Chắc hẳn các nông dân và những nhà sản xuất lúa gạo sẽ phải dành sự chú ý đến việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các công ty thành viên như Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) và CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC) cho ngừng nhà máy sản xuất phân Urê như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau từ nay đến hết tháng 5/2023 để nhường khí cho sản xuất điện trong cao điểm mùa khô.
Từ đề xuất nhường khí cho sản xuất điện…
Nhất là trong trường hợp các nhà máy đạm tạm ngừng sản xuất trong quãng thời gian như vậy có ảnh hưởng gì đến giá cả và sản lượng phân Urê hay không? Có ý kiến còn cho rằng đợt này nhu cầu phân Urê sụt giảm, giá lại đang giảm, tạm ngừng nhường khí cho sản xuất điện sẽ giảm sản xuất Urê tính ra cũng tốt.
“Bài toán hạ nhiệt” chi phí năng lượng với các nhà sản xuất phân Urê trong nước vẫn còn rất nan giải. |
Trong khi đó, thông tin đưa ra hôm 19/5 của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo – mã chứng khoán DPM, nhà sản xuất kinh doanh phân bón Phú Mỹ) cho biết Nhà máy Đạm Phú Mỹ sản xuất ổn định để đáp ứng tối đa nhu cầu chăm bón cho cao điểm vụ Hè Thu/mùa mưa của bà con nông dân. Sản lượng kế từ đầu năm đến nay đạt khoảng 480 ngàn tấn phân bón và hóa chất các loại, trong đó sản phẩm chủ lực Đạm Phú Mỹ đạt khoảng 273 ngàn tấn.
Vào tháng 5-6/2023, kế hoạch sản lượng sản xuất và kinh doanh của PVFCCo lần lượt là 180 ngàn tấn và 280 ngàn tấn phân bón, hóa chất. Với nhịp độ khẩn trương như hiện nay, công ty sẽ đáp ứng tốt nhất nhu cầu vụ Hè thu/mùa mưa.
Còn trên website của PVN hôm 20/5, liên quan đến đề xuất nêu trên của EVN, có cho rằng đối với các nhà máy đạm tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ sử dụng nguồn khí thiên nhiên làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất (không có nguyên liệu thay thế) kể từ năm 2006 đến nay.
Theo đó, nhu cầu tiêu thụ khí luôn duy trì ổn định ở mức khoảng 1,1 tỷ m3 khí mỗi năm cho 2 nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của đất nước. Việc lập kế hoạch cho nhu cầu sử dụng khí cũng như kế hoạch về bảo dưỡng, bảo trì các nhà máy đạm để tối ưu nguồn cung cấp khí được các bên phối hợp thực hiện và thống nhất tuân thủ theo các quy định chặt chẽ của các hợp đồng mua bán khí có cam kết dài hạn.
Không những vậy, chủ sở hữu của các nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau là các công ty cổ phần nên các hoạt động ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, các trường hợp dừng/giảm cấp khí dài hạn theo kế hoạch, đều phải được thông qua Đại hội đồng cổ đông của các công ty này trước khi thực hiện.
Theo PVN, việc dừng/giảm cấp khí ngoài kế hoạch cho các nhà máy đạm Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm phát sinh nhiều hệ lụy đến các bên liên quan và sẽ phụ thuộc vào sự chấp thuận, thiện chí, sự hợp tác chia sẻ của cổ đông các nhà máy đạm. Thêm nữa, việc dừng/giảm khí thiên nhiên của các nhà máy đạm cũng không giúp nhiều (gần 1%) cho việc đảm bảo vận hành hệ thống điện quốc gia
Từ đề xuất của EVN, có thể thấy vấn đề điện năng vẫn còn là mối bận tâm lớn đối với các nhà máy sản xuất phân Urê. Chưa kể, việc chi phí sản xuất tăng hay giảm đang phải phụ thuộc nhiều vào giá khí và giá điện. Như câu chuyện tăng giá điện 3% từ ngày 4/5/2023 được cho là gây ra tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh ở lĩnh vực này.
Cần lưu ý thêm, trong báo cáo mới phát hành trong giữa tháng 5/2023 về ngành phân bón từ Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán BVSC, có cho rằng biên lợi nhuận gộp của ngành này trong quý 1/2023 vừa qua sụt giảm (chỉ còn 12%, giảm 21 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước) do giá bán giảm mạnh hơn chi phí đầu vào.
Trong đó, nhóm DN sản xuất phân Urê là có tỷ suất lợi nhuận cao nhất ngành phân bón ở mức 16%. Còn nhóm DN sản xuất phân NPK và phân lân – DAP lần lượt có biên lãi gộp 7,3% và 12%.
…Đến dấu hỏi hạ nhiệt chi phí năng lượng
Theo BVSC, chi phí hoạt động của ngành phân bón trong quý 1/2023 chỉ giảm 12,8% so với năm 2023. Tỷ lệ chi phí hoạt động/doanh thu thuần ở mức 11%, cao hơn mức 8% của quý 1/2022. Điều này khiến lợi nhuận sau thuế của ngành phân bón giảm 91% so với năm trước – mức sụt giảm cao hơn rất nhiều so với mức sụt giảm của doanh thu thuần.
Nhận định riêng về nhà sản xuất phân Urê Đạm Phú Mỹ (DPM), chuyên gia phân tích của BVSC chỉ rõ giá bán và sản lượng kinh doanh các loại phân bón đều giảm trong quý 1/2023 (đặc biệt giá bán Urê giảm 44%) trong khi giá khí tăng so với cùng kỳ dẫn đến lợi nhuận quý 1/2023 giảm (DPM đã sử dụng 100% khí giá cao từ mỏ Cửu Long nên giá vận chuyển cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, tăng từ 2,2 USD/mmbtu trong quý 1/2022 lên 4,5 USD/mmbtu trong quý 1/2023).
Giới phân tích cũng đánh giá nguồn cung khí đầu vào của DN phân Urê này được đảm bảo. DPM cho biết nếu lượng khí từ mỏ khí giá rẻ Bạch Hổ và các mỏ khí giá cao ở bể Cửu Long không đáp ứng đủ nhu cầu trong giai đoạn 2023- 2025, phía PVN sẽ cho phép DPM dùng khí từ các mỏ khí ở bể Nam Côn Sơn. Tuy nhiên, phía BVSC ước tính giá khí đầu vào có thể tăng 10% so với cùng kỳ do DPM phải sử dụng nguồn khí giá cao từ mỏ Cửu Long.
Cần nhắc lại, những dự báo trước đây cho rằng năm 2023 sản lượng tiêu thụ Urê trong nước sẽ đạt 800 nghìn tấn (tăng 1,1% so với năm 2022) nhờ giá Urê hạ nhiệt, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ nội địa.
Dự báo này dựa trên giả định giá phân Urê về mức 9.800 đồng/kg do chịu áp lực giảm giá từ: Nguồn cung phân bón phục hồi giảm; chi phí năng lượng hạ nhiệt; và các chính sách thương mại kìm hãm giá phân Urê.
Thế nhưng với giả định “chi phí năng lượng hạ nhiệt” có lẽ đã không còn phù hợp khi mà giá điện đã tăng 3% và đang trong mối lo thiếu nguồn khí cho phát điện trong mùa khô tháng 5 và tháng 6/2023.
Quan sát về nhu cầu năng lượng của Việt Nam hiện nay, Giáo sư Bob Baulch (Đại học RMIT) nhận định hiện đang tăng ở mức từ 10% lên 12% hằng năm, cần phải được kiểm soát. Việc tiến tới tạo ra nhiều năng lượng tái tạo hơn cũng cần được đẩy mạnh.
Có thể thấy, giá điện và giá khí là chi phí nhiên liệu đầu vào trong sản xuất của các DN sản xuất phân Urê. Cho nên, một khi giá điện và giá khí tăng sẽ kéo chi phí sản xuất tăng theo, vừa ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của DN và vừa tăng thêm mối lo cho nông dân một khi giá Urê tăng cao hoặc khó kéo giảm.
Còn theo PVN, để duy trì cung cấp khí thiên nhiên dài hạn cho sản xuất điện và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thiết nghĩ các cơ quan cần xem xét, ban hành cơ chế phát triển nguồn điện chạy nền ổn định, an toàn cho hệ thống.
“Những quy định về vận hành hệ thống điện phù hợp với cơ chế cam kết mua khí thiên nhiên và chính sách giá điện hợp lý để giúp cho chủ đầu tư các nhà máy điện có thể yên tâm ký kết các hợp đồng mua khí dài hạn, nhất là khi các nguồn khí thiên nhiên giá rẻ trong nước ngày càng cạn kiệt và giá các nguồn LNG nhập khẩu ngày càng tang”, phía PVN lưu ý.
Nhìn chung, với lĩnh vực sản xuất phân Urê, giới chuyên gia có khuyến nghị là cần phải giải cho được “bài toán” giảm chi phí điện năng và sử dụng hợp lý, có kế hoạch khí thiên nhiên cho sản xuất điện, đạm. Có như vậy vừa giúp cho DN giảm chi phí sản xuất và vừa có giảm giá phân Urê một cách ổn định, sẽ giúp giảm áp lực về chi phí đầu vào cho những người trồng lúa.
Thế Vinh