Quy Nhơn (Bình Định) chỉ cách đây 2 năm từng được ví như “thiên đường” của loại hình condotel (căn hộ du lịch), các nhà đầu tư đua nhau xuống tiền. Tuy nhiên, những con số thống kê mới nhất cho thấy thị trường đang có chỉ dấu hồi phục chậm, thanh khoản nhỏ giọt và giá giảm mạnh.
Chưa thấy "sóng" lên
Trên báo chí, ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, chỉ ra một thực trạng rất đáng lo của thị trường thời gian qua là chỉ có khoảng 20% các dự án trên địa bàn được phép chuyển quyền sử dụng đất cho người dân được triển khai xây dựng, còn lại là để trống bởi các nhà đầu tư từ Hà Nội, TP.HCM.
"Qua theo dõi, các dự án trên địa bàn giảm tiến độ thi công. Nếu như trước đây đối với các chung cư, chủ đầu tư xây dựng tiến độ mỗi tuần 1 tầng nhưng nay mỗi tháng 1 tầng. Các dự án nhà ở thương mại, kể cả các căn hộ condotel đều có dấu hiệu giảm khoảng 20%”, ông Bảo nói.
Đà phục hồi của phân khúc condotel vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư. |
Không chỉ ở Quy Nhơn, hầu hết các khu vực từng là điểm nóng của phân khúc condotel hiện cũng rơi vào cảnh trầm lắng, điển hình như Nha Trang (Khánh Hòa).
Trong một bài viết của Vnbusiness, anh Nguyễn Đình Hoàng (Hà Nội) từng chia sẻ, năm 2019, anh rót hơn 8 tỷ đồng để sở hữu 2 căn condotel tại Nha Trang. Đầu năm 2021, anh nhận bàn giao và trải qua gần 2 năm “đóng băng” vì đại dịch Covid-19. Mọi khó khăn tưởng đã qua khi dịch được kiểm soát nhưng tình cảnh hiện tại khiến anh lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Cụ thể, kể từ đầu quý II/2022 đến nay, khi du lịch bắt đầu mở cửa trở lại, 2 căn condotel của anh Hoàng rơi vào tình cảnh tréo ngoe khi 1 căn gần như luôn được lấp đầy, trong khi căn còn lại thì ế ẩm, gần như chỉ có khách vào cuối tuần hoặc bỏ trống toàn thời gian.
“Sự phục hồi của du khách đến Nha Trang sau khi đại dịch được kiểm soát từng đem đến rất nhiều hy vọng. Tuy nhiên, tình cảnh trái ngược tại 2 căn hộ đang sở hữu khiến tôi vô cùng phân vân, tiến không được mà lùi không xong, trong khi lãi vay đang đè rất nặng”, anh Hoàng thổ lộ.
Vẫn chờ “cởi trói”
Cũng rơi vào cảnh hy vọng rồi thất vọng, anh Trần Quốc Khánh, nhà đầu tư đang sở hữu 3 căn condotel tại Duy Xuyên (Quảng Nam) chia sẻ sau gần 2 năm đi vào "ngõ cụt", đầu quý II/2022, một tia vọng vụt lên với nhà đầu tư khi có thông tin condotel sẽ được “cởi trói” trong việc cấp sổ đỏ.
Cụ thể, theo anh Khánh, vào cuối tháng 4/2022, thị trường condotel như được tiếp “liều doping” khi vấn đề cấp sổ đỏ lâu dài cho loại hình này được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa vào dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
Nhiều năm qua, vấn đề pháp lý vẫn được đánh giá là “tử huyệt” khiến condotel từ vị thế thống trị rơi vào tình trạng ngắc ngứ như hiện tại. Vì vậy, khi vấn đề này có dấu hiệu được tháo gỡ, các nhà đầu tư kỳ vọng loại hình condotel sẽ trở lại thời đỉnh cao.
“Hy vọng lóe lên rồi nhanh chóng lụi tàn. Sau gần 8 tháng đợi chờ thì tôi hiểu rằng từ dự thảo đến thực tế còn một quãng đường rất dài. Cũng may là cả 2 căn condotel mà tôi sở hữu bằng vốn tự có, chứ hầu hết những người bạn của tôi dùng vốn vay thì hiện như ngồi trên đống lửa”, anh Khánh cho hay.
Dù đang đối diện nhiều khó khăn, tuy nhiên, trong các báo cáo thống kê gần đây, nhờ sự phục hồi của du lịch, thị trường condotel vẫn cho thấy những dấu hiệu ấm dần lên, nguồn cung được cải thiện dù rất chậm.
Qua những phân tích từ thị trường, nhiều chuyên gia nhận định sau quãng “ngủ đông” dài, loại hình condotel dù cần thêm thời gian để hồi phục, song sẽ có bước nhảy trong thời gian tới. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh loại hình này rất khó có thể trở lại thời hoàng kim như giai đoạn 2019.
Trước câu hỏi đặt ra là thị trường condotel bao giờ có "sóng" tăng? Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, khi du lịch phục hồi hoàn toàn, số lượng căn hộ condotel tại các điểm nóng như Phú Quốc, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh… được “phá băng”.
Tuy nhiên, khó khăn của bất động sản nghỉ dưỡng là tâm lý phòng thủ của nhà đầu tư lan rộng vì dòng tín dụng bị nghẽn. Bên cạnh đó còn có các trở ngại khác như lạm phát, lãi suất tăng, đặc biệt những vướng mắc về hành lang pháp lý chưa được tháo gỡ vẫn đang “trói chân” loại hình này.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh cơ quan quản lý cần có giải pháp căn cơ, khẩn trương tháo gỡ rào cản pháp lý (gồm cả pháp lý cho condotel, officetel, shophouse…) nhằm giải tỏa lượng lớn các dự án tồn đọng, dở dang, tranh chấp.
Nếu sớm giải quyết vướng mắc pháp lý cho thị trường bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng thì có thể giải tỏa cho khoảng 239 dự án thuộc loại hình này trên toàn quốc, với tổng giá trị khoảng 682.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD, chưa kể hàng nghìn dự án có đất đai bỏ trống, dở dang, lãng phí.
Nhật Minh