Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Xây dựng, đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, thời gian qua, giá bất động sản tăng ở tất cả các phân khúc. Trong đó, giá căn hộ cao cấp tăng 0,5%, giá căn hộ trung cấp tăng 2%-3%, giá đất nền tăng 5%. Một số nơi tăng trên 10%, nhất là tại những địa phương có tách nhập đơn vị hành chính, hoặc có phát triển mới về hạ tầng, trong đó có TP.HCM. Việc đấu giá đất cao bất thường là một trong những yếu tố dẫn đến tăng giá, làm ảnh hưởng đến phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, do giá thành bị đẩy lên, nguồn cung càng khan hiếm.
Hiện mới có 20 địa phương có báo cáo về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất (Ảnh: Int) |
Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất quy chế về phát triển nhà ở thương mại giá thấp bên cạnh việc tiếp tục phát triển nhà ở xây dựng. Bộ Xây dựng sẽ báo cáo, lồng ghép cơ chế mới vào việc sửa Luật Nhà ở sắp tới. Trong đó, đề xuất các giải pháp để tăng nguồn cung nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội; quản lý chặt phát hành trái phiếu trong lĩnh vực bất động sản; cung cấp nguồn tài chính, cấp tín dụng cho vay đối với các đối tượng liên quan; điều chỉnh cơ cấu bất động sản trong các dự án theo hướng giảm đầu tư nhà ở cao cấp... Đặc biệt, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, nhanh chóng công khai thông tin về quy hoạch, điều kiện bán hàng các dự án bất động sản, quản lý hoạt động môi giới ngăn nâng giá, kích giá.
Đại diện Bộ Xây dựng cũng cho biết, sau khi có việc đấu giá đất cao bất thường tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM), theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã làm việc với Bộ TN&MT, đồng thời có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh đánh giá cụ thể về tác động của đấu giá đất cao bất thường đối với thị trường bất động sản. Hiện, Bộ Xây dựng mới nhận được báo cáo của 20 địa phương.
Trước đó, ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 1767/CĐ-TTg về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian qua.
Theo đó, để công tác quản lý đất đai, bất động sản, nhà ở trong thời gian tới hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.
Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi, đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đánh giá cụ thể các tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, nhất là các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường (cung, cầu) nhà ở, bất động sản; đề xuất các giải pháp để hạn chế các tác động tiêu cực (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất đảm bảo đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về cho vay vốn tín dụng…
Phương Linh