Năm 2018 vừa qua được đánh giá là một năm khởi sắc của thị trường bất động sản (BĐS) Hải Phòng. Tình hình khả quan này được hỗ trợ bởi sự phát triển và hoàn thành một loạt các cơ sở hạ tầng quan trọng như cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, Cầu Vũ Yên I, Khu công nghiệp, Cảng container quốc tế Hải Phòng. Bên cạnh đó, nền kinh tế phát triển mạnh trong 5 năm vừa qua cũng như việc thu hút đầu tư nước ngoài đạt kết quả tốt. Chỉ trong 11 tháng 2018, Hải Phòng đã thu hút được 2,49 tỷ USD vốn đăng ký, đứng thứ ba sau Hà Nội và TP.HCM. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017 đạt mức cao đứng thứ 9 cả nước.
Theo Cục Thống kê TP Hải Phòng, trong năm 2018, Hải Phòng đã đón 7,8 triệu lượt khách du lịch, tăng 12% theo năm. Trong số này, khách du lịch công tác nắm vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình hình hoạt động của phân khúc khách sạn và duy trì sự ổn định của phân khúc căn hộ dịch vụ.
Thị trường bất động sản Hải Phòng phát triển nhờ tăng trưởng kinh tế (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Hiện, Hải Phòng có tổng số 14 khách sạn 3-5 sao, cung cấp khoảng 1.400 phòng. Trong năm 2018, công suất phòng trung bình tăng 5 điểm % theo năm. Doanh thu phòng trung bình của các khách sạn 5 sao đạt 63 USD/phòng/đêm; gấp đôi phân khúc 4 sao và gấp 4 lần phân khúc 3 sao.
Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Savills Hà Nội, khách hàng chính của phân khúc khách sạn tại Hải Phòng là khách du lịch công tác. “Hải Phòng không phải là một địa phương phát triển du lịch mũi nhọn nên nhu cầu nghỉ dưỡng không nhiều. Trái lại, khách du lịch công tác đến Hải Phòng tăng trưởng bền vững trong nhiều năm qua do tăng trưởng kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng và công nghiệp cảng", bà Hằng nói.
Theo Bộ KH&ĐT, năm 2017, Hải Phòng có diện tích cho thuê khoảng 3.000ha từ 7 khu công nghiệp (IP). Nomura, Tràng Duệ giai đoạn I và Deep C - giai đoạn I đều đã được cho thuê kín. Năm 2018, các khoản đầu tư khổng lồ của Hàn Quốc vào Tràng Duệ IP là LG Display Hải Phòng với số vốn tăng thêm 500 triệu USD trong tháng 2 này và LG Innotek Hai Phong thêm 501 triệu USD trong tháng 8 tới.
VinFast, lĩnh vực sản xuất ô tô và xe máy của Vingroup, đã đăng ký đầu tư 1,5 tỷ USD vào Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải. Nhu cầu lưu trú cho cán bộ, nhân viên và chuyên gia nước ngoài đến Hải Phòng chủ yếu được phân khúc khách sạn và căn hộ dịch vụ đáp ứng.
Phân khúc căn hộ dịch vụ tại Hải Phòng ghi nhận tình hình hoạt động ổn định của 16 dự án trong năm 2018. Công suất trung bình đạt 96% và giá thuê đạt 21 USD/m²/tháng. Doanh thu phòng trung bình đạt 20 USD/m²/tháng.
Theo bà Hằng, căn hộ dịch vụ là phân khúc có tình hình hoạt động luôn ổn định ở mức tốt với công suất cao. Nguồn cầu lớn nhất đến từ khách thuê người châu Á, cụ thể là Nhật Bản và Hàn Quốc, hai quốc gia có luồng vốn FDI lớn vào Hải Phòng. Đây cũng là những đối tượng khách thuê thích sống theo cộng đồng nên sản phẩm căn hộ dịch vụ với thiết kế và tiện ích theo phong cách đặc trưng của một quốc gia sẽ thu hút khách thuê đến từ nước đó. Nhu cầu lớn, công suất cao đã thu hút nhà đầu tư. Trong đó có thể kể đến hai nhà điều hành quốc tế quản lý các dự án hạng A và một chủ đầu tư Nhật Bản sẽ phát triển một dự án căn hộ dịch vụ trong tương lai.
Phân khúc khách sạn và căn hộ dịch vụ tại Hải Phòng đáp ứng một lượng lớn nguồn cầu của khách du lịch công tác nhưng mới đáp ứng được một phần. Với các khách có ngân sách hạn chế, khoảng dưới 1.000 USD/ tháng thì Hải Phòng chưa có sản phẩm dịch vụ lưu trú phù hợp.
“Thực trạng này cho thấy tiềm năng và dư địa phát triển của các sản phẩm mới cho thị trường này như căn hộ bán để cho thuê, sản phẩm nhà ở tích hợp công nghệ như Airbnb... Đã đến lúc thị trường Hải Phòng làm mới mình để đón những xu hướng mới của thị trường, tiếp bước các thị trường phát triển trong nước như Hà Nội và TP.HCM,” bà Hằng nhận định.
Phạm Minh