Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi). Theo cơ quan này, sau gần 20 năm triển khai thi hành, chính sách phát triển thị trường điện lực nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước gắn với hoàn thiện quy hoạch, hoàn thiện các quy định điều kiện hoạt động điện lực.
Bộ Công Thương đề xuất sửa Luật Điện lực. |
Tuy nhiên, cũng theo Bộ Công Thương, các chính sách trong Luật Điện lực cần phải thay đổi nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển ngành điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Bộ Công Thương xây dựng dự thảo Luật Điện lực sửa đổi với 5 nhóm chính sách lớn, bao gồm: Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực; Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường; Quản lý vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện; Điều chỉnh phụ tải điện cùng vấn đề an toàn sử dụng điện, vận hành nhà máy thủy điện.
Về chính sách điện theo cơ chế thị trường, mặc dù Luật Điện lực đã tạo cơ sở pháp lý để cải cách giá điện, đảm bảo các chi phí sản xuất kinh doanh điện được tính đúng, tính đủ, nhưng trên thực tế vẫn còn tồn tại.
Hiện cơ chế điều chỉnh giá điện thực hiện theo Quyết định 24/2017 do Thủ tướng ban hành, điều chỉnh 6 tháng một lần trên cơ sở tính đúng, đủ các chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh của ngành điện. Tuy vậy, quá trình thực thi không diễn ra đúng như quy định này. Từ năm 2017 đến nay, giá điện được điều chỉnh 3 lần: năm 2017 tăng 6,08%, năm 2019 tăng 8,36% và tháng 5 vừa qua tăng 3%.
Theo Bộ Công Thương, việc điều chỉnh giá điện chịu nhiều sức ép của dư luận và có thể gây ảnh hưởng lớn tới tình hình kinh tế vĩ mô, nên cần phải được xem xét đánh giá tổng thể trên nhiều lĩnh vực. Vì vậy, Bộ Công Thương cho rằng quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện cần có tính pháp lý cao hơn so với quy định hiện hành để đảm bảo sự thống nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
“Để đảm bảo sự phù hợp với các quy định pháp luật khác, thống nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, cần thiết phải xem xét sửa đổi thẩm quyền trong việc ban hành cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tại Luật Điện lực theo hướng giao Chính phủ quy định” - Bộ Công Thương nêu quan điểm.
Thêm nữa, định hướng phát triển thị trường điện lực ở Việt Nam là mở ra cạnh tranh đối với khâu phát điện, sau đó là bán buôn điện và tiến tới là cạnh tranh bán lẻ điện. Theo đó, Dự thảo Luật Điện lực bổ sung quy định về chính sách giá điện, giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền. Việc thực hiện chính sách giá điện cho các đơn vị điện lực được thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng.
Dự thảo cũng nêu vấn đề phân cấp, phân quyền trong giá điện và hoạt động mua bán điện. Trong đó, giao Bộ Công Thương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình thực hiện và đối tượng áp dụng đối với giá điện hai thành phần; Chính phủ quy định chi tiết về mua bán điện với nước ngoài…
Thy Lê