Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng cho biết, về phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, bên cạnh kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, vượt trội, hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế, các khu công nghiệp cũng được thành phố xác định đi trước một bước và là đường dẫn cho thu hút đầu tư nước ngoài.
Hải Phòng có ưu thế về hạ tầng giao thông đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường sắt... Với những ưu thế đó, Hải Phòng từ lâu đã là điểm sáng trên bản đồ bất động sản (BĐS) công nghiệp Việt Nam. Và nay với cơ chế thông thoáng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào, Hải Phòng đang là điểm đến của Tập đoàn bán lẻ lớn từ nước ngoài.
Khu Kinh tế Đình Vũ-Cát Hải với tổng diện tích lên tới 22.540 ha bao gồm khu thuế quan và khu phi thuế quan… Bên cạnh đó, với sự có mặt của các Khu Công nghiệp Đình Vũ, Tràng Duệ, Nam Đình Vũ, VSIP, Cát Hải và Lạch Huyện… đã sẵn sàng mọi điều kiện để thu hút đầu tư và tiếp tục chủ động đón bắt làn sóng FDI mới.
Để sẵn sàng đón dòng vốn FDI trong tương lai, Hải Phòng sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng mới 15 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 6.400 ha tại 8 quận, huyện.
Để đón làn sóng FDI trong thời gian tới, Hải Phòng dự kiến sẽ tiếp tục xây dựng 15 khu công nghiệp với tổng diện tích 6.400 ha (Ảnh: TL) |
Các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư kinh doanh BĐS như khách sạn 5 sao Nikko, cùng hàng loạt các dự án khu đô thị nghìn tỷ, trung tâm thương mại… đang là lực đẩy khiến thị trường BĐS Hải Phòng có sự “thay da đổi thịt” một cách ngoạn mục.
Đơn cử như dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm được xem là dự án khu đô thị mới lớn nhất Hải Phòng sẽ được triển khai xây dựng. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.
Dự án đầu tư xây dựng công trình kiến trúc Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư dự kiến là gần 9.300 tỷ đồng.
Dự án Khu đô thị mới Hoàng Huy Green River (xã Hoa Động, huyện Thủy Nguyên) và dự án Khu đô thị mới Hoàng Huy New City (xã Tân Dương và Dương Quan, huyện Thủy Nguyên).
Dự án Công viên chủ đề VinWonders Vũ Yên của Tập đoàn Vingroup (đã khởi công vào tháng 6/2020) hay dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng của Tập đoàn Geleximco (khánh thành một phần vào tháng 5/2020).
Với sự đầu tư của các "ông lớn", BĐS Hải Phòng khởi sắc qua nhiều năm trầm lắng (Ảnh: TL) |
Về phân khúc BĐS trung tâm thương mại, hiện Hải Phòng có 5 trung tâm mua sắm lớn: Siêu thị Mega Market, Siêu thị BigC, TD Plaza, Cát Bi Plaza, Vincom Plaza… tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân Thành phố Cảng này.
Mới đây, Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam đã khai trương Trung tâm thương mại Aeon Mall Hải Phòng Lê Chân, với diện tích mặt sàn lên đến 158.000m2, cùng 190 thương hiệu thời trang và phụ kiện, ẩm thực, dịch vụ, ngành hàng đặc biệt và giải trí đến từ nội địa đến quốc tế. Đây được xem là một trong những trung tâm thương mại hiện đại và lớn nhất trong cả nước.
Nói về vốn đầu tư nước ngoài vào Hải Phòng, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận, mặc dù đại dịch Covid-19 “càn quét”, nhưng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Hải Phòng năm 2020 tăng 92% so với năm 2019. Đặc biệt là thu hút vốn đầu tư của Nhật Bản.
Theo ông Hoàng, Hải Phòng có sự chuyển biến mạnh về hạ tầng, về nhà ở, trung tâm mua sắm và các khu công nghiệp. Điều này là do lãnh đạo Thành phố đã có cách làm hay, cách làm đúng để thu hút được vốn đầu tư nước ngoài vào. Do vậy, Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Việt Nam (Jetro) đã tự tin giới thiệu các doanh nghiệp Nhật Bản đến Hải Phòng trong thời gian qua.
Phương Trang