Các chuyên gia cho rằng còn quá sớm để đánh giá về hiệu quả cho mô hình kinh doanh mới của Grab tại thị trường Việt Nam, song điều có thể nhìn thấy là doanh nghiệp này có một lợi thế từ nền tảng ứng dụng gọi xe với quy mô tiếp cận lớn hơn, chi phí thấp hơn và rủi ro cũng thấp hơn so với các công ty cho vay tiêu dùng ở Việt Nam, vốn vẫn dựa vào sức người cho việc thẩm định.
"Lấn sân" sang tài chính tiêu dùng
Ngay khi đổ bộ vào thị trường Việt Nam, nhiều người vẫn cho rằng Grab đang toan tính thâu tóm thị trường taxi công nghệ. Doanh nghiệp này đưa ra hàng loạt những ưu đãi về giá cước và đi kèm là những khuyến mãi rầm rộ. Vì vậy, chỉ một thời gian ngắn có mặt tại Việt Nam, Grab trở thành "nỗi ám ảnh" với các hãng taxi truyền thống.
Sau khi đã "lấy lòng" được đông đảo khách hàng, Grab mở rộng mô hình sang thanh toán tực tuyến và giao đồ ăn. Đặc biệt, mới đây, Grab phủ sóng sang kênh tín dụng tiêu dùng.
Những ngày vừa qua, tại các quán café, quán ăn, siêu thị… ở Hà Nội, người ta dễ dàng bắt gặp nhân viên tiếp thị của Grab đang nhiệt tình tặng quà, tư vấn, hướng dẫn khách hàng tham gia cài đặt các ứng dụng của Grab.
Khung cảnh ấy không khác gì Grab những ngày đầu vào Việt Nam khi các nhân viên Grab đến từng quán trà đá, mang theo những món quà nhỏ là phụ kiện điện thoại để thuyết phục các bác tài gia nhập sân chơi kinh tế chia sẻ của Grab.
Theo cập nhật từ ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Grab Financial Group Việt Nam, Grabpay by Moca triển khai tính năng thanh toán tại cửa hàng từ giữa tháng 1/2019. Tính đến nay, sau hơn hai tháng, tính năng này đã có mặt tại gần 1.500 cửa hàng ở các quận trung tâm tại Tp.HCM và Hà Nội.
Mới đây, anh Hoàng Tùng (một tài xế của Grab) nhận được tin nhắn về gói vay 30 triệu đồng cho 12 tháng từ Grab với mức lãi suất khá hấp dẫn là 2,92%/ tháng. Như vậy, nếu chấp nhận, anh sẽ trả lãi suất khoảng 36%/ năm cho gói vay mà Grab đề xuất, cao hơn các ngân hàng thương mại (thường có mức lãi suất trung bình từ 10 –25%/năm), nhưng thấp hơn rất nhiều mức 55 – 84%/năm của các công ty tài chính ở Việt Nam.
Các chuyên gia tài chính cho rằng không có gì lạ khi Grab tham gia lĩnh vực cho vay tiêu dùng ở Việt Nam. Theo số liệu từ Financial Times Confidential Research (FTCR), các khoản vay tiêu dùng của Việt Nam, không bao gồm vay thế chấp, chỉ đạt 23 tỷ USD trong năm 2017, tương đương gần 10% GDP cả nước.
Con số này khá thấp so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, điển hình như Thái Lan, nợ hộ gia đình bao gồm cả vay thế chấp tương đương gần 80% GDP.
Tài chính tiêu dùng là tham vọng mới của Grab |
Lợi thế nhờ công nghệ
Trong khi đó, Việt Nam đã gia nhập nhóm có thu nhập trung bình trong năm 2014-2016 với khoảng hơn 900.000 người chuyển từ nông thôn đến thành thị mỗi năm. Điều này dẫn đến tiêu dùng cá nhân (một thành phần của GDP) cao thứ hai trong khu vực Đông Nam Á với nhiều khoản chi tiêu cho mua ô tô, thiết bị gia đình, điện thoại thông minh, các hoạt động giải trí như du lịch.
Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, tín dụng tiêu dùng dù đang phát triển ở Việt Nam, song khách hàng cũng không dễ gì vay được ở các ngân hàng thương mại, chính vì thế nếu để lên bàn cân lựa chọn thì gói vay của Grab rõ ràng có lợi thế hơn.
Mức lãi suất thấp có được nhờ vào sự phổ biến của siêu ứng dụng Grab, nhưng điều đó không có nghĩa Grab dễ dãi trong việc cho khách hàng vay tiền, mà trên thực tế, doanh nghiệp này đánh giá thang điểm của từng khách hàng để cho vay.
Dựa vào nền tảng công nghệ có sẵn, cùng với việc tham gia thương mại điện tử cũng giúp Grab có thêm nhiều dữ liệu cho việc chấm điểm tín dụng người sử dụng.
Thông qua đó, công ty có thể chấm mức tín dụng dựa trên lịch sử giao dịch của hàng chục triệu người sử dụng bằng công nghệ, những khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ gọi xe Grab…
Quy mô tiếp cận lớn hơn, chi phí thấp hơn và rủi ro cũng thấp hơn là lợi thế của các công ty fintech như Grab so với các công ty cho vay tiêu dùng ở Việt Nam – vốn dĩ vẫn dựa vào sức người cho việc thẩm định.
Trước khi "lấn sân" sang lĩnh vực cho vay tiêu dùng tại Việt Nam, Grab đã hợp tác cùng công ty tín dụng Credit Saison (Nhật Bản) cung cấp dịch vụ cho vay trong khu vực Đông Nam Á, đánh dấu quá trình mở rộng lớn nhất của công ty vào dịch vụ tài chính.
Theo Reuters, công ty liên doanh Grab Financial Services Asia sẽ cung cấp các sản phẩm tài chính và tận dụng mạng lưới hàng triệu người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ của Grab, kết hợp với chuyên môn của Credit Saison về phân tích tín dụng và cho vay tiêu dùng.
Như vậy, có thể khẳng định rằng thanh toán trực tuyến và vay tiêu dùng ở Đông Nam Á mới là thị trường mà Grab nhắm đến ngay từ những ngày đầu thành lập. Vận chuyển chỉ là hình thức mà hãng này đến gần với các hoạt động tiêu dùng của người sử dụng trên nền tảng internet.
Thanh Hoa