Thực tế, vấn đề xây dựng nhà cho thuê giá rẻ cũng đang được nhiều địa phương quan tâm. Đơn cử, mới đây, TP.HCM đặt ra mục tiêu phát triển 500.000m2 sàn nhà ở xã hội cho thuê, tương ứng khoảng 7.000 căn hộ.
“Cơn khát” nhà cho thuê giá rẻ
Cụ thể, Sở Xây dựng TP.HCM vừa một lần nữa trình UBND thành phố dự thảo chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030, trong đó đưa ra chỉ tiêu cụ thể về diện tích sàn nhà ở xã hội cho thuê trong từng giai đoạn thực hiện.
Trước mắt, kể từ nay đến năm 2025, TP.HCM đặt chỉ tiêu xây dựng 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, trong đó có 500.000m2 sàn cho thuê tương ứng 7.000 căn hộ và 220.000m2 nhà lưu trú cho công nhân tương đương 4.500 căn hộ.
Đến giai đoạn 2026 – 2030, thành phố đặt mục tiêu xây dựng được 4,08 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương ứng 58.000 căn, trong đó có 11.600 căn hộ cho thuê và 8.000 căn hộ nhà lưu trú cho công nhân. Để xây dựng được lượng nhà ở xã hội trên, TP.HCM dự kiến sẽ cần hơn 450 ha đất.
Khảo sát cho thấy, trên địa bàn TP.HCM có khoảng 6 triệu người lao động, phần lớn trong số này có nhu cầu chỗ ở ổn định, môi trường sống tốt, nhưng không có khả năng mua nhà ở. Trong khi đó, lượng nhà ở xã hội cho thuê hiện rất ít ỏi, khoảng 80% công nhân, người lao động phải sống trong các khu nhà trọ.
Giá nhà quá cao khiến "cơn khát" nhà cho thuê của người dân ngày càng tăng. |
Tương tự, tại Bình Dương, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị nhằm khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển phân khúc nhà ở cho thuê theo tiêu chuẩn nhà ở xã hội, nhằm từng bước nâng cao chất lượng nhà ở cho người lao động.
Hiện, toàn tỉnh đang có 600.000 phòng trọ cho thuê, đã góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho khoảng 1,5 triệu người. Tuy nhiên, đa phần các khu nhà ở cho thuê, nhà trọ hiện có chất lượng chưa cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn...
Có thể thấy, dù đã được nhiều địa phương quan tâm, số lượng nhà cho thuê giá rẻ đảm bảo chất lượng hiện tại vẫn còn quá nhỏ so với nhu cầu. Không chỉ ở phía Nam, “cơn khát” nhà cho thuê đang hiện hữu tại khắp các tỉnh, thành trên cả nước.
Cách nào cải thiện nguồn cung?
Ngay như tại Hà Nội, hệ thống nhà trọ vẫn là loại hình chính “gánh” hàng trăm nghìn lao động nhập cư. Khảo sát tại một khu công nghiệp ở Bắc Thăng Long, hơn 70% các công nhân đang sống trong những khu nhà trọ chất lượng thấp, giá thuê dao động từ 1,5 – 3 triệu đồng/tháng.
Anh Nguyễn Văn Hoàng (Bắc Giang), một công nhân làm việc trong khu công nghiệp Bắc Thăng Long, cho biết xưởng của anh có hơn 100 người thì có 99% là thuê trọ. Gia đình anh 3 người đang sống trong một căn trọ rộng 15m2 nằm sâu trong ngõ đường Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm).
Có thể thấy, việc giá nhà tăng quá cao đang đẩy “cơn khát” nhà ở cho thuê tăng lên. Báo cáo thị trường của viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, nhu cầu tìm kiếm và giá cho thuê trong 6 tháng đầu năm 2022 đều tăng so với cuối năm 2021.
Diễn biến từ thực tế cho thấy, cùng với quá trình cải thiện nguồn cung nhà ở để bán, việc đẩy mạnh các chính sách nhằm tháo gỡ nguồn cung nhà ở để cho thuê cũng là yêu cầu vô cùng cấp thiết trong thời điểm hiện tại. Để làm được điều này, theo chuyên gia, trước hết cần “cởi trói” trong chính sách hỗ trợ các chủ nhà trọ nâng cấp phòng trọ cho thuê, vì hiện tại còn quá nhiều khúc mắc.
Trong một bài viết mới đây của Vnbusiness, bà Hoàng Thị Diễn, chủ khu trọ nằm gần khu công nghiệp Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TP.HCM) chia sẻ, trong thời gian qua, thành phố có nhiều chính sách hỗ trợ xây dựng, cải tạo các khu nhà trọ. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn để được vay vốn rất khắt khe.
“Để đáp ứng tiêu chuẩn, tôi sẽ phải đập đi làm lại toàn bộ khu trọ cũ hiện tại. Muốn vậy thì phải đi vay, tự dưng mang nợ. Chưa kể sau khi xây mới thì giá phòng sẽ phải tăng, thiệt cho cả người thuê và chủ sở hữu. Đây là lý do khiến tôi và nhiều chủ nhà khác không mặn mà việc nâng cấp phòng trọ”, bà Diễn nói.
Theo tìm hiểu, từ năm 2011, TP.HCM đã triển khai chương trình hỗ trợ vay vốn xây mới hoặc sửa chữa nhà trọ để công nhân thuê. Tuy nhiên, các thống kê của Quỹ Phát triển nhà ở TP.HCM cho thấy, sau 10 năm, rất ít chủ trọ tiếp cận được nguồn vốn vì không thể đáp ứng tiêu chí xét duyệt.
Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Tập đoàn Him Lam, cũng đồng tình rằng nguồn lực lớn nhất để xây dựng nhà ở xã hội là ở chính người dân. Minh chứng là ở TP.HCM đang có hơn 700 nghìn nhà trọ, nếu đảm bảo tiêu chuẩn sẽ giảm đáng kể gánh nặng nhà ở cho người lao động.
“Quan trọng là chúng ta xây dựng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn, huy động được nguồn lực từ người dân, chứ chỉ mình doanh nghiệp thì không thể đáp ứng hết nhu cầu. Vì vậy, cần có một chuẩn hóa chung về nhà trọ và có cơ chế hỗ trợ thông thoáng giúp người dân phát triển các khu nhà ở cho thuê. Cơ quan quản lý tháo gỡ pháp lý, người dân chung tay, doanh nghiệp đồng hành là giải pháp tối ưu nhất”, ông Minh nhấn mạnh.
Hưng Nguyên