Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của cả nước nên lượng người nước ngoài đến công tác, làm việc và sinh sống có chiều hướng gia tăng, trong đó phải kể đến các quốc gia Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung quốc, Singapore, Nga, Mỹ… Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu sở hữu bất động sản của người nước ngoài ngày một gia tăng.
Để tạo thuận lợi cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam, trước đó, Luật Nhà ở năm 2014 sửa đổi đã trở thành tín hiệu tích cực thúc đẩy số lượng giao dịch của nhóm khách hàng này. Đồng thời, sức hấp dẫn của lĩnh vực bất động sản Hà Nội đối với nhà đầu tư ngoại cũng được gia tăng.
Thị trường đầy tiềm năng
Các chuyên gia cho rằng việc cho người nước ngoài mua nhà sau khi nhập cảnh được kỳ vọng tạo ra yếu tố thuận lợi để thu hút, kích thích phát triển nhiều loại hình bất động sản như đầu tư, du lịch, dịch vụ và là một hình thức "xuất khẩu" bất động sản tại chỗ khá hiệu quả.
Mới đây, theo khảo sát của Ngân hàng HSBC Việt Nam, 29% chuyên gia nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam sẵn sàng dùng tiền tiết kiệm để xem xét khả năng mua nhà tại Việt Nam. Họ nằm trong số 30% khách hàng tiềm năng mua căn hộ cao cấp, 2% khách hàng tiềm năng mua căn hộ hạng sang.
Đánh giá về tiềm năng của thị trường bất động sản Hà Nội, ông Budiarsa Sastrawinata – Chủ tịch Tập đoàn Ciputra, cho rằng Hà Nội là một trong những thành phố đang phát triển của Việt Nam, do vậy đây cũng là một thị trường tiềm năng phù hợp với những dự án đầu tư lớn mang tính tổ hợp với sự đa dạng của các loại hình bất động sản.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 8 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đầu tư lĩnh vực bất động sản đạt 5,9 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư đăng ký, đứng thứ hai trong 17 ngành, lĩnh vực. Trong đó, Hà Nội là địa phương thu hút nhiều vốn nhất với tổng số vốn đăng ký 5,93 tỷ USD, chiếm 24,4% tổng vốn đầu tư.
Một trong số các dự án có nguồn vốn ngoại lớn đổ vào bất động sản Thủ đô là dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối và Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh) do một tập đoàn Nhật Bản phối hợp cùng với đối tác Việt Nam đầu tư xây dựng có tổng vốn đầu tư lên tới 4,138 tỷ USD. Dự kiến sẽ được khởi công vào tháng 10/2018.
Điều đó cho thấy thị trường bất động có sức hút vô cùng hấp dẫn đối với người nước ngoài, vì đây không chỉ có vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội mà còn là nơi có tiềm năng lớn để bất động sản sinh lời.
Theo Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, phía Tây và phía Bắc Thủ đô là những khu vực được giới đầu tư đánh giá là đang có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore… mua, thuê căn hộ cao cấp.
Bất động sản Hà Nội thu hút các nhà đầu tư nước ngoài |
Sức hút từ hạ tầng và vị trí
Vẫn theo Hội môi giới Bất động sản, khu vực phía Tây nói chung và Mỹ Đình nói riêng là trung tâm hành chính mới của Thủ đô, tập trung nhiều bộ ngành và các công trình trọng điểm quốc gia mới được di dời ra như Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Khu Liên hiệp thể thao Quốc gia… Đồng thời, cũng là nơi nhiều doanh nghiệp lớn đặt trụ sở.
Không chỉ vậy, hạ tầng giao thông khu vực này khá hiện đại và ổn định, thuận tiện cho việc di chuyển tới các khu vực trong nội thành cũng như các tuyến giao thông chính tới các tỉnh, thành khác. Hơn nữa, khu vực này có nguồn cung dự án bất động sản nhà ở, văn phòng đa dạng và phong phú.
Từ lợi thế đó, chuyên gia của Hội Môi giới Bất động sản nhận định khu vực này trong thời gian tới vẫn tiếp tục là điểm đến ưa thích của các khách hàng ngoại quốc.
Phía Bắc Hà Nội, nơi có quỹ đất khá lớn để phát triển các khu đô thị lớn và phân khúc cao cấp, có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Gần trung tâm hơn có khu đô thị Ciputra, khu Đoàn Ngoại giao, Tây Hồ Tây, Sunshine Riverside… Xa hơn, khu biệt thự nhà vườn sân Golf Vân Trì và sắp tới là dự án Thành phố thông minh với số vốn đầu tư 4 tỷ USD, sẽ là "thỏi nam châm" hút khách đầu tư.
Tương lai 5-7 năm tới, khu vực phía Bắc sẽ hình thành các khu đô thị mới làm thay đổi hoàn toàn thị trường bất động sản Hà Nội ở tất cả phân khúc. Trong đó, chủ yếu sẽ là các sản phẩm bất động sản trung và cao cấp, đặc biệt là các sản phẩm nghỉ dưỡng ngoại ô.
Đây chính là nguyên nhân khiến hàng loạt các dự án đô thị kết nối về phía Nam như Hoà Lạc, Xuân Mai không đạt được những thành công như mong đợi.
Trao đổi về lý do của sự hấp dẫn này, Giám đốc CBRE Hà Nội cho rằng bất động sản phía Bắc có tiềm năng phát triển các phân khúc cao cấp hơn các khu vực khác là do sở hữu các ưu thế về địa lý. Khu vực này vốn được xem như "đầu Rồng" của Thủ đô, hướng đắc địa của Hà Nội.
Đồng quan điểm, ông Lê Mạnh Cường, Trưởng phòng Quy hoạch Kiến trúc, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, cho rằng vị trí quyết định giá trị của bất động sản.
"Theo kinh nghiệm phát triển của các thành phố lớn trên thế giới, hướng mở rộng thành phố bao giờ cũng về phía có sông hoặc kết nối thuận tiện với sân bay, rất ít các thành phố phát triển theo chiều ngược lại. Như vậy, phía Bắc tương lai sẽ có sự bùng nổ trên thị trường bất động sản ở tất cả các phân khúc", ông Cường nhận định.
Minh Sơn