Theo số liệu của Bộ Xây dựng, đến hết năm 2017, hệ thống đô thị cả nước có tổng số 813 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt gồm Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, 19 đô thị loại I, 23 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV, 640 đô thị loại V. Tổng diện tích đất thuộc ranh giới hành chính đô thị là trên 340.000 km2 (chiếm khoảng 10% diện tích đất cả nước), trong đó diện tích đất khu vực nội thị ước khoảng 145.000 km2 (chiếm khoảng 4,4% diện tích đất cả nước).
Bỏ quên hạ tầng xã hội
Tổng kết của Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, cho biết, tại các đô thị lớn như Hà Nội và Tp. HCM, các khu đô thị mới thường được phát triển dưới dạng đô thị xanh, đô thị sinh thái và đô thị thông minh. Nhưng trên thực tế chỉ có một số nhất định khu đô thị mới bảo đảm được các đặc thù riêng, còn lại khá nhiều khu chỉ tập trung vào nhà ở để bán.
Điều này xảy ra ở hầu hết các khu đô thị mới, bởi hạ tầng xã hội còn thiếu, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ. Đặc biệt mới đây, UBND Tp. Hà Nội đã chỉ ra một loạt các khu đô thị “bỏ quên” việc xây trường học.
Điển hình như khu nhà ở Đài phát thanh phát sóng Mễ Trì do Tổng công ty PT truyền hình thông tin Emico làm chủ đầu tư.
Dự án Khu đô thị Thành phố giao lưu với quy mô rộng 95ha, do công ty CP Đầu tư và Xây dựng Quốc tế VIGEBA cùng các đối tác khác làm chủ đầu tư.
Khu đô thị Đoàn ngoại giao do Tổng công ty Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư, với quy mô 62.8ha và tổng vốn đầu tư lên đến 1.300 tỷ đồng.
Khu đô thị mới Cổ Nhuế – Xuân Đỉnh có tổng diện tích 24.8 ha và dự kiến phục vụ 3.734 cư dân.
Bên cạnh đó, còn một loạt “ông lớn” địa ốc khác như Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty đầu tư phát triển nhà Hà Nội (Handico)… cũng “bỏ quên” trường học.
Điểm chung là các khu đô thị này đều có diện tích lớn, quy mô dân số từ gần 5.000 người trở lên, đã và đang đưa vào sử dụng, có những khu đưa vào sử dụng 7-8 năm nay cũng chưa xây trường học, mà chỉ chăm bán nhà, chồng nhà cao tầng.
Ngoài các khu đô thị kể trên, bằng mắt thường, người dân cũng có thể quan sát được nhiều khu đô thị như những khối bê tông khổng lồ, không những thiếu trường học, thiếu cả cây xanh, thiếu không gian vui chơi cho trẻ, thiếu các cơ sở y tế và những nhu cầu thiết yếu của người dân.
Quy mô khu đô thị vẫn chưa được quy định đồng nhất |
Lỗi không phải nhà quy hoạch
Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam, người có thể được coi là “cha đẻ” của đồ án quy hoạch Linh Đàm cho biết, bài toán đô thị như hiện nay cần có sự tham vấn của các nhà đầu tư, nhà chức trách, doanh nghiệp.
Ông Chiến chia sẻ khu đô thị Linh Đàm có thể coi như tác phẩm đầu tay khi ông về Hà Nội đầu thập niên 1990. Thời đó, Linh Đàm diện tích 100 hecta thì có đến 74 hecta dành cho quy hoạch mặt nước. Chính dự án hồ Linh Đàm năm 1994 sau đó đã được giải thưởng kiến trúc quốc gia và giải thưởng Thăng Long của Hà Nội.
“Linh Đàm là một trong hai khu đô thị kiểu mẫu được Bộ Xây dựng công nhận, sau này Linh Đàm không được quy hoạch đến nơi đến chốn, cho đến giờ nhiều người muốn thu hồi danh hiệu đó lại, tôi thấy rất buồn”, ông Chiến bộc bạch.
Đây chỉ là một ví dụ và còn rất nhiều khu đô thị khác rơi vào tình trạng này, lỗi do khâu quản lý cuối cùng. Định hướng quy hoạch ban đầu một kiểu nhưng sau đó các lần điều chỉnh lại dẫn đến méo mó.
“Lúc đó chúng tôi không hề muốn đưa nhà ở vào như bây giờ. Sau này không biết còn khu nào như thế này. Đến bây giờ, chỉ riêng 1 miếng đất con con mà có đến 12 tháp, điều này gây phá vỡ hết quy hoạch”, ông Chiến nói.
Việc đô thị hoá sau năm 2006 diễn ra khá nhanh, ngày hôm qua vẫn con trâu, cái cày, lập tức ngày hôm nay thành đô thị. “Đó không phải do các nhà quy hoạch mà do khâu tổ chức thực hiện có vấn đề”, ông Chiến nhấn mạnh.
Khu đô thị hiện nay không quy định về quy mô bao nhiêu, vì thế rất tùy tiện. 5, 7 hecta, hay 20 hecta hay vài trăm hecta, diện tích bao nhiêu là đủ? Trong khi đó theo quy định cần phải đảm bảo đủ hạ tầng xã hội, hạ tầng sinh hoạt.
Ông Đỗ Viết Chiến cũng cho biết về góc độ quy hoạch, khu đô thị bắt buộc phải đồng bộ giữa hạ tầng quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng nhà ở.
Năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định 02, ban hành quy chế về đô thị mới. Sau đó, các nhà đầu tư cứ thấy ở đâu có đất mới thì xin phép đo để làm dự án. Thậm chí, có thực trạng một số nhà đầu tư sẵn sàng “lót tay” để được cấp vị trí đất đẹp. Đây chính là vùng “tối” trong phát triển đô thị.
Cũng vì tình trạng phát triển theo nhu cầu của nhà đầu tư này mà quy mô khu đô thị không được quy định đồng nhất, dẫn đến có khu đô thị rộng hàng trăm, hàng nghìn hecta nhưng cũng có những khu chỉ vài chục hecta.
Phạm Minh