Cụ thể, tại Hội nghị đánh giá việc thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày 1/2, Thủ tướng nhấn mạnh 3 trọng tâm, 3 đột phá nhằm giải quyết vấn đề nhà ở, việc làm, nâng cao đời sống tinh thần của người lao động.
Đầu tiên, về vấn đề nhà ở, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính giải quyết.
Thứ hai, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trực tiếp chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tăng cường tạo công ăn, việc làm cho công nhân, người lao động thông qua đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, tiếp tục từng bước giải quyết, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao để nâng cao đời sống tinh thần và sức khỏe người lao động. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp thực hiện, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo trực tiếp.
Vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cần được các bộ ngành quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới. |
Thời gian qua, vấn đề nhà ở cho công nhân trở thành “bài toán” cấp thiết tại các địa phương. Đơn cử, tại Bắc Ninh, bà Nguyễn Thị Vân Hà - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho hay, các dự án căn hộ cho thuê trên địa bàn mới chỉ đáp ứng 10 - 50% nhu cầu của công nhân.
Nhiều doanh nghiệp ở Bắc Ninh hỗ trợ ký túc xá nhưng chỉ đáp ứng 7.000 người. Ngoài ra, gần 100.000 người lao động đang phải thuê trọ trong các khu dân cư.
Khảo sát cho thấy nhu cầu mua nhà phần lớn thuộc về các công nhân có việc làm ổn định, thu nhập khá, còn những công nhân có thu nhập thấp hơn có nhu cầu thuê nhà. Công nhân thường dành khoảng 2/3 tổng số thu nhập gửi về quê hỗ trợ người thân, nuôi con nhỏ.
Theo đó, đại diện tỉnh Bắc Ninh kiến nghị Chính phủ khi duyệt quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất cần quan tâm quy hoạch đất xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao, nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, trạm y tế…
Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đưa ra một số giải pháp trọng tâm, trong đó đốc thúc các địa phương tập trung triển khai thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, tính đến nay, trên cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2, gồm 93.000 căn nhà xã hội và 63.000 căn nhà ở công nhân.
Cả nước đang triển khai thêm khoảng 401 dự án với quy mô 454.000 căn hộ, trong đó có 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và có 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu.
Hiện, Bộ Xây dựng đang trình các cấp có thẩm quyền nghị quyết thí điểm, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc về nhà ở công nhân.
Trong đó, một số nhóm chính sách là dành nhiều quỹ đất cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; miễn tiền sử dụng đất mà không cần thủ tục tính tiền sử dụng đất; lựa chọn nhà đầu tư nhanh nhất và cho phép công đoàn được làm chủ đầu tư các dự án nhà ở công nhân; phát triển đồng bộ các tiện ích trong khu nhà ở; chính sách chi phí, giá bán nhà ở theo hướng thủ tục nhanh nhất; đẩy mạnh các hình thức thuê và thuê mua…
Linh Lan