Tiếp tục Phiên họp thứ 25, ngày 25/8, tại Nhà Quốc hội, thực hiện chương trình Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi mở: “Vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là vấn đề khó nhất trong các Luật Đất đai qua các thời kỳ. Nếu lựa chọn cách thức tiếp cận theo hướng "chọn cho" tức là liệt kê các trường hợp, dự án Nhà nước thu hồi đất thì không thể đủ được, thậm chí càng liệt kê càng thiếu. Nên chăng là tiếp cận theo hướng “chọn bỏ”, tức là trừ những trường hợp áp dụng phương pháp thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, còn lại là Nhà nước thu hồi? Vì thực tế chỉ có 2 hình thức là thu hồi và thỏa thuận”.
Với hướng tiếp cận trên, có thể quy định thêm quy định đất thu hồi phải nằm trong quy hoạch, kế hoạch đất đã được phê duyệt, hay các quy định cấm việc vừa điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch đã có ngay quyết định thu hồi đất. Trong thực tế, có việc vừa điều chỉnh quy hoạch, vừa điều chỉnh mục đích sử dụng đất lại ra quyết định thu hồi đất, do đó điều quan trọng là phải ngăn chặn được tình trạng việc điều chỉnh quy hoạch là ra quyết định thu hồi đất. Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, không nên gắn việc thu hồi đất với đấu giá, đấu thầu đất đai.
Trong báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết: “ Đây là dự án Luật lớn, có nhiều nội dung phức tạp, tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, chính sách an sinh xã hội và kinh tế vĩ mô của quốc gia, liên quan đến nhiều luật, dự thảo Luật đang trình Quốc hội xem xét”.
Cụ thể, một số nội dung lớn thống nhất tiếp thu, giải trình, chỉnh lý như: quy định cụ thể, rõ ràng hơn chính sách hỗ trợ đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa; quy định cụ thể các dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Thu hẹp các trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang, cơ sở y tế, cơ sở dịch vụ xã hội, cơ sở giáo dục, đào tạo, cơ sở thể dục thể thao, cơ sở khoa học và công nghệ, cơ sở văn hóa…
Đối với vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 79), Thường trực Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết: “Quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng có ưu điểm bảo đảm sự rõ ràng, dễ theo dõi, dễ áp dụng.
Tuy nhiên, việc liệt kê quá cụ thể, chi tiết các dự án, công trình thu hồi đất có nhược điểm khó bảo đảm bao quát, đầy đủ. Trong quá trình thảo luận, có ý kiến cho rằng cách tiếp cận theo hướng liệt kê các trường hợp như hiện nay chưa làm rõ được sự cần thiết của các dự án, công trình”.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, đây là dự án Luật lớn, quá trình tiếp thu, chỉnh lý tiếp tục nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Một số vấn đề đã có ý kiến thẩm tra và ý kiến đại biểu Quốc hội nhưng chưa được cung cấp đầy đủ thông tin và giải trình thỏa đáng; một số vấn đề đề nghị bổ sung nội dung tổng kết, đánh giá tác động, cung cấp dữ liệu… nhưng chưa có báo cáo cụ thể.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là vấn đề khó nhất trong các Luật Đất đai qua các thời kỳ”. |
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khẳng định: “Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật lớn, tác động lớn đến xã hội nên cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật đã rà soát kỹ lưỡng các điều khoản. Uỷ ban Pháp luật có 4 báo cáo được Ủy ban Kinh tế tiếp thu, chỉnh lý trong dự án Luật nên đề nghị Ủy ban Kinh tế khẩn trương xử lý các vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 6”.
Để dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đáp ứng được yêu cầu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật theo dõi thường xuyên, xem xét lại về tính đồng bộ của hệ thống đất đai với các luật khác để có sự điều chỉnh kịp thời. Đặc biệt dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có mối quan hệ với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)… nên cũng phải sửa đổi, bổ sung song hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thống nhất với quy định chi tiết để đảm bảo quá trình minh bạch trong thu hồi đất. Mặc dù quy định chi tiết cũng có nhược điểm là có thể chưa lường hết được các trường hợp cần thu hồi nhưng đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra cố gắng lường hết các trường hợp thu hồi để quy định minh bạch trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để đảm bảo quá trình thu hồi đất diễn ra được công khai và minh bạch.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế và các cơ quan Quốc hội tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự án Luật; chung sức, đồng lòng vì lợi ích quốc gia, dân tộc để đảm bảo chất lượng của dự án Luật, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đảm bảo các quy định của luật đi vào cuộc sống, hoàn thành nhiệm vụ luật pháp quan trọng của nhiệm kỳ, đáp ứng mong mỏi của Nhân dân.
Ủy ban Kinh tế thực hiện đúng chức năng của cơ quan thẩm tra, đảm bảo nguyên tắc làm việc, đảm bảo yêu cầu tập trung và giải quyết các nội dung cơ bản; phối hợp với các cơ quan của Chính phủ để giải quyết các nội dung có trọng tâm, trọng điểm và cũng lưu ý đề phòng các biểu hiện có cài cắm lợi ích nhóm, không chặt chẽ có thể phát sinh các vấn đề tiêu cực. Vấn đề này nếu phát hiện ra thì sẽ phải được xử lý nghiêm minh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết: “Chính phủ sẽ tiếp thu tối đa những ý kiến đóng góp và sẽ có phản hồi lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như các cơ quan khác của Quốc hội để chuẩn bị kỹ lưỡng các báo cáo trước khi trình Quốc hội, các đại biểu Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 6”.
Thu Trang