Theo báo cáo của Savills Hà Nội, trong quý II/2020, nguồn cung từ 5 dự án mới và 7 dự án của giai đoạn tiếp theo cung cấp khoảng 6.200 căn hộ mới, tăng 28% theo quý nhưng giảm -6% theo năm. Nguồn cung sơ cấp tăng 5% theo quý nhưng giảm -6% theo năm xuống còn 29.200 căn hộ. Hạng B tiếp tục dẫn đầu nguồn cung với 74% thị phần.
Niềm tin của chủ đầu tư và người mua được khôi phục góp phần đẩy nhanh tốc độ mở bán mới và hoạt động thị trường trong quý II. Thị trường ghi nhận 5.400 giao dịch, tăng 11% theo quý nhưng giảm -43% theo năm. Nửa đầu năm có 10.300 giao dịch, giảm -47% theo năm, tỷ lệ hấp thụ đạt 30% và giảm -17 điểm % theo năm.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội cho biết, dịch bệnh gây ảnh hưởng đến số lượng giao dịch trong nửa đầu năm tuy nhiên giá bán sơ cấp trung bình ổn định theo quý nhưng tăng 7% theo năm đạt 1.460 USD/m2.
Nhà ở hạng B tiếp tục dẫn dắt thị trường |
Theo Khảo sát thị trường nhà ở toàn cầu của Savills, 53% người được hỏi cho biết giá bất động sản tại thị trường nhiều nước không thay đổi trong nửa đầu năm 2020 so với nửa đầu năm 2019. Mặc dù nền kinh tế ở nhiều nơi trên thế giới đã rơi vào suy thoái.
Savills Hà Nội cho rằng, cùng với quy hoạch mở rộng đô thị Hà Nội, nguồn cung căn hộ đã mở rộng từ các quận nội thành ra các huyện ngoại thành. Năm 2016, huyện Hoài Đức và Thanh Trì chiếm 10% nguồn cung. Trong quý II/2020, bốn huyện Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức và Thanh Trì chiếm 27% nguồn cung. Tổng số giao dịch tại các huyện tương đương 22% tổng số giao dịch trong nửa đầu năm 2020 nhờ hoạt động tốt của khu vực phía Đông.
Các dự án lớn ở ngoại ô trong tương lai bao gồm Xuân Mai Smart City (3.072 ha), Vinhomes Cổ Loa (299 ha), BRG Smart City (272 ha) và Vinhomes Wonder Park (133 ha). Những dự án này được xem như là một giải pháp bền vững để giảm bớt những gánh nặng về vấn đề dân số, tắc nghẽn giao thông hay thiếu hụt hạ tầng.
Đánh giá về tiềm năng nguồn cầu của thị trường, bà Đỗ Thu Hằng cho rằng, thị trường nhà ở là phân khúc ổn định. Bởi hiện nay quá trình đô thị hóa, tăng trưởng dân số mạnh mẽ và quy mô hộ gia đình giảm tạo ra nguồn cầu về nhà ở. Tính đến 2020, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đạt 37% thấp hơn so với các nước Đông Nam Á (50%) và châu Á (51%). Tốc độ đô thị hóa chậm cho thấy tiềm năng lớn cho sự phát triển trong tương lai.
Về triển vọng nguồn cung thời gian tới, theo bà Hằng, trong nửa cuối năm 2020, khoảng 24.200 căn hộ từ 4 dự án hiện tại và 18 dự án tương lai sẽ ra mắt thị trường, hạng B tiếp tục dẫn đầu thị trường. Trong số 22 dự án này, 68% đang trong quá trình xây dựng và 32% đang làm móng. Các quận, huyện dẫn đầu nguồn cung bao gồm Từ Liêm với 45% thị phần, Gia Lâm với 32% và Hoàng Mai với 9% thị phần.
Minh Trang