![]() |
Theo chuyên gia, nguồn cầu là các nhãn hàng xa xỉ sẽ là điểm sán để các TTTM bật dậy sau đại dịch (Ảnh: Int) |
Tính tới thời điểm hiện tại, mặt bằng nhà phố thương mại đã đóng cửa nhiều, các TTTM phải chấp nhận câu chuyện giảm giá thuê, shophouse ở khu vực trung tâm và các trục đường chính cũng đối mặt với tình trạng đóng cửa hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Thị trường ảm đạm
Thời gian gần đây, thị trường mặt bằng bán lẻ ở Hà Nội, bao gồm shophouse, các TTTM, các sàn khối đế của chung cư, tòa nhà thương mại... mặc dù không nằm trong lệnh giãn cách xã hội nhưng nhiều cửa hàng tại các TTTM và mặt bằng nhà phố tạm thời đóng cửa vì vắng khách.
Sau một năm dịch bệnh, đây là lần thứ 4, chị Trần Thị Kim Thoa có cửa hàng trên mặt phố Hàng Bè đã liên tục treo biển cho thuê. Mặc dù giá thuê được chào giảm từ 20-30% nhưng vẫn không có khách hàng hỏi. May mắn là cửa hàng của gia đình, tiền đầu tư không phải vay ngân hàng nên chị không quá bị áp lực tài chính.
Tình trạng tương tự diễn ra ở TTTM The Garden, Vincom Bà Triệu, Vincom Trần Duy Hưng, IPH Xuân Thuỷ… một số cửa hàng của các ngành hàng như: thời trang, đồ chơi trẻ em, ăn uống cũng tạm thời đóng cửa từ sau Tết đến nay, vẫn chưa hoạt động trở lại. Lác đác ở một số mặt bằng treo biển cho thuê kèm theo thông tin giảm giá thuê từ 20-30% trong thời gian 1 năm.
Anh Nguyễn Anh Tú, quản lý bán hàng của một hãng giày thể thao lớn cho hay, tại Vincom Bà Triệu một số cửa hàng đã đóng cửa, nhưng cửa hàng anh đang quản lý vẫn duy trì lượng khách ít ỏi do Tập đoàn có tiềm lực.
Ảnh hưởng của dịch bệnh trong giai đoạn bùng phát mới, nhiều nhà hàng và quán ăn phải đóng cửa do kết quả kinh doanh không bù đắp nổi chi phí mặt bằng.
Theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội, trước đại dịch cửa hàng mặt phố dễ dàng thu hút khách. Tuy nhiên, trong dịch Covid-19, các đợt giãn cách xã hội đã thúc đẩy quá trình tham gia vào thương mại điện tử của nhiều chủ kinh doanh. Do đó, nhu cầu thuê mặt bằng giảm đi đángkể.
“Cho đến thời điểm hiện tại, khi nhiều khách hàng trả mặt bằng, các chủ mặt bằng đã phải chấp nhận giảm giá 20-30%, thậm chí 50% nhưng vẫn “mỏi mắt” tìm khách thuê. Nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, cảnh đìu hiu của thị trường mặt bằng nhà phố sẽ tiếp diễn”, bà Minh cho hay.
TTTM hồi phục nhanh hơn
Trước đó, đánh giá của Bộ Xây dựng về thị trường mặt bằng bán lẻ quý I/2021 có sự ổn định so với quý IV/2020, do đây là tháng Tết, nhu cầu mua sắm của người dân nhiều. Cũng trong quý I, nhiều dự án TTTM, siêu thị lớn có kế hoạch ra mắt bị lùi tiến độ do làn sóng Covid-19 lần thứ 3, do đó số lượng dự án mới khai trương trong quý hầu như không có.
Theo một số đơn vị nghiên cứu BĐS, để thích ứng với dịch bệnh qua các giai đoạn khác nhau, các chủ mặt bằng bán lẻ nên điều chỉnh lại mức giá cho thuê và tiến độ thanh toán hợp lý, thay vì cho thuê “một mình một giá và một tiến độ thanh toán”. Bởi việc tồn đọng vốn do chi trả cho thuê mặt bằng quá dài cũng là một trong những yếu tố khiến khách thuê không thể đáp ứng được và cũng không theo được tiến độ chi trả.
Bà Nguyễn Hồng Minh cho rằng, việc hồi phục và triển vọng của lĩnh vực bán lẻ thương mại vẫn phụ thuộc vào một số yếu chính.
Thứ nhất, yếu tố thị trường. Thị trường cần phải điều chỉnh lại, doanh thu của các hãng bán lẻ là yếu tố quan trọng để điều chỉnh lại giá cho thuê mặt bằng của các cửa hàng bán lẻ trở về đúng giá trị cũng như khả năng kinh doanh của các hãng. Đơn cử như quận Hoàn Kiếm là khu vực đang đạt giá thuê bán lẻ cao nhất từ 80- 100USD/m2, có vị trí lên đến 200- 250USD/m2. Sau khi chịu tác động của dịch Covid-19, thị trường bắt đầu cân bằng lại, các nhãn hàng có mức độ tăng trưởng ổn định vẫn có thể đảm bảo được giá thuê cũ. Còn giá thuê trung bình của thị trường bán lẻ Hà Nội trong thời gian tới sẽ duy trì ở mức 40-50USD/m2 đối với các mặt bằng tầng 1.
Thứ hai, yếu tố nguồn cầu từ các nhãn hàng nước ngoài chưa từng có mặt bằng tại Hà Nội tính từ nửa cuối 2020 đến nay. Các nhãn hàng này đang có một nhu cầu thuê lớn hơn so với các doanh nghiệp nội địa.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhìn nhận, hiện có không ít các thương hiệu xa xỉ muốn mở rộng và gia nhập thị trường Việt Nam, do giá thuê mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam tương đối thấp so với Singapore, Hồng Kông, Tokyo và chính lệnh giãn cách xã hội đã thúc đẩy một bộ phận người Việt có thu nhập cao mua sắm ngay trong nước.
Nhận định về thị trường BĐS bán lẻ thời gian tới, một số chuyên gia cho rằng, thị trường bán lẻ gắn liền với các TTTM sẽ tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, các tòa nhà, với mức thanh toán cọc và thanh toán tiền thuê đang hợp lý sẽ là điều kiện thuận lợi để các nhãn hàng xa xỉ mở rộng tham gia vào thị trường Hà Nội. Do đó, khả năng thích nghi và phục hồi của TTTM sẽ nhanh hơn.
Minh Trang