Theo đại diện Sở Xây dựng TP.HCM, diện tích sàn tối thiểu đặt ra để giới hạn số người trong một phòng và giới hạn số lượng phòng trong mỗi công trình nhằm đảm bảo an toàn của người thuê trọ.
Chia sẻ tại buổi họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM, ngày 8/8, bà Lê Thị Loan, Phó Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Xây dựng TP.HCM, đã lý giải về việc tại sao Sở Xây dựng đề xuất nhà trọ ở TP.HCM phải đảm bảo diện tích sàn tối thiểu 5m2/người.
Đây là nội dung thuộc Đề án Quản lý, hỗ trợ nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ tại TP.HCM.
Tại TP. HCM, hiện có khoảng 60.500 công trình nhà trọ tư nhân đang kinh doanh trên địa bàn thành phố, với tổng số 560.220 phòng trọ. |
Theo bà Loan, diện tích sàn tối thiểu đặt ra để giới hạn số người trong một phòng và giới hạn số lượng phòng trong mỗi công trình nhà trọ không tập trung quá đông người.
"Quy định tối thiểu áp dụng cho loại hình nhà ở cho thuê trọ là hết sức cần thiết, quan trọng nhất là đảm bảo an toàn của người dân, người thuê trọ. Tuy nhiên, đây là các gợi ý, đề xuất ban đầu, như đề xuất hẻm rộng 3-4m, cách đường chính 100m, diện tích bình quân 5m2/người... là những biến số, chưa phải kết quả cuối cùng"- bà Loan nói.
Bà Loan cũng lý giải việc đề xuất nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ phải có chiều rộng tối thiểu 3-4m là nhằm đảm bảo xe cứu hỏa tiếp cận được.
Với trường hợp hẻm không đủ rộng cho xe cứu hỏa tiếp cận thì nhà phải cách mặt đường chính không quá 100m để đường ống nước chữa cháy của xe cứu hỏa vào được đến nơi khi có sự cố. Đồng thời, đề án cũng quy định mọi phòng ở trong nhà phải đảm bảo có hành lang dẫn ra lối thoát hiểm.
Bà Loan cho biết hiện Sở Xây dựng vẫn đang tiếp tục phối hợp với các quận, huyện để thu thập thông tin chính xác về số lượng nhà trọ trên địa bàn. Qua đó, Sở Xây dựng sẽ căn cứ tình hình thực tế và kết quả thống kê mà các quận huyện rà soát để tiếp tục có những điều chỉnh phù hợp.
Sau khi được UBND TP.HCM thông qua chủ trương, phê duyệt Đề cương Đề án, các sở ngành sẽ khẩn trương triển khai thực hiện hoàn thành sản phẩm, giải pháp quản lý và hỗ trợ nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ trình UBND TP chậm nhất là tháng 12-2024.
Trước đó, góp ý về vấn đề này, ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu Tư BĐS Thiên An Hòa, cho hay, đề xuất trên nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân TP HCM, tuy nhiên yêu cầu trên là những điều kiện khó áp dụng thực hiện tại TP HCM, bởi ước chừng có tới trên 50% số nhà trọ không đạt yêu cầu. Như vậy, khi nguồn cung khan hiếm sẽ vô tình đẩy giá nhà trọ lên cao gây tác động tổn thương về tài chính đối với những người thu nhập thấp.
“Do đó, khi ban hành quy định trên, chúng ta nên cân nhắc hoặc có thời gian dành cho sự chuyển đổi là 2 năm, 3 năm hoặc khoảng thời gian nhất định nào đó để người dân có sự chuyển dịch, như vậy sẽ hợp lý hơn.” – ông Quang nói.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP. HCM, hiện có khoảng 60.500 công trình nhà trọ tư nhân đang kinh doanh trên địa bàn thành phố, với tổng số 560.220 phòng trọ, khoảng hơn 1,4 triệu người đang thuê.
Hầu như toàn bộ đã được người dân xây dựng, có tình trạng sai phép (đối với dãy phòng cho thuê độc lập) hoặc tự ý chuyển đổi loại hình từ nhà ở riêng lẻ sang cho thuê trọ (tự ngăn chia từng phòng, tăng quy mô số lượng người sinh hoạt, lưu trú lên gấp nhiều lần nhưng chưa được cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) xem xét, xét duyệt, nghiệm thu đưa vào sử dụng).
Xuất phát từ thực tiễn, Sở Xây dựng TP. HCM nhận định, việc xây dựng và thực hiện Đề án Quản lý, hỗ trợ nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ tại TP. HCM này là cần thiết.
Cũng theo Sở Xây dựng, thời gian gần đây, thực tế báo động là sự an toàn của người dân sinh sống trong khu trọ không đảm bảo cả về phòng cháy, chữa cháy; vệ sinh môi trường; an toàn nước sinh hoạt; điều kiện kinh doanh phòng trọ và kinh doanh các lĩnh vực khác…; bên cạnh đó, còn có khoảng trống trong quản lý nhà nước lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; trật tự xây dựng sau cấp phép xây dựng; quản lý loại hình kinh doanh nhà cho thuê trọ, quản lý thuế đối với loại hình kinh doanh này.
Sở Xây dựng TP. HCM cho biết thêm, theo kết quả khảo sát ban đầu, có khoảng 12.800/60.500 công trình (chiếm tỷ lệ 21%) không đủ điều kiện an toàn để tiếp tục hoạt động cần phải thực hiện chuyển đổi, cải tạo để đạt tiêu chí của quy định tối thiểu.
Hồng Hương