Đây là phần trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá IV trước hàng loạt câu hỏi của các đại biểu liên quan đến trách nhiệm của Bộ Xây dựng, giải pháp của Chính phủ nhằm giải quyết tình trạng quy hoạch dự án bất động sản (BĐS) treo.
Chưa có một con số thống kê các dự án BĐS treo trên cả nước. Tuy nhiên, theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Tp.HCM, tính đến tháng 12/2018, địa phương này đã rà soát 2.822 dự án, trong đó xác định có 180 dự án không thực hiện được nên đưa vào danh sách thu hồi.
Khó thu hồi dự án treo
Tại Hà Nội, đến tháng 8/2018, có tới gần 400 dự án có quy hoạch treo. Một số quận huyện có số dự án chậm tiến độ nhiều như Hoài Đức 51 dự án, Mê Linh 50 dự án, Nam Từ Liêm 48 dự án, Hoàng Mai 25 dự án, Bắc Từ Liêm 23 dự án…
Trước số lượng dự án treo vẫn còn nhiều, lãnh đạo Sở TN&MT Tp.HCM cho biết, khi kiểm tra lại nếu dự án được phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 3 năm nhưng không làm bất cứ việc gì ngoài mục đích "giữ chỗ" thì buộc phải đưa ra ngoài kế hoạch.
Ở những dự án bồi thường dang dở, quyền lợi của người dân khu vực chưa được bồi thường sẽ được khôi phục, khu vực đã bồi thường thì chủ đầu tư được điều chỉnh.
Trên thực tế, tại Tp.HCM số dự án thu hồi chỉ đếm trên đầu ngón tay, vì khi đất vàng đã lọt vào tay chủ đầu tư thì rất khó lấy lại.
Còn tại Hà Nội, cuối năm 2018, UBND thành phố đã ra quyết định thu hồi 22 dự án chậm triển khai. Tuy nhiên, còn rất nhiều dự án chậm triển khai từ 5 năm đến hơn 10 năm vẫn còn rất nhiều.
Đáng chú ý, dự án khu đô thị Mê Linh đã chậm triển khai cách đây hơn 10 năm, Thủ tướng Chính phủ đã hai lần có công văn yêu cầu địa phương có giải pháp khắc phục tránh tình trạng người dân thì không có đất sản xuất, còn người mua nhà muốn đến ở cũng không được.
Theo một số chuyên gia, việc thu hồi các dự án treo này vô cùng khó khăn, nhiều dự án đã giải phóng đền bù mặt bằng xong, nhiều chủ đầu tư dự án chây ỳ. Nguyên nhân là do chủ đầu tư thiếu vốn, thị trường BĐS đóng băng và hơn nữa quỹ đất hiện nay khan hiếm... Điều cần thiết nhất là cơ quan quản lý cần có biện pháp mạnh tay, xử lý những dự án vi phạm luật, buộc trả lại và đền bù thiệt hại cho người dân.
Trước tình trạng dự án treo còn tồn tại khá nhiều và gây bức xúc dư luận, trong phiên chất vấn sáng 5/6, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng việc các dự án bỏ hoang là do thời gian qua các địa phương nóng vội trong việc phát triển đô thị, đã phê duyệt nhiều khu đô thị chưa đủ điều kiện thực hiện như xa khu dân cư, điều kiện hạ tầng chưa đảm bảo, chưa tạo sức hút cho nhà đầu tư và người dân đến ở.
Dự án bất động sản thành... nơi chăn thả gia súc |
Lập quy hoạch gắn với chất lượng
"Thời gian tới, đề nghị các địa phương phải có đánh giá cụ thể, nếu cần thiết phải chuyển mục đích sử dụng hoặc có giải pháp đầu tư tập trung, đưa các khu đô thị đi vào hoạt động", Bộ trưởng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đồng tình với nhận định của đại biểu Quốc hội và cho rằng tình trạng quy hoạch treo, dự án treo đang diễn ra ở nhiều địa phương.
Theo Phó Thủ tướng, nguyên nhân là do việc quy hoạch thiếu tính dự báo, thiếu căn cứ kế hoạch; quy hoạch nhu cầu sử dụng đất vượt quá khả năng đáp ứng của các nguồn lực; đồng thời cấp phép dự án tràn lan, theo phong trào, không phù hợp với nhu cầu của thị trường về các sản phẩm bất động sản...
Để khắc phục tình trạng này, theo Phó Thủ tướng, trước hết phải tập trung đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch gắn với nâng cao chất lượng quy hoạch. Như vậy, phải có cơ chế lựa chọn được các nhà tư vấn giỏi, có kinh nghiệm lập quy hoạch.
Sau khi có quy hoạch được phê duyệt, các địa phương phải chủ động lập kế hoạch thực nghiệm quy hoạch theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Trong đó, xác định rõ lộ trình nguồn lực đầu tư (vốn ngân sách hay vốn xã hội) và các dự án ưu tiên để triển khai thực hiện.
Cùng với đó, phải gắn thực hiện quy hoạch với việc thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp.
Ngoài ra, cần lựa chọn nhà đầu tư có uy tín, đủ năng lực, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát quá trình thực hiện quy hoạch, phát hiện những bất cập xử lý kịp thời các vi phạm như: Thu hồi các dự án chậm tiến độ theo quy định do lỗi của nhà đầu tư; xử lý trách nhiệm các cán bộ quản lý gây ách tắc đến tiến độ, gây thiệt hại cho Nhà nước, đầu tư.
Trước đó, ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 11/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Theo Chỉ thị này, đối với các dự án không triển khai, để đất hoang hóa hoặc triển khai chậm thì kiên quyết thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai. Đối với các dự án BĐS nhà ở trung, cao cấp đang tồn kho hoặc chủ đầu tư có nhu cầu điều chỉnh quy mô căn hộ sang phân khúc bình dân hoặc làm nhà ở xã hội thì cần giải quyết ngay thủ tục cho phép chuyển đổi, hoàn thành trong quý III/2019.
Minh Trang