Như Vnbusiness đưa tin, trong Hội nghị trực tuyến về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của Ngân hàng Nhà nước, bà Đỗ Thị Phương Nam, Giám đốc phụ trách tái cấu trúc tập đoàn Novaland, cho biết đang gặp nhiều khó khăn trong phát triển condotel do vướng mắc về tín dụng với cả chủ đầu tư lẫn khách hàng.
Doanh nghiệp “tâm tư”
"Chúng tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xem xét có phương án cho vay với condotel và các loại hình nhà ở thương mại nói chung", bà Nam nói thêm.
Nhưng không chỉ khó về vốn, các doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang đối diện với nhiều thách thức. Trong đó, đặc biệt những vướng mắc về hành lang pháp lý chưa được tháo gỡ vẫn đang “trói chân” loại hình này.
Như vị đại diện Sungroup nói trong hội nghị với Ngân hàng Nhà nước rằng, đang có hơn 100 luật, nghị định, thông tư khác nhau liên quan đến kinh doanh bất động sản với nhiều chồng chéo, mâu thuẫn. Dù các bộ, ngành thường xuyên cập nhật, chỉnh sửa nhưng vẫn không theo kịp thực tế.
Đơn cử với loại hình condotel, tập đoàn đang đẩy mạnh, hiện chưa có cơ chế nào để huy động nguồn lực, chưa kể sự chồng chéo trong các văn bản pháp lý dẫn đến vướng mắc trong thực thi của cơ quan quản lý địa phương.
"Chúng tôi đề nghị có hành lang pháp lý thông thoáng, loại bỏ hết các chồng chéo để doanh nghiệp và khách hàng có kênh đầu tư, kinh doanh hiệu quả, tạo nguồn lực cho xã hội. Ngoài ra, cần coi đây là một ngành sản xuất kinh doanh nằm trong lĩnh vực ưu tiên chứ không phải hạn chế, kiểm soát chặt chẽ. Điều này sẽ tháo gỡ tất cả vấn đề về vốn vay, lãi suất", đại diện Sungroup nêu ý kiến.
Bất động sản nghỉ dưỡng đang cần một cú hích về chính sách và tín dụng để hồi phục. |
Những kiến nghị của Novaland và Sungroup cũng đang là “tâm tư” chung của phần lớn các doanh nghiệp đang phát triển loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, trong bối cảnh tồn kho tăng cao, giá vẫn tăng nhưng khó bán.
Theo Bộ Xây dựng, lượng tồn kho bất động sản hầu như chỉ có ở phân khúc căn hộ, nhà ở cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Tỷ lệ hấp thụ của thị trường bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng trong quý IV/2022 chỉ khoảng 28%.
Bao giờ được gỡ khó?
Báo cáo của Bộ Xây dựng có nhiều điểm tương đồng với báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường về bất động sản nghỉ dưỡng trong năm 2022.
Điển hình, theo DKRA Việt Nam, trong năm 2022, tỉ lệ hấp thụ của biệt thự biển chỉ vào khoảng 30% nguồn cung mới. Shophouse biển cũng ghi nhận lượng tiêu thụ giảm mạnh, tương đương khoảng 50% rổ hàng. Còn condotel cả ba miền dù khả quan hơn, nhưng vẫn ở mức rất thấp trong nhiều năm.
Trong khi đó, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) chỉ ra trong bối cảnh mặt bằng giá bất động sản nghỉ dưỡng ở thị trường sơ cấp không tăng, các chủ đầu tư vẫn tiếp tục áp dụng những chính sách cam kết, chia sẻ lợi nhuận, hỗ trợ lãi suất,… nhằm kích cầu thị trường giữa bối cảnh khó khăn.
Không chỉ là con số trên các báo cáo, thị trường ảm đạm đang khiến không ít nhà đầu tư thứ cấp loại hình này phải “tháo chạy”, nhiều trường hợp “cắt lỗ” xảy ra.
Trong một bài viết của Vnbusiness, anh Nguyễn Trọng Hoàng (Hà Nội) chia sẻ vào năm 2019, anh rót gần 10 tỷ đồng để sở hữu 2 căn condotel (căn hộ du lịch) tại Nha Trang, Khánh Hòa. Cuối năm 2020, anh nhận bàn giao và đưa vào vận hành.
Sau gần 2 năm “đóng băng” vì đại dịch, tình cảnh hiện tại khiến anh lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan” bởi từ khi du lịch được mở cửa trở lại, 1 căn gần như luôn được lấp đầy, trong khi căn còn lại thì ế ẩm, gần như chỉ có khách vào cuối tuần hoặc bỏ trống toàn thời gian.
“Sự phục hồi của du khách đến Nha Trang sau khi đại dịch được kiểm soát từng đem đến rất nhiều hy vọng. Tuy nhiên, tình cảnh trái ngược tại 2 căn hộ đang sở hữu khiến tôi vô cùng phân vân, tiến không được mà lùi không xong, trong khi lãi vay đang rất căng”, anh Hoàng chia sẻ.
Nghiêm trọng hơn, thời gian qua, xuất hiện nhiều trường hợp nhà đầu tư lỗ hàng trăm triệu đồng vì buộc phải thanh lý tài sản. Đơn cử, chị Phương Ly, một nhà đầu tư đến từ TP.HCM vừa thanh lý căn condotel tại Quy Nhơn (Bình Định) và bị phạt đơn phương chấm dứt hợp đồng hơn 300 triệu đồng, tương đương 50% vốn bỏ ra.
Căn condotel của chị Ly thuộc dự án nghỉ dưỡng tại Quy Nhơn, đã đưa vào vận hành cuốn chiếu nhưng công suất khai thác thấp. Dù đã cân nhắc kỹ, rao bán lỗ 10% giá mua vào nhưng gần 1 năm chưa bán được, cuối cùng buộc phải chấp nhận thanh lý để thu hồi "đồng nào hay đồng nấy".
Những diễn biến từ thực tế cho thấy, bất động sản nghỉ dưỡng đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời để tránh đổ vỡ.
Theo chuyên gia, cơ quan quản lý cần có giải pháp căn cơ, khẩn trương tháo gỡ rào cản pháp lý (gồm cả pháp lý cho condotel, officetel, shophouse…) nhằm giải tỏa lượng lớn các dự án tồn đọng, dở dang, tranh chấp.
Nếu sớm giải quyết vướng mắc pháp lý cho thị trường bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng thì có thể giải tỏa cho khoảng 239 dự án thuộc loại hình này trên toàn quốc, với tổng giá trị khoảng 682.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD, chưa kể hàng nghìn dự án có đất đai bỏ trống, dở dang, lãng phí.
Hưng Nguyên