Hà Nội có 573 dự án khu đô thị – nhà ở mới, nhưng tình trạng thiếu trường, nhất là trường công lập trong các khu đô thị, dẫn đến tình trạng quá tải lan rộng sang hệ thống trường có sẵn hoặc các trường lân cận trên địa bàn.
Đáng lo hơn nữa, lượng dân cư mới đến ở tại hầu khắp các khu đô thị lớn được cho rằng có thể tương đương với dân số của một phường, khiến tình trạng càng thêm quá tải…
Lập lờ khu đô thị?
Chị Đặng Thị Hương, KĐT Đặng Xá, Gia Lâm Hà Nội, không thể nén nổi bức xúc khi nhiều con em cùng có hộ khẩu thường trú tại xã Đặng Xá không được học tại trường tiểu học Cao Bá Quát (KĐT Đặng Xá, Gia Lâm). Còn con em của một bộ phận dân cư được học ở trường này.
Nhiều gia đình khác có con em học ở trường tiểu học Cao Bá Quát cũng đều ngỡ ngàng vì 202 học sinh vừa nhập học lớp 1 bị liệt vào danh sách chuyển sang trường tiểu học Trung Thành (Gia Lâm).
Lý do: KĐT Đặng Xá được xây dựng trên hai xã Đặng Xá và Cổ Bi, thế nên con em ở xã nào thì về trường của xã đó để học. Điều khiến phụ huynh rơi nước mắt là trường Trung Thành hiện đang trong quá trình xây dựng dở dang, chưa thể khai giảng ngay trong tháng 9 được.
Đơn cử khác, KĐT Mỹ Đình – Sông Đà được đưa vào sử dụng từ năm 2006, nhưng mãi đến năm 2016 mới có trường tiểu học công lập được xây dựng. Trước đó, có đã trường Marie Curie, tuy nhiên chi phí ở trường tư thục này cao nên không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con học.
Đây chỉ là một trong số các ví dụ điển hình trong công tác quy hoạch đô thị trong bối cảnh "đất không sinh, nhưng người thì sinh" dẫn đến quy hoạch thiếu đồng bộ, ngột ngạt, bức bối.
Lý giải về công tác quy hoạch thiếu trường học, KTs.Ts. Trần Thanh Bình, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thiết kế trường học, cho rằng đó là việc không tuân thủ theo quy hoạch, không khống chế số dân trong KĐT. Đồng thời, đây là do lỗi hệ thống, tức là chưa đánh giá một cách nghiêm túc về hạ tầng dân số của KĐT, nên khi dân số của KĐT tăng, hạ tầng không đáp ứng nổi.
Theo KTs. Trần Huy Ánh, với trách nhiệm của môt chủ thể được giao đất để phát triển KĐT, khi giao đất phải có nhiệm vụ rất rõ ràng. KĐT có thiết chế đáp ứng cho đối tượng nào, số lượng là bao nhiêu… Vấn đề người tiếp quản khu đất đó là người thực hiện, vì khi giao là KĐT, tức ngầm hiểu đó chỉ là dự án bất động sản.
Và khi thiết kế theo tiêu chuẩn, quy chuẩn thì sẽ có trường học. Tuy nhiên, ở đây chúng ta lờ đi những tiêu chuẩn, quy chuẩn của trường học mà tập trung vào bất động sản.
Có những KĐT vẽ ra trường học, nhưng ngay dân cư ở KĐT cũng không đủ tiền vào học trong đó. Người dân phải vào các trường công ở khu dân cư cũ học chung. "Như vậy cũng cần làm rõ trường công lập hay trường tư để vẽ ra một tiêu chí của KĐT", ông Ánh nói.
Trường Việt – Úc tại KĐT Mỹ Đình 1. Không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con em của mình vào học được |
Trách nhiệm của ai?
"Lúc đó hỏi trách nhiệm của ai thì rất khó vì nó nằm trong nội dung giao đất giữa người giao và người nhận như thế nào thì cần phải xác định rõ ràng", ông Trần Huy Ánh nói.
KTs.Ts Trần Thanh Bình cho rằng cả KĐT thì ràng buộc rất rõ ràng. Chắc chắn cơ quan phê duyệt đều biết từng hạng mục trong KĐT, nguồn vốn đầu tư đó ở đâu… Nếu nguồn vốn đầu tư do chủ đầu tư chịu trách nhiệm và tuân thủ theo nhiệm vụ được giao đất, đương nhiên trách nhiệm đó thuộc chủ đầu tư.
"Còn trách nhiệm chủ đầu tư có thực hiện hay không, thực hiện như thế nào thì rõ ràng đó là công tác quản lý", ông Bình nhấn mạnh.
Nói về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, theo KTs.Ts Trần Thanh Bình, khi nói đến lỗi hệ thống không thể nói đến trách nhiệm của Sở Quy hoạch kiến trúc (QHKT), bởi vì điều này phụ thuộc ngay trong khi quy hoạch, tức là điều tra xã hội học như thế nào, dự báo số học sinh ra sao…
Ts. Bình cho rằng ngay từ khi chuẩn bị quy hoạch mở rộng Thủ đô, trong báo cáo quy hoạch, các KĐT phải có cách tiếp cận mạng lưới giáo dục. Lâu nay, khi lập quy hoạch vẫn mang ý thức theo kiểu tiểu khu, như tiểu khu Kim Liên, tiểu khu Nam Đồng, Giảng Võ… chưa có mạng lưới giáo dục tiêu chuẩn, quy chuẩn cho một KĐT.
Như vậy, trách nhiệm rõ ràng không chỉ riêng Sở QHKT, mà cần phải có trách nhiệm của ngành giáo dục, ngành dân số… lập kế hoạch cho xây dựng trường học song song với phát triển đô thị.
"Có một số năm, học sinh chuyển cấp tăng vọt lên, do năm đó đẹp. Số lượng học sinh này ngành giáo dục, dân số phải đưa cụ thể, chi tiết cho UBND quận, thành phố. Như vậy, công tác dự báo trách nhiệm của mỗi bên cần rất đồng bộ", ông Bình nói.
Minh Trang