Theo đó, Bộ Công Thương muốn giữ nguyên như cách điều hành hiện nay, tức sẽ có nhiều bộ ngành tham gia, trong đó Bộ Công Thương chủ trì cùng sự tham gia của Bộ Tài chính, các bộ khác theo chức năng quản lý Nhà nước với mặt hàng này. Tuy nhiên, sẽ làm rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành và bổ sung quy định thời gian điều chỉnh chi phí định mức rút xuống còn một quý một lần. Nếu trong quý biến động tăng, giảm từ 5% trở lên thì cho phép điều chỉnh ngay.
Bộ Công Thương muốn giữ nguyên như cách điều hành xăng dầu như hiện nay. |
Bộ Công Thương cho rằng, việc phân công phối hợp như vậy đã thực hiện từ nhiều năm, phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ, chức năng của từng bộ, ngành. Trong điều hành giá, Bộ Tài chính rà soát và hướng dẫn xác định các chi phí để công bố cho Bộ Công Thương tính toán giá cơ sở, đảm bảo giám sát, kiểm tra các chi phí chính xác, minh bạch và đúng chuyên môn.
Quan điểm ở lần dự thảo này của Bộ Công Thương đã thay đổi so với cách đây gần một tháng. Lúc đó, Bộ Công Thương đề nghị chuyển quyền điều hành sang đầu mối duy nhất là Bộ Tài chính để bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành đã được phân công.
"Quản lý điều hành giá về một đầu mối, và cũng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của Bộ Tài chính về lĩnh vực tài chính, do đó việc tính toán, hướng dẫn và công bố giá điều hành... sẽ chính xác theo chế độ hạch toán, kế toán", Bộ Công Thương nêu quan điểm khi đó.
Trước đề xuất trên, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết việc quyết định cơ quan làm đầu mối quản lý, điều hành giá xăng dầu do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định khi sửa đổi các Nghị định về kinh doanh xăng dầu.
Đề xuất chỉ trích lập và chi Quỹ Bình ổn khi giá xăng dầu tăng từ 10% và giảm từ 7% trở lên Tại dự thảo mới lần này, Bộ Công Thương đề xuất tiếp tục giữ công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để điều hành giá xăng dầu, tuy nhiên có sửa đổi theo hướng quy định nguyên tắc sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá cụ thể. Theo đó, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ can thiệp điều hành giá thông qua việc điều chỉnh mức trích lập, chi Quỹ Bình ổn giá khi giá xăng dầu công bố kỳ này so với kỳ công bố giá liền trước có biến động tăng từ 10% trở lên hoặc giảm từ 7% trở lên. Phương án này vừa đảm bảo Nhà nước có thể điều hành khi cần thiết nhưng giảm dần sự can thiệp của Nhà nước vào giá xăng dầu. Theo Bộ Công Thương, ưu điểm là Nhà nước duy trì được một công cụ điều hành khá linh hoạt, không phát sinh chi ngân sách và bộ máy vận hành, bảo đảm can thiệp bình ổn giá xăng dầu một cách hiệu quả, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Nhược điểm do Quỹ Bình ổn giá được hình thành dựa trên mức ứng trước trong giá xăng dầu khi giá thấp để bù vào giá khi giá xăng dầu tăng cao nên khi giá thế giới giảm, giá xăng dầu trong nước cũng được điều chỉnh giảm nhưng mức giảm không tương ứng (một phần giảm đã được trích vào Quỹ Bình ổn giá) dẫn đến những thắc mắc từ phía người tiêu dùng. |
Nhật Linh