Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có công văn gửi Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) để góp ý về Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
VCCI cho rằng cần làm rõ đề xuất người bán hàng đa cấp được hưởng hoa hồng tối thiểu 20%. |
Theo đó, VCCI nêu về tỷ lệ hoa hồng tối thiểu từ kết quả bán hàng trên tổng lợi ích kinh tế. Điều 1.11 Dự thảo này bổ sung quy định về tỷ lệ hoa hồng tối thiểu từ kết quả bán hàng trên tổng lợi ích kinh tế mà người tham gia được hưởng.
"Đây là quy định mới, cũng là một dạng quy định can thiệp trực tiếp vào quyền tự chủ của doanh nghiệp và dự kiến có tác động lớn đến kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp, nhưng chưa được thực hiện đánh giá tác động trong báo cáo đánh giá tác động", VCCI đánh giá.
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung đánh giá tác động chính sách với quy định này, trong đó làm rõ các nội dung như: Cơ sở thực tiễn của việc quy định tỷ lệ hoa hồng tối thiểu từ kết quả bán hàng; Cơ sở thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế của tỷ lệ 20%; Mối quan hệ giữa quy định về tỷ lệ hoa hồng từ kết quả bán hàng tối thiểu 20% và quy định về tổng trị giá lợi ích kinh tế trong một năm không quá 40% doanh thu bán hàng (Điều 48 Nghị định 40/2018/NĐ-CP).
Cùng với đó, liên quan tới người đại diện tại địa phương, Dự thảo bổ sung điều kiện, yêu cầu với người đại diện tại địa phương của doanh nghiệp bán hàng đa cấp khi doanh nghiệp thực hiện đăng ký hoạt động tại địa phương. Lý giải cho việc này, cơ quan soạn thảo cho rằng có tình trạng người đại diện tại địa phương chỉ mang tính chất đối phó, không nắm được thông tin về hoạt động của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, VCCI đề nghị cân nhắc lại tính cần thiết của quy định này. Đây là quy định can thiệp trực tiếp vào quyền tự chủ của doanh nghiệp về tổ chức bộ máy, trong khi doanh nghiệp đã đủ điều kiện hoạt động và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Việc cung cấp thông tin có thể được giải quyết bằng cách bổ sung quy định về trình tự, thủ tục yêu cầu cung cấp thông tin, trong đó có quy định về thời hạn doanh nghiệp hoặc người đại diện tại địa phương của doanh nghiệp phải cung cấp các thông tin mà cơ quan nhà nước yêu cầu. Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải thiết lập một cơ chế phù hợp để đảm bảo cung cấp thông tin trong thời hạn quy định cho cơ quan nhà nước.
Thy Lê