Số liệu thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, quý III/2018, các dự án cung cấp cho thị trường Hà Nội 4.309 căn hộ và 1.242 sản phẩm nhà liền kề, biệt thự…
Nguồn cung còn lại của thị trường đến từ hàng tồn của các dự án mở bán từ trước đó. Phân khúc căn hộ giao dịch thành công đạt 5.540 sản phẩm (đạt 60%). Đây là tỷ lệ khá tốt của thị trường quý III thường niên.
Dự án đã bàn giao hút khách
Trong khi các dự án đang triển khai vẫn còn dư nguồn cung thì những dự án đã hoàn thành, thậm chí nhiều dự án đã đưa vào sử dụng được gần một năm nay, vẫn đang hút một lượng khách lớn.
Anh Nguyễn Toàn Hữu, doanh nhân quê Hải Dương, có nguyện vọng mua một căn hộ chung cư tầm 100 m2 để đưa con gái lên học phổ thông tại Hà Nội. Điều mà anh băn khoăn nhất là chọn được dự án có hạ tầng xã hội đầy đủ, có trường học gần nhà.
Tại Mỹ Đình có rất nhiều dự án anh có thể lựa chọn. Anh băn khoăn một điều rằng trong khi một căn hộ đang triển khai có giá 30 triệu đồng/ m2 thì ở dự án đã đi vào sử dụng, giá lên tới 35 triệu đồng/m2. Anh rất muốn mua ở dự án 35 triệu đồng/m2, nhưng anh không thể chọn được căn ưng ý vì hiện chỉ mua lại của các nhà đầu tư.
Tìm qua ba sàn giao dịch, anh vẫn phải chấp nhận lấy một căn ở dự án đã đi vào sử dụng. Dự án này có điểm cộng đó là không phải chờ đợi theo tiến độ, mặc dù nhà không còn mới nguyên bản, con gái chỉ cần đi bộ qua đường là tới trường học ngay.
Hơn nữa, doanh nghiệp của anh cũng muốn mở văn phòng tại Hà Nội, nên căn hộ chung cư này sẽ là bàn đạp để tiến tới anh đầu tư một căn liền kề làm văn phòng.
Anh Trần Xuân Lập thì không may mắn bằng anh Hữu, khi phải chấp nhận lấy một căn gia chủ đã ở được ba năm với giá 32 triệu đồng/m2 tại toà MD Complex trên đường Nguyễn Cơ Thạch. Anh cho rằng mặc dù toà nhà không còn mới, nhưng anh được nhận nhà ngay, chủ cũ chỉ cần sang tên sổ đỏ cho anh trong vòng 15 ngày là xong.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số khách hàng ngoại tỉnh chỉ thích "săn" các dự án đang triển khai để được nhận nhà mới. Sàn giao dịch bất động sản B.Q trên đường Lê Đức Thọ, sàn giao dịch Minh Kiên phố Hàm Nghi cho biết số lượng khách hàng ngoại tỉnh tìm mua những dự án mới tương đối nhiều.
Những khách hàng này thường có con còn nhỏ, chưa có khả năng tự lập, nên thường mua chờ đến khi dự án bàn giao nhà thì cũng là lúc con cái họ đủ trưởng thành về Hà Nội học đại học.
Phân khúc mà khách hàng ngoại tỉnh nhắm đến là trung – cao cấp, do số khách này thường có điều kiện và mạnh dạn xuống tiền.
Thời gian gần đây, thị trường bất động sản Hà Nội sôi động bởi làn sóng khách ngoại tỉnh giao dịch |
Nguồn cung vẫn tăng
Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng ngoại tỉnh muốn mua nhà về Hà Nội, hiện nay, tới 90% các sàn giao dịch bất động sản ở Hà Nội có uy tín (thành viên của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam) đều mở văn phòng giao dịch bất động sản tại các tỉnh.
Tại các tỉnh phía bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên…; các tỉnh phía đông bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương...; phía đông nam như Thái Bình, Nam Định… các văn phòng giao dịch bất động sản từ Hà Nội về đều có phân phối dự án của TNR, Vinhomes, Iris Garden, Shunshine…
Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, năm 2018, ngoài khách hàng là người nước ngoài giao dịch tăng đột biến, khách ngoại tỉnh cũng chiếm tới 30% lượng cầu của Hà Nội.
Một số chuyên gia bất động sản cho rằng trong khi nguồn cung chung cư đang dồi dào thì lượng khách hàng ngoại tỉnh sẽ là đối tượng tiềm năng để hấp thụ hết nguồn cung đó.
Cuộc sống ngày càng phát triển, lượng sinh viên hàng năm ra trường hàng trăm nghìn người, trong số này phần lớn ở lại thành phố lớn và hàng năm Hà Nội cũng đón hàng trăm nghìn sinh viên nhập học, nguồn cầu về nhà ở liên tục gia tăng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, đánh giá tiềm năng đầu tư để lướt sóng kiếm lời từ thị trường bất động sản Hà Nội hiện nay là ít, nhưng đầu tư để kinh doanh và phục vụ cho con cái học hành, làm việc thì khá nhiều.
Thị trường có sự giao thoa, nhà đầu tư bất động sản Hà Nội đi đầu tư sinh lợi ở các tỉnh, còn khách hàng ngoại tỉnh về Hà Nội mua nhà có nhu cầu sử dụng thực. Thế nên, lượng hấp thụ nguồn cung sẽ có sự tăng trưởng, nhưng không có sự đột biến.
Dự báo về nguồn cung bất động sản Hà Nội năm 2019, ông Đính cho hay thị trường sẽ đón nhận một loạt các sản phẩm chủ yếu của các ông lớn như Vingroup, Contrexim, FLC ở Gia Lâm, Nam Từ Liêm và Hoài Đức… Các dự án này đều tung ra các gói sản phẩm từ trung bình đến cao cấp.
"Nhìn chung thị trường sẽ có sự khó khăn nhất định. Một mặt nguồn cung tăng sẽ ảnh hưởng đến giới đầu tư mua đi bán lại do vốn vay bị ngân hàng siết chặt. Mặt khác, đây lại là cơ hội cho khách hàng ngoại tỉnh chọn được các căn hộ ưng ý trong khu đô thị nén", ông Đính nhận định.
Phạm Minh