MobiFone đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ Mobile Money. (Ảnh: Mob) |
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nếu các bộ, ngành đạt được thống nhất, nhiều khả năng trong tháng 10 này, cơ chế thí điểm Mobile Money sẽ được thông qua.
Khó khăn nào khi triển khai Mobile Money?
Một điểm rất quan trọng trong dự thảo cung cấp thí điểm dịch vụ Mobile Money là cho phép các thuê bao không cần có tài khoản ngân hàng mà vẫn sử dụng được dịch vụ này. Các thuê bao có thể nạp tiền vào tài khoản Mobile Money ở các ngân hàng và các điểm đại lý của doanh nghiệp viễn thông để sử dụng dịch vụ.
Dịch vụ Mobile Money chỉ là tài khoản thanh toán có giá trị nhỏ. Ngoài ra, các nhà mạng không phải là định chế tài chính, nên tiền nạp vào Mobile Money không được cho vay, mà phải nộp vào tài khoản ngân hàng để tránh rủi ro trong thanh toán.
Theo đánh giá của các chuyên gia, dịch vụ Mobile Money sẽ góp phần thay đổi dần thói quen thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến hiện nay của người dân. Vụ trưởng Vụ Thanh toán Phạm Tiến Dũng nhận định: “Việc ra đời tài khoản Mobile Money bên cạnh ví điện tử, tài khoản ngân hàng... sẽ tạo ra hệ thống tài khoản đa cấp độ, góp phần thúc đẩy tín dụng toàn diện”.
Ngay sau khi NHNN cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ Mobile Money thì chỉ sau một đêm, 100% thuê bao di động của Việt Nam đã xác định danh tính có thể tham gia thanh toán điện tử một cách thuận lợi theo phương thức mới.
Tuy có nhiều ưu điểm như vậy, nhưng việc triển khai tiền di động tại Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức. Và một trong những nội dung vẫn còn có ý kiến khác nhau là quy định về giám sát, quản lý rủi ro như: quy định về quản lý dòng tiền, giới hạn hạn mức giao dịch, bảo mật thông tin khách hàng…
Vì vậy, các chuyên gia và cơ quan quản lý cho rằng, việc chuẩn bị kỹ càng về hành lang pháp lý trước khi thí điểm là rất cần thiết, không chỉ nhằm bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, mà còn phải bảo vệ người dùng.
Chẳng hạn, về quản lý dòng tiền, các công ty viễn thông bắt buộc phải cam kết chỉ sử dụng số tiền do khách hàng đã gửi để thanh toán mà không được sử dụng cho mục đích đầu tư riêng.
Ngoài quản lý dòng tiền, vấn đề mà cơ quan quản lý lo ngại nhất khi thí điểm Mobile Money là các hành vi lợi dụng lừa đảo, tấn công tài chính. Thực tế, tại nhiều quốc gia như Nigeria, rất nhiều người dân nông thôn - vốn có hiểu biết hạn chế về tài chính - đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tiền qua Mobile Money.
Được biết, cả nước hiện có 125 triệu thuê bao di động, song không phải mọi chủ thuê bao đều đáp ứng đầy đủ điều kiện về xác thực danh tính để có thể đăng ký tài khoản Mobile Money. Chưa kể, muốn khuyến khích người dùng đăng ký Mobile Money, nhà mạng cũng sẽ phải số kinh phí khuyến mãi không nhỏ.
Doanh nghiệp viễn thông đã sẵn sàng
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào, sự ra đời của Mobile Money càng trở nên cần thiết, nhằm góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Hiện nay, Chính phủ đã chấp thuận về mặt nguyên tắc cho 3 hãng viễn thông lớn nhất của Việt Nam là Viettel, MobiFone, VinaPhone triển khai dịch vụ Mobile Money. Trong đó, NHNN đã cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán cho Viettel và VNPT, còn MobiFone đã hoàn tất thủ tục và đang chờ cơ quan quản lý phê duyệt.
Các doanh nghiệp viễn thông khẳng định đã chuẩn bị mọi nguồn lực và tận dụng những lợi thế sẵn có để triển khai thử nghiệm Mobile Money ngay khi được cấp phép, tiến tới phổ cập thanh toán số, tài chính số tại Việt Nam.
Đại diện MobiFone cho biết, doanh nghiệp cũng đã đầu tư, chuẩn bị mọi mặt để sớm có thể cung cấp dịch vụ Mobile Money tới người dùng sau khi dịch vụ này được cấp phép.
Hiện tại, MobiFone cũng đã sẵn sàng kết nối với các điểm chấp nhận dịch vụ thanh toán, cùng với kinh nghiệm triển khai các dịch vụ số, nên có thể dễ dàng cung cấp các dịch vụ trung gian thanh toán trên hạ tầng điện tử. Đây chính là tiền đề mở rộng dịch vụ và phục vụ khách hàng tốt nhất.
“MobiFone xác định việc nhanh chóng triển khai cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán Mobile Money là một phần quan trọng trong tổng thể chiến lược của MobiFone nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, mở rộng lĩnh vực kinh doanh ngoài viễn thông, phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử, thanh toán, tài chính…”, đại diện nhà mạng này nhấn mạnh.
Trong khi đó, Tập đoàn Viettel cho biết, khi được cung cấp dịch vụ Mobile Money, Viettel có thể tận dụng ngay mạng lưới 60 triệu thuê bao di động trong nước, hơn 2.600 cửa hàng, bưu cục, siêu thị, hơn 270.000 đại lý/điểm bán và hơn 30.000 nhân viên phủ xuống đến xã, phường.
Hiện, Viettel đã có rất nhiều giải pháp và đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy định về an toàn bảo mật và phòng chống rửa tiền, theo hướng dẫn của các cơ quan quản lý.
Còn theo ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền thông VNPT - Media, VNPT đã sẵn sàng về hạ tầng cho triển khai Mobile Money. VNPT hiện có hơn 100.000 điểm bán trên toàn quốc có thể cung cấp ngay dịch vụ này.
“Muốn sử dụng Mobile Money, các thuê bao phải đăng ký, xác thực danh tính. VNPT cũng sẽ có giải pháp đảm bảo giữ tài khoản trong trường hợp khách hàng bị mất máy điện thoại hay bị hủy sim”, ông Hải cho hay.
Trên thực tế, từ cuối năm 2019, các nhà mạng như VNPT, Viettel, MobiFone cơ bản đã hoàn thiện các nền tảng để triển khai Mobile Money. Dịch vụ này được cho là sẽ tạo nguồn doanh thu mới trong bối cảnh doanh thu viễn thông truyền thống (thoại, SMS) tại Việt Nam liên tục đi xuống.
Thanh Hoa