Theo Sở Xây dựng TP.HCM, cứ bình quân 5 năm, thành phố đón thêm 1 triệu người lao động mới. Nhưng sau 15 năm, chỉ có 31 dự án nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng, tương ứng 18.800 căn hộ và 16 nhà lưu trú công nhân với khoảng 21.400 chỗ ở tại 11 khu công nghiệp, khu chế xuất.
Phập phồng nỗi lo ở trọ
Khi nhà ở xã hội là quá xa vời, nhà trọ mang trên mình “sứ mệnh” giải quyết chỗ ở cho người lao động. Các khảo sát cho thấy đang có xấp xỉ 90% công nhân ngoại tỉnh đang sống trong các khu nhà trọ, tương đương 1,3 triệu người với khoảng hơn 550.000 phòng trọ.
Ở Hà Nội, tình trạng cũng không mấy khác biệt so với TP.HCM. Và điểm chung dễ thấy nhất là hệ thống nhà trọ đa phần được thực hiện dưới hình thức kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát. Không ít người nhập cư đang bất định trong giấc mơ an cư, thậm chí sống trong nỗi lo "mất chỗ ngả lưng" vì chủ trọ dồn ép.
Anh Nguyễn Văn Hoàng, công nhân làm việc tại một khu công nghiệp tại Bắc Thăng Long (Hà Nội) cho biết xưởng của anh có hơn 100 người thì có 99% là thuê trọ. Gia đình anh 3 người đang sống trong một căn trọ rộng 15m2 nằm sâu trong ngõ đường Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm).
Từ Bắc Giang xuống Hà Nội làm việc, gần 10 năm ở trọ, anh Hoàng chia sẻ không còn lựa chọn nào khác tốt hơn. Vợ anh cũng là công nhân, tháng nào tăng ca nhiều thì tổng thu nhập của cả hai vào khoảng hơn 20 triệu đồng. Vật giá leo thang, việc chi tiêu luôn phải chắt bóp.
“Tiền nhà, điện nước, quần áo, học phí bán trú cho cậu con trai học lớp 2 gần như ngốn hết phần lương của vợ tôi. Tháng nào không may ốm đau, lễ lạt nhiều thì “lẹm” sang cả phần lương của tôi. Trung bình mỗi năm, may mắn thì nhà tôi tiết kiệm được 40-60 triệu đồng”, anh Hoàng nói.
Chuẩn hóa, đẩy mạnh cơ chế hỗ trợ xây mới hệ thống nhà trọ là giải pháp giảm áp lực nhà ở cho người lao động. |
Cũng theo anh Hoàng, ở xóm trọ của anh có phòng 3-5 người ở ghép, không mang theo gia đình nên họ tập trung lại để giảm bớt chi phí. Nhà lợp mái tôn, dùng nước giếng khoan, điện 4.000 đồng/kWh (cao hơn mức thị trường), khi nắng nóng, mọi người phun nước lên mái nhà cho bớt oi bức.
Theo khảo sát, công nhân thường chỉ bỏ ra 10 - 15% tổng thu nhập hàng tháng để lo nhà ở, tương đương mức 1-1,5 triệu đồng/tháng. Do đó, nhà trọ chính là lựa chọn khả dĩ nhất của những người dân, hộ gia đình nhập cư, bởi với họ thì ở căn hộ cho thuê là lựa chọn ngoài tầm với.
Bao giờ nhà trọ hết lo?
Nếu các khu nhà trọ mang sứ mệnh giải quyết chỗ ở cho người lao động nhập cư thì chủ nhà trọ có thể được coi là những người “làm chủ cuộc chơi”. Song chính họ, dù muốn hoặc không, cũng đang gặp vô vàn khó khăn trong việc làm mới hoặc nâng cấp tiêu chuẩn các khu trọ.
Đơn cử, bà Hoàng Thị Diễn, chủ khu trọ nằm gần khu công nghiệp Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TP.HCM) chia sẻ, trong thời gian qua, thành phố có nhiều chính sách hỗ trợ xây dựng, cải tạo các khu nhà trọ. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn để được vay vốn rất khắt khe.
“Để đáp ứng tiêu chuẩn, tôi sẽ phải đập đi làm lại toàn bộ khu trọ cũ hiện tại. Muốn vậy thì phải đi vay, tự dưng mang nợ. Chưa kể sau khi xây mới thì giá phòng sẽ phải tăng, thiệt cho cả người thuê và chủ sở hữu. Đây là lý do khiến tôi và nhiều chủ nhà khác không mặn mà việc nâng cấp phòng trọ”, bà Diễn nói.
Theo tìm hiểu, từ năm 2011, TP.HCM đã triển khai chương trình hỗ trợ vay vốn xây mới hoặc sửa chữa nhà trọ để công nhân thuê. Tuy nhiên, các thống kê của Quỹ Phát triển nhà ở TP.HCM cho thấy sau 10 năm, rất ít chủ trọ tiếp cận được nguồn vốn vì không thể đáp ứng tiêu chí xét duyệt.
Thực trạng trên cho thấy để giải bài toán chuẩn hóa nhà trọ, giải cơn khát nhà ở cho người dân rất cần “bàn tay” của Nhà nước và cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn để tạo ra một thị trường cho thuê nhà ở hợp với túi tiền người lao động.
Ngày 1/8, trong một hội nghị được đánh giá có quy mô lớn nhất từ đầu năm về vấn đề giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, song song với việc phát triển nhà ở, cần hoàn thiện quy định pháp luật để phát triển nhà trọ. Để làm được, cần có sự can thiệp, quản lý của Nhà nước, đảm bảo môi trường sống… ngày càng văn minh cho người dân.
Còn ở góc nhìn của doanh nghiệp, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Tập đoàn Him Lam cho rằng, nguồn lực lớn nhất để xây dựng nhà ở xã hội là ở chính người dân. Minh chứng là ở TP.HCM đang có hơn 700 nghìn nhà trọ, nếu đảm bảo tiêu chuẩn sẽ giảm đáng kể gánh nặng nhà ở cho người lao động.
“Quan trọng là chúng ta xây dựng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn, huy động được nguồn lực từ người dân, chứ chỉ mình doanh nghiệp thì không thể đáp ứng hết nhu cầu. Vì vậy, cần có một chuẩn hóa chung về nhà trọ và có cơ chế hỗ trợ thông thoáng giúp người dân phát triển các khu nhà ở cho thuê. Cơ quan quản lý tháo gỡ pháp lý, người dân chung tay, doanh nghiệp đồng hành là giải pháp tối ưu nhất”, ông Minh nhấn mạnh.
Hưng Nguyên