Trước đây, mỗi ngày, chị Thanh Hương (Hà Nội) đều đi chợ gần nhà để mua thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu. Cuối tuần, cả gia đình sẽ cùng nhau đi siêu thị, trung tâm thương mại. Nay, chị đã bỏ hẳn thói quen trên để tránh bị nhiễm dịch bệnh Covid-19.
Chợ truyền thống giảm 50-80% doanh thu
Chị nói: "Thời gian này, tôi thường mua sắm online. Một số thực phẩm, hàng hóa được mua online qua các siêu thị lớn, nhưng cũng có mặt hàng được đặt qua trang bán hàng trên Facebook".
Người dùng ưa chuộng mua hàng trực tuyến |
Báo cáo tình hình cung ứng hàng hóa, Bộ Công Thương cho biết, hàng hóa được đưa về các chợ tương đối dồi dào, tuy nhiên do lo ngại về dịch bệnh nên sức mua tại các chợ giảm, người tiêu dùng tại các thành phố có xu hướng ưu tiên mua hàng tại các siêu thị hơn là tại các chợ. Sức mua tại chợ giảm khoảng 20-30% so với trước khi có dịch bệnh.
Đáng chú ý tại Hà Nội, do giá cả thực phẩm sau Tết tại các siêu thị ổn định và thấp hơn tại các chợ, nhu cầu mua sắm giảm nên lượng hàng hóa kinh doanh tại các chợ giảm 50-70%, doanh thu giảm 50 - 80% so với thời điểm không có dịch (chợ Đồng Xuân doanh thu giảm 60-80%, nhiều ki ốt đóng cửa, nguồn hàng về chợ gặp khó khăn).
Theo công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, dịch Covid-19 không những tác động đến hành vi chung mà còn đến cả việc mua sắm và các kênh ăn uống ngoài. Những cửa hàng hiện hữu bị tác động mạnh, với hơn 50% người dân đã giảm tần suất ghé thăm các siêu thị, cửa hàng tạp hoá và chợ truyền thống. Bên cạnh đó, 25% số người được hỏi nói rằng đã tăng cường mua sắm trực tuyến và giảm các hoạt động mua sắm bên ngoài.
Bộ Công Thương cũng đánh giá, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hiện nay, các hệ thống bán lẻ đều vắng khách hơn trước do khách hàng ngại đến nơi đông người, thương mại truyền thống (chợ truyền thống) chuyển sang hình thức thương mại hiện đại và mua sắm trực tuyến (bán hàng online, giao hàng tận nơi cho khách hàng), doanh thu từ thương mại điện tử của một số doanh nghiệp tăng từ 20-30%.
Trên các ứng dụng bán hàng online, theo báo cáo của Công ty An Việt, hiện nay, lượng đặt hàng qua sàn thương mại thực phẩm online (ubofood.com) tăng đột biến.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2019, kênh bán lẻ truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn, khoảng 83% ở lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng nhanh, trong khi kênh bán lẻ hiện đại chỉ chiếm khoảng 17%.
Tuy nhiên, nhiều khả năng thói quen của người dùng thay đổi vì dịch Covid-19 sẽ chia lại thị phần ngành bán lẻ, đặc biệt đây sẽ là cú hích để kênh bán lẻ online bứt tốc trong năm 2020.
Cú hích cho bán lẻ online
Để giữ chân khách hàng, nhiều siêu thị đã mở rộng kênh bán hàng online. Đại diện Saigon Co.op cho biết, kênh mua sắm qua điện thoại, qua website thương mại điện tử của doanh nghiệp này đã đón tiếp hàng triệu lượt tương tác mỗi ngày; đơn hàng thông qua kênh giao dịch trực tuyến tăng gấp 10 lần so với trước khi có dịch.
Bà Dương Thị Thanh Tâm, Phó Tổng Giám đốc Vincommerce (chuỗi siêu thị Vinmart và Vinmart+), chia sẻ: "Từ khi dịch bệnh xảy ra, khách hàng có nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao, nhiều thời điểm lượng đơn đặt hàng trực tuyến tăng tới 10.000 đơn/ngày. Chúng tôi đã tăng cường điều phối nhân sự tiếp nhận đơn và giao hàng tận nhà từ 2 - 5 tiếng. Việc thanh toán cũng linh hoạt như tại nhà, chuyển khoản, qua thẻ".
"Người Việt Nam hiện nay đang dành nhiều thời gian hơn trên mạng và mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Việc này tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đẩy mạnh chiến lược truyền thông kỹ thuật số và tạo nên những dấu ấn mạnh mẽ hơn trên thị trường trực tuyến”, ông Mohit Agrawal, Giám đốc Bộ phận Thấu hiểu hành vi người tiêu dùng (Nielsen Việt Nam), nhận xét.
Theo các chuyên gia, kinh doanh trực tuyến, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ đã trở nên phổ biến trước xu hướng tiêu dùng online tăng mạnh vì dịch Covid-19. Vì thế, các doanh nghiệp cần cơ cấu lại phương thức kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến. Các doanh nghiệp đã quan tâm tới kinh doanh trực tuyến sẽ càng quyết liệt hơn; còn các doanh nghiệp chưa thật mặn mà với bán hàng trực tuyến sẽ buộc phải chuyển hướng.
Đây cũng được xem là cơ hội để thương mại điện tử bứt tốc, thoát khỏi tình cảnh "đốt tiền" như lâu nay. Tuy nhiên, để giữ khách hàng lâu dài, các doanh nghiệp triển khai bán lẻ online cần phải thay đổi và cải thiện hơn nữa về chất lượng dịch vụ để gia tăng sự tín nhiệm của khách hàng. Tốc độ giao hàng cần nhanh hơn, hậu cần phục vụ phải chu đáo, cẩn thận và thiện chí hơn, nâng cao hơn trình độ sử dụng công nghệ của các nhân viên siêu thị khi thanh toán điện tử giúp khách hàng.
Thy Lê