Thông tin trên được ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết tại họp báo thường kỳ của (Bộ Công Thương) chiều ngày 12/3.
![]() |
Cơ quan điều tra lấy mẫu xét nghiệm trong Chuyên án 920-G (Nguồn: Bộ Công an) |
Trong đó, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm liên quan nhiều nhất về các quy định tại Nghị định 83, Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm về số lượng, trách nhiệm giám sát việc pha chế xăng dầu. Còn các địa phương có trách nhiệm giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Theo ông Đông, với chức năng nhiệm vụ của Bộ Công Thương, thời gian qua, việc kinh doanh xăng dầu thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ được thi hành khá tốt, nhưng vẫn có một số thương nhân kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu, biểu hiện vi phạm Nghị định 83 khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu. Hay những quy định thuộc chức năng quản lý của bộ ngành khác về chất lượng.
Đại diện Bộ Công Thương đề nghị thương nhân kinh doanh xăng dầu cần thực thi pháp luật đầy đủ là đảm bảo nguồn cung phục vụ tiêu dùng và sản xuất, phát triển hệ thống.
Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cho hay, Bộ thường xuyên có những đoàn kiểm tra, giám sát và hậu kiểm. Ngay trong cuối năm 2020 đã kiểm tra và sẽ có báo cáo để xử lý những thương nhân kinh doanh xăng dầu không đúng quy định.
Đồng thời, Bộ cũng đang soạn thảo, sửa đổi Nghị định 83 để khắc phục những bất cập, đảm bảo tính minh bạch hơn, tránh tình trạng phát triển không đi vào thực chất và tăng cường phối hợp để thanh tra, kiểm tra mặt hàng xăng dầu.
Nghị định 83 gồm nhiều thành viên tham gia soạn thảo, sau 5 lần chỉnh sửa hiện đã trình Chính phủ. Hy vọng Nghị định sớm được thông qua. "Ban soạn thảo đã tập hợp bất cập trong thời gian qua về kinh doanh xăng dầu để đưa vào sửa đổi trong Nghị định 83, trong đó có những vấn đề quy định phát triển hê thống phân phối đi vào chất lượng, hạn ngạch nhập khẩu tối thiểu... tập trung vào nâng cao tiêu chuẩn an toàn và chất lượng", ông Đông nói.
Thời gian qua, cơ quan điều tra đã phát hiện hàng loạt các vụ xăng dầu lậu, kém chất lượng với cả trăm triệu lít tuồn vào thị trường. Mới đây, bắt đầu từ nguồn tin tố giác tội phạm, Công an Đồng Nai phát hiện một số cây xăng trên địa bàn tỉnh có biểu hiện mua bán xăng giả kém chất lượng nên đã xác lập chuyên án 920-G để đấu tranh.
Mở rộng chuyên án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án, ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với hàng chục đối tượng, trong đó có Phan Thanh Hữu và Nguyễn Hữu Tứ. Đây là hai đối tượng được xác định là những kẻ cầm đầu đường dây buôn lậu xăng giả.
So với đường dây sản xuất xăng giả của Trịnh Sướng (Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng, Sóc Trăng) bị khởi tố và bắt giữ năm 2019 thì đường dây buôn lậu và làm xăng giả mới bị công an Đồng Nai triệt phá có quy mô và mức độ còn lớn hơn, nghiêm trọng hơn. Theo đó, chuyên án 920-G với 31 ngày phá án đã khởi tố, bắt tạm giam hơn 40 đối tượng.
Lê Thúy