Theo báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2024 của cơ quan công an TP. Hà Nội, thời gian qua, đối với nhà trọ, thành phố đã tổ chức kiểm tra 36.972/36.972 cơ sở, xử phạt 3.134 trường hợp/4.310 hành vi, phạt tiền hơn 12,83 tỷ đồng.
Hơn 16 nghìn nhà trọ, chung cư mini bị "tuýt còi"
Đáng chú ý, cơ quan công an TP. Hà Nội đã tạm đình chỉ 672 khu nhà trọ, 75 trường hợp đang bị đình chỉ hoạt động, yêu cầu 16.479 nhà trọ dừng hoạt động, 100% chủ đầu tư đã ký cam kết thực hiện.
Đối với chung cư mini, lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra đối với 193 cơ sở; tạm đình chỉ 14 trường hợp, 4 trường hợp đang bị đình chỉ hoạt động, yêu cầu 22 cơ sở dừng hoạt động. Ở loại hình chung cư, lực lượng chức năng đã kiểm tra 317 cơ sở; xử phạt 4 trường hợp, phạt tiền trên 93 triệu đồng; tạm đình chỉ 2 trường hợp, 2 trường hợp đang bị đình chỉ hoạt động.
Chung cư mini, nhà trọ thiếu an toàn phòng cháy chữa cháy tại Hà Nội sẽ bị kiên quyết xử lý. |
Với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, cơ quan chức năng đã tổ chức kiểm tra đối với 5.808 cơ sở; xử phạt 435 trường hợp, phạt tiền trên 487 triệu đồng; tạm đình chỉ 9 trường hợp, 1 trường hợp đang bị đình chỉ hoạt động, yêu cầu 129 cơ sở dừng hoạt động.
Ngoài ra, lực lượng chức năng đã kiểm tra 935 cơ sở trường mầm non, nhóm trẻ; xử phạt 59 trường hợp; phạt tiền hơn 200 triệu đồng; tạm đình chỉ 23 trường hợp, 2 trường hợp đang bị đình chỉ hoạt động, yêu cầu 32 cơ sở dừng hoạt động.
Những động thái trên được đánh giá là rất “mạnh tay” trong bối cảnh tình hình cháy nổ trên địa bàn TP. Hà Nội vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Chỉ trong 2 tháng qua đã liên tiếp xảy ra các vụ cháy gây thiệt hại lớn cả về người và vật chất.
Điển hình như vụ cháy nhà 6 tầng kết hợp kinh doanh vật liệu xây dựng ở Định Công Hạ (Hoàng Mai) khiến 4 người thiệt mạng. Hay trước đó, vào cuối tháng 5, vụ cháy nhà ở kết hợp nhà trọ tại Trung Kính (Cầu Giấy) khiến 14 người tử vong, 6 người bị thương...
Quy định về “lối thoát nạn thứ 2”
Cần phải nói thêm, trong thời gian vừa qua, việc triển khai thực hiện quyết liệt các kế hoạch chuyên đề chuyên sâu về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã giúp tình hình cháy nổ trên địa bàn Thủ đô được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí.
Cụ thể, hơn 70% vụ việc đã được lực lượng cơ sở, quần chúng nhân dân phát hiện xử lý kịp thời ngay khi mới phát sinh. Đặc biệt, kể từ khi triển khai xây dựng mô hình Tổ liên gia và Điểm chữa cháy công cộng, trong hơn 1 năm qua, đã có hàng trăm vụ cháy được người dân dập tắt tại chỗ, đảm bảo an toàn.
Công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân là yếu tố then chốt trong phòng cháy, chữa cháy. |
Đầu tháng 7 vừa qua, tại Kỳ họp thứ 17 HĐND TP. Hà Nội, Đề án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ giai đoạn 2025-2030 cũng trở thành một trong những nội dung quan trọng được đưa ra để thảo luận.
Ông Trần Hợp Dũng, Phó ban Đô thị HĐND TP. Hà Nội, đồng tình quan điểm cho rằng việc vi phạm quy hoạch, xây dựng là nguyên nhân làm gia tăng số vụ cháy nghiêm trọng. Nhà ở riêng lẻ và nhà chung cư cũ không còn đảm bảo quy định do lịch sử để lại cũng rất khó giải quyết dứt điểm.
"Phải làm rõ thời gian tới, thành phố sẽ có biện pháp gì đối với những khu dân cư không đảm bảo độ rộng mặt đường cho xe chữa cháy? Nên dừng cấp phép xây dựng các khu vực này", ông Dũng kiến nghị.
Trong bối cảnh đó, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc thống nhất chủ trương ban hành Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030.
Đề án nhằm nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của Thủ đô đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Một trong những mục tiêu quan trọng là tuyên truyền, vận động 100% hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp kinh doanh, sản xuất có từ 2 tầng trở lên chưa có lối thoát nạn thứ 2 tự mở lối thoát nạn thứ 2 (từ từng tầng nhà - nơi có phòng ngủ, nghỉ, sinh hoạt của gia đình), trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, tham gia đội dân phòng để đảm bảo thực chất, hiệu quả, đáp ứng phương châm "4 tại chỗ".
Dự kiến lắp trụ nước ở hàng nghìn ngõ nhỏ
Thực tế, việc vận động người dân mở lối thoát nạn thứ 2 đã được triển khai nhiều năm qua tại Hà Nội. Trong năm 2023, Công an Thành phố đã vận động, hướng dẫn đến trên 108.000 hộ, đạt 100% hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh và tính đến nay đã có trên 102.000 hộ, đạt 94,1% hộ mở lối thoát nạn thứ 2. Đối với các hộ gia đình nhà ở chưa có lối ra ban công, lô gia, lối lên mái hoặc có nhưng bị chặn, bịt bởi "chuồng cọp", "lồng sắt" kiên cố, đã có 1.496.239/1.628.346 hộ mở "lối thoát nạn thứ 2".
Giai đoạn từ nay đến năm 2030, toàn Thành phố tổ chức tuyên truyền, vận động 100% nhà ở riêng lẻ cao từ 7 tầng hoặc 25m trở lên, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh cao từ 3 tầng hoặc khối tích từ 1.500m3 trở lên phải trang bị hệ thống báo cháy tự động hoặc thiết bị báo cháy cục bộ; khuyến khích các nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh còn lại trang bị hệ thống báo cháy tự động hoặc thiết bị báo cháy cục bộ.
Hiện, Hà Nội chưa xây dựng được mạng nước phòng cháy riêng mà phải dùng nước sinh hoạt. Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, hoàn thành lắp đặt 3.050 trụ chữa cháy ngoài nhà; khoảng 9.483 tuyến đường, phố, ngõ, ngách có chiều sâu hơn 200m có phương án bổ sung đường ống cấp nước, trụ hoặc họng tiếp nước; hoàn thành khoảng 433 bể nước, trạm bơm chữa cháy tại các khu vực công cộng, 4 bến lấy nước, 900 hố thu nước chữa cháy thuộc khu dân cư nguy hiểm cháy, nổ.
Đông Phong