Trong khi nhiều người đang cố gắng thu xếp để về quê ăn Tết với gia đình trong thời gian sớm nhất, một số người lại chọn cách ở lại thành phố để kiếm việc làm thêm trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Thị trường lao động cuối năm hiện rất nhộn nhịp.
Nhu cầu lớn
Đại diện một siêu thị điện máy tại Hà Nội cho biết, nhu cầu mua sắm thiết bị điện máy dịp Tết Nguyên đán rất lớn, vì vậy đơn vị này đã tuyển một số lượng lớn nhân viên bán hàng, vận chuyển, lắp đặt thời vụ…
Trước đó, doanh nghiệp này tìm kiếm lao động thông qua Facebook, các trang web tuyển dụng, tờ rơi… với những lao động thời vụ làm tốt, có khả năng được gắn bó với công ty lâu dài.
Bắt đầu từ tháng 11/2018, nhiều hệ thống siêu thị đã thông báo tuyển dụng lao động thời vụ với các vị trí như nhân viên gói giỏ quà, nhân viên kho, nhân viên thu ngân, nhân viên quầy… với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng. Nếu lao động chấp nhận làm việc trong những ngày Tết, mức lương sẽ cao gấp 2-3 lần ngày thường.
Trước nhu cầu lớn này, nhiều bạn sinh viên đã quyết định ở lại làm thêm tới sát ngày 29 hoặc 30 Tết, thậm chí làm việc xuyên Tết.
Bạn Thu (sinh viên Đại học Giao thông vận tải Hà Nội), chia sẻ, sau khi thử làm thêm bán thời gian trong dịp Tết dương lịch vừa qua, đợt Tết Nguyên đán này đã quyết định ở lại tới ngày 29 Tết để làm thêm tại siêu thị.
Công việc làm thêm của Thu là phụ trách một quầy hàng dùng thử sản phẩm của một nhãn hàng trong siêu thị. Nếu như ngày bình thường, thù lao mỗi tiếng là 20.000 đồng, nay tăng lên 30.000 đồng.
Hay một số bạn sinh viên khác chọn đi làm bảo vệ, dọn dẹp nhà cửa, nhận ship hàng, bán cây cảnh (đào, quất), bán quần áo, phục vụ hàng ăn…
Nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ dịp Tết Nguyên đán tăng cao |
Lương cao vẫn khó tuyển dụng
Với những người lao động trung tuổi, việc lựa chọn các công việc làm thêm như dọn nhà, phục vụ nhà hàng chắc chắn là ưu tiên số một.
Chị Phương (quê Hưng Yên), cho biết ngoài công việc thường làm là ban đêm đi làm cửu vạn – vận chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Long Biên, những ngày gần Tết, chị xin đi dọn nhà dịp Tết. "Thù lao được trả theo tuỳ từng nhà rộng hay hẹp cũng như công việc mà tôi phải dọn dẹp", chị cho biết.
Mặc dù rất đông lao động tìm việc, giá cũng đắt đỏ hơn ngày thường, nhiều chủ sử dụng lao động vẫn "đỏ mắt" tìm người làm. Dò kiếm trên mấy trang tìm người giúp việc dọn dẹp nhà cửa để đón Tết nhưng mấy hôm nay, bà Sinh (Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội) vẫn chưa tìm được người phù hợp.
Bà Sinh cho biết: "Tôi thuê một lao động nữ dọn dẹp nhà vào mấy ngày giáp Tết nhưng rất khó tìm dù mức lương đưa ra không hề rẻ là 700.000 đồng/lần dọn dẹp, trong khi ngày thường thuê dọn nhà chỉ 400.000 đồng/lần".
Khảo sát cho thấy thời điểm sát Tết, nhu cầu sử dụng dịch vụ dọn dẹp nhà cửa tăng rất cao. Một doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ này cho biết, tất cả nhân viên đều phải làm 2-3 ca/ ngày nhưng cũng không đáp ứng được hết yêu cầu của khách hàng.
Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, dịp Tết Nguyên đán là thời điểm các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, kéo theo nhu cầu việc làm thời vụ tăng cao 5 – 10%. Ngay từ tháng 11 âm lịch, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho các lao động thời vụ có thể dễ dàng tiếp cận.
Tuy vậy, ông Thành khuyến nghị người lao động, đặc biệt là các sinh viên cần cân nhắc tìm hiểu kỹ các quy định của Bộ luật Lao động. Đặc biệt với những trường hợp lao động thỏa thuận miệng hay thỏa thuận bằng hợp đồng được quy định ra sao để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình.
Thy Lê