Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, ông Tuấn Hà, CEO Vinalink, nhấn mạnh đây chính là sự sôi động của thương mại điện tử (TMĐT) năm 2019.
Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom) ước tính tốc độ tăng trưởng của TMĐT năm 2018 so với năm 2017 đạt trên 30%.
Bức tranh đa sắc kinh doanh online
Với điểm xuất phát thấp khoảng 4 tỷ USD vào năm 2015 nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng trung bình trong ba năm liên tiếp cao nên quy mô thị trường TMĐT năm 2018 lên tới khoảng 7,8 tỷ USD. Thị trường này bao gồm bán lẻ trực tuyến, du lịch trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, giải trí trực tuyến, mua bán trực tuyến các dịch vụ và sản phẩm số hóa khác.
Vecom tính toán, nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30%, tới năm 2020, quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD, cao hơn mục tiêu nêu trong kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020 với quy mô TMĐT bán lẻ (B2C) đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.
Theo báo cáo e-Conomy Sea 2018 của Google và Temasek, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam năm 2018 là 9 tỷ USD. Báo cáo cũng dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình của giai đoạn 2015-2018 là 25% và thị trường đạt 33 tỷ USD vào năm 2021. Nếu kịch bản này xảy ra, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam năm 2020 đứng thứ 3 châu Á, sau Indonesia (100 tỷ USD) và Thái Lan (43 tỷ USD).
Theo Báo cáo Chỉ số TMĐT 2019, năm 2018 vừa qua cũng đánh dấu sự tăng trưởng tốt của mô hình kinh doanh trên các mạng xã hội. Có thể thấy đây là hình thức hiệu quả với chi phí thấp đang được nhiều doanh nghiệp (DN) lựa chọn, điển hình là các DN vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh và cá nhân. Trong số các DN tham gia khảo sát, có tới 36% DN cho biết có bán hàng trên mạng xã hội (tăng 4% so với năm 2017).
Tương tự như các mạng xã hội, sàn TMĐT cũng là một kênh được coi là hiệu quả với chi phí phù hợp cho các DN vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh và cá nhân. Tuy nhiên, mức độ quan tâm cũng như ứng dụng của DN trên các sàn TMĐT trong vài năm trở lại đây lại chưa có sự tăng trưởng mạnh mẽ, trong số DN tham gia khảo sát vẫn dao động từ 11 đến 13% DN cho biết có kinh doanh qua sàn.
Có thể nói, vài năm vừa qua chứng kiến sự bùng nổ đầu tư vào các sàn TMĐT trong nước nhưng để thấy được hiệu quả cũng như tính ứng dụng trong DN chắc chắn sẽ cần một khoảng thời gian nữa.
Song song với sự bùng nổ của công nghệ thông tin nói chung và TMĐT nói riêng, ngày nay xu hướng đa kênh nền tảng mới là tâm điểm thu hút DN quan tâm nhiều hơn, người tiêu dùng thông minh đang thay đổi cách thức tìm kiếm và mua sắm từ những cách truyền thống sang những trải nghiệm mới tiện dụng hơn.
Tuy nhiên, Vecom cho biết, việc ứng dụng tốt các nền tảng di động vẫn chỉ dừng lại ở các DN lớn có quy mô, chiến lược và nguồn lực. Xét về tổng thể chung trong cả nước, đa số DN (đặc biệt là các DN vừa và nhỏ) vẫn chưa thực sự sẵn sàng cho sự thay đổi này.
Khảo sát chung trong cả nước, năm 2018 có khoảng 17% DN cho biết có website phiên bản di động, không có sự tăng trưởng nhiều trong vòng ba năm.
Tương tự với tỷ lệ DN có website phiên bản di động, tỷ lệ DN có ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động năm 2018 cũng chỉ chiếm 14% và không có sự thay đổi nhiều so với các năm trước.
75% DN tham gia khảo sát có ứng dụng bán hàng trên nền tảng di động cho biết Android vẫn là nền tảng họ quan tâm đầu tư phát triển ứng dụng bán hàng nhiều nhất, tiếp sau đó là iOS (45%) và Windows (45%), các số liệu này cũng tương đồng với tỷ lệ của năm 2017 (Android: 71%, iOS: 43%, Windows: 40%).
Thời gian trung bình lưu lại của khách hàng khi truy cập website TMĐT phiên bản di động hoặc ứng dụng bán hàng năm 2018 vẫn chưa cao, phản ánh mức độ hấp dẫn cũng như tính tiện dụng của các phiên bản di động chưa thực sự thu hút được khách hàng.
Mới có 18% DN tham gia khảo sát cho biết, thời gian trung bình lưu lại là trên 20 phút, đa số khách hàng vẫn truy cập 5-10 phút (chiếm 39%) và dưới 5 phút (chiếm 28%)…
Người bán hàng online Việt Nam sẽ phải cạnh tranh trực tiếp người bán hàng nước ngoài tại thị trường Việt Nam |
Cạnh tranh với khối ngoại
Trong thời đại bùng nổ của kinh tế số, không chỉ các sàn TMĐT cạnh tranh trực tiếp với nhau, mà còn là cạnh tranh giữa DN sản xuất, người bán hàng trong nước với DN sản xuất, người bán hàng nước ngoài.
Ông Tuấn Hà, CEO Vinalink, cho biết do có tốc độ tăng trưởng GDP cao nên thời gian vừa qua, các "đại gia" TMĐT như Amazon, Alibaba đang xem Việt Nam là đích ngắm đầu tư, cũng như nhiều nhà đầu tư ngoại mạnh tay rót vốn "thâu tóm" các sàn TMĐT nội, cơ hội cho TMĐT Việt Nam bùng phát.
Tuy nhiên, ông Hà lo ngại đây cũng là nguy cơ dẫn đến DN nhỏ, người bán hàng Việt Nam sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với DN, nhà bán hàng nước ngoài.
"Trong thế giới phẳng, mục tiêu của các "đại gia" TMĐT chính là đẩy các seller (người bán hàng) ở bên nước ngoài về Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với người bán hàng Việt Nam. Trong bối cảnh đó, người bán hàng, DN Việt Nam cần phải phát huy lợi thế của mình, cạnh tranh bằng dịch vụ chuyên nghiệp như rút ngắn thời gian giao hàng, chế độ hậu mãi, chăm sóc khách hàng đặc biệt. Đó là điều mà DN Việt Nam có thể chiến thắng, vì DN nước ngoài sẽ gặp bất lợi về khoảng cách địa lý".
Theo ông Đỗ Hữu Hưng, CEO công ty Interspace Việt Nam, TMĐT sẽ ngày càng phát triển và lớn mạnh. Các sàn TMĐT như Shopee, Adayroi, Tiki, Sendo… đang có mức tăng trưởng năm sau cao gấp 3 – 4 lần năm trước.
Trong khi đó, người tiêu dùng đang thay đổi hành vi mua sắm. Ngày xưa, họ ra cửa hàng để mua sản phẩm, giờ ra cửa hàng nhưng vẫn tìm kiếm trên mạng xem sản phẩm đó có chỗ nào bán rẻ hơn, người dùng trước đó trải nghiệm như thế nào. Đặc biệt sau khi sử dụng, nhiều người dùng còn chia sẻ trên mạng xã hội về sản phẩm đó.
Hành vi tiêu dùng thay đổi như vậy dẫn tới các hãng sản xuất lâu nay chỉ bán hàng trên sàn TMĐT hiện đang muốn bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng, giúp giảm thiểu chi phí, tăng trải nghiệm khách hàng, giúp DN nắm giữ được khách hàng tốt hơn. Do vậy, các DN Việt Nam cần chuyển dịch theo hướng này.
Bên cạnh đó, ông Hưng cũng cho rằng các DN Việt Nam cần chuẩn bị cho định hướng chiến lược của mình. Online không chỉ là kênh bán hàng, mà muốn bán hàng online tốt, DN phải chuyển hướng chiến lược của mình bằng cách online hóa tất cả hoạt động, bán sản phẩm phù hợp với online; chuẩn bị nguồn lực về công nghệ, con người, logistics…
Lê Thúy
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch Vecom Để kinh doanh TMĐT, hiện nay đã có môi trường pháp lý, tuy nhiên dường như các chính sách vẫn luôn đi sau sự phát triển về kinh tế. Cơ quan nhà nước cũng rất tích cực trong hướng bổ sung kịp thời và đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt các điều kiện để DN, startup kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT, nhưng hiện nay vẫn còn rất nhiều người bán hàng chưa đăng ký hoặc làm các thủ tục cần thiết mà vẫn tham gia bán hàng qua website… Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện các khung pháp lý về hoạt động TMĐT. Việc hoàn thiện khung pháp lý nhằm đảm bảo thúc đẩy phát triển TMĐT, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng cũng đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước. Bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc miền Bắc Neilsen Việt Nam Mỗi ngày, ước tính trung bình người Việt sử dụng 6,5 tiếng để truy cập internet, đây sẽ là cơ hội lớn cho TMĐT Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Tuy nhiên, để phát triển bền vững TMĐT, các DN không thể dựa mãi vào chính sách khuyến mãi, điều này sẽ rất khó giữ chân người tiêu dùng, thay vào đó cần cạnh tranh bằng hạ tầng, bằng chất lượng sản phẩm, bằng các phương thức giao hàng nhanh, tiện lợi, uy tín. |