bàn (quận Long Biên). Cầu rộng hơn 19m, quy mô 4 làn xe, tổng vốn đầu tư 2.538 tỉ đồng.
Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, cầu Vĩnh Tuy có chiều rộng mặt cắt ngang lớn nhất trong số các cây cầu bắc qua sông Hồng với 8 làn ô tô. Theo phương án phân luồng, tổ chức giao thông của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trên cầu Vĩnh Tuy 2, người và phương tiện tham gia giao thông đi một chiều theo hướng từ quận Hai Bà Trưng đi Long Biên.
Cầu Vĩnh Tuy 2 được kỳ vọng mở rộng không gian phát triển cho vùng Thủ đô. |
Cầu Vĩnh Tuy 2 được phân làm 4 làn, trong đó ba làn dành cho xe cơ giới với tốc độ tối đa 60km/h và một làn hỗn hợp xe máy và xe thô sơ tốc độ khai thác tối đa 40km/h. Xe cơ giới và xe hỗn hợp được phân làn bằng dải phân cách cứng và hệ thống biển báo hướng.
Trong quá trình triển khai, dự án đã gặp không ít khó khăn như địa chất, thủy văn phức tạp, vừa thi công vừa phải đảm bảo giao thông đi lại; dự án thi công trong mùa mưa, lũ diễn biến phức tạp; ảnh hưởng của dịch Covid-19; biến động giá vật tư, nhân công, vốn lưu động…
Tuy nhiên, dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND TP, sự nỗ lực của Ban QLDA, các chuyên gia, công trình đã khánh thành đúng tiến độ, kịp thời chào mừng kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc Khánh, 69 năm ngày Giải phóng Thủ đô.
Hiện, Hà Nội có 8 cây cầu bắc qua sông Hồng gồm: Văn Lang (Ba Vì - Việt Trì), Vĩnh Thịnh, Thăng Long, Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy (giai đoạn 1 và giai đoạn 2), Thanh Trì. Các công trình chủ yếu do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, riêng cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 1 hoàn thành năm 2010 trước đây và cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 hoàn thành hôm nay do Hà Nội trực tiếp làm chủ đầu tư và thực hiện bằng ngân sách thành phố.
Theo quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Thủ đô sẽ có thêm 10 cầu qua sông Hồng, gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc).
Nhật Minh