Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị hàng Tết. Đơn cử như Công ty TNHH Thương mại, sản xuất Thuận Hương (Định Quán - Đồng Nai) đã lên kế hoạch sản xuất hàng Tết từ sớm, đang bắt đầu khởi động cho việc sản xuất hàng hóa cuối năm, chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Dự báo sức mua tăng
Dự kiến, sản lượng hàng hóa phục vụ thị trường dịp Tết của công ty Thuận Hương tăng khoảng 5-10% so với năm ngoái. Bên cạnh các sản phẩm trái cây truyền thống, năm nay, công ty có kế hoạch ra mắt thêm sản phẩm mới là hạt điều sấy.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất cho biết sẽ tăng sản lượng để phục vụ hàng Tết 2023. |
Ngay trong quý III/2022, Công ty CP Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan) đã chuẩn bị ngân sách hơn 700 tỷ đồng để dự trữ, sản xuất hàng Tết, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021. Theo kế hoạch, Vissan chuẩn bị 2.000 tấn thực phẩm tươi sống (chủ yếu là thịt heo, tăng 30% so với mức thực hiện Tết Nhâm Dần 2022) cùng 4.200 tấn thực phẩm chế biến - tăng 10%.
Vissan dự báo, tăng trưởng tiêu dùng trong quý IV sẽ rất tốt do Tết cổ truyền gần với Tết Dương lịch cũng là một động lực kích thích sức mua trong những tháng tới.
Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan khẳng định: Doanh nghiệp đang cố gắng chuẩn bị nguồn nguyên liệu để tham gia bình ổn giá, đảm bảo chất lượng và không bị lỗ, còn người tiêu dùng mua với mức giá không biến động cao. Đặc biệt, thời gian qua, Chính phủ có giải pháp hỗ trợ thuế, phí kéo giảm giá xăng dầu là yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Mới đây, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cũng công bố số lượng hàng hóa lương thực, thực phẩm dự kiến phục vụ cho tháng Tết Quý Mão 2023 với gần 40.000 tấn. Trong đó, lương thực 5.253 tấn, đường 2.031 tấn, dầu ăn 2.356 tấn, thịt gia súc 5.603 tấn, thịt gia cầm 8.481 tấn, trứng gia cầm 54,4 triệu quả, thực phẩm chế biến 1.485 tấn, rau củ quả 9.255 tấn, thủy hải sản 297 tấn và gia vị 1.600 tấn.
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết trong tháng 10 và 11, Sở Công Thương cùng các sở ngành sẽ làm việc với các doanh nghiệp nắm lại kế hoạch sản xuất, chuẩn bị số lượng hàng hóa. Ngoài ra, nguồn hàng dự trữ và các khó khăn trong khâu chuẩn bị sẽ được giải quyết triệt để nhằm đảm bảo thực hiện đúng và đầy đủ số lượng theo kế hoạch.
"Bên cạnh đó, TP.HCM còn có kế hoạch tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu với các tỉnh, thành để giới thiệu hàng mới, các hàng đặc sản, tiềm năng, có chất lượng, giá cả phù hợp, dự kiến sẽ tổ chức vào trung tuần tháng 11", ông Phương thông tin.
"Căng mình" bình ổn giá hàng hóa
Thực tế những kỳ vọng về sức mua của doanh nghiệp là hoàn toàn có cơ sở, khi thị trường tiêu dùng, doanh thu bán lẻ cũng đang phục hồi mạnh mẽ sau thời gian chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2022 ước đạt 4.170,2 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 5%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 16,8% (cùng kỳ năm 2021 giảm 6,6%). Trong đó, quý III/2022 đạt 1.450,4 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8% so với quý trước và tăng 41,7% so với cùng kỳ năm trước.
Khảo sát của TikTok cho thấy, có tới 77% người dùng được hỏi sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho Tết 2023. Trong đó, có hơn 3/5 người dùng TikTok được hỏi cho biết sẽ bắt đầu mua sắm ít nhất 4 tuần trước khi dịp lễ chính thức bắt đầu. Sự biến động của nền kinh tế, đặc biệt là chỉ số giá tiêu dùng trong thời gian gần đây cũng là yếu tố khiến người tiêu dùng lên kế hoạch chuẩn bị sớm cho việc mua sắm và chi tiêu phù hợp cho Tết.
Đặc biệt, dù 74% người dùng TikTok được khảo sát trả lời rằng họ ưa thích mua sắm Tết ở các cửa hàng, siêu thị nhưng vẫn có đến 55% người được hỏi tiếp tục duy trì thói quen mua sắm trực tuyến các mặt hàng phục vụ cho Tết 2023 trên các chợ online. Đây cũng là kênh bán hàng mà đa phần các doanh nghiệp đang nhắm đến để tăng doanh số trong dịp Tết sắp tới.
Mặt khác, năm nay do giá cả nguyên liệu tăng cao nên để tạo lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp buộc phải tăng thêm chương trình khuyến mãi hoặc cố gắng hạn chế thấp nhất mức tăng giá sản phẩm đầu ra để kích cầu tiêu dùng.
Theo đại diện Công ty Vissan, dưới tác động của nhiều yếu tố, người tiêu dùng vẫn đang có xu hướng tiết kiệm chi tiêu và quan tâm nhiều đến giá cả hàng hóa. Vì vậy, để bán được hàng, từ nay đến cuối năm, công ty sẽ duy trì các hoạt động khuyến mãi theo hình thức cuốn chiếu. Các mặt hàng thực phẩm chế biến sẽ luân phiên được giảm giá đến 25%, thực phẩm tươi sống cũng sẽ luân phiên giảm giá nhưng ở mức thấp hơn.
Tương tự, ông Trần Văn Hải, Giám đốc Nhà máy sản xuất của Công ty CP thực phẩm GC cho hay sẽ mở rộng cung ứng đối với thị trường trong nước. Nhà máy đã đầu tư nâng cấp, cải tiến công nghệ, máy móc để chủ động cho đợt sản xuất hàng Tết, nâng cao công suất. Một trong những vấn đề của đợt sản xuất Tết là giá cả nhiều nguyên liệu đầu vào tăng khoảng 20%, Công ty sẽ nỗ lực cân đối chi phí vận hành để giữ giá đầu ra.
Đại diện Công ty Thuận Hương cho biết, năm nay, giá nhiều nguyên liệu đầu vào tăng khoảng 10-15% so với cùng kỳ năm ngoái do những biến động từ thị trường, chi phí vận tải, nhân công. Điều này khiến cho Công ty phải cân đối lại các chi phí vận hành để giữ giá đầu ra ổn định. Công ty sẽ kết nối sớm với các siêu thị, trung tâm thương mại, xây dựng kế hoạch đưa sản phảm lên các sàn thương mại điện tử để chủ động thị trường đầu ra cho sản phẩm trong những tháng cuối năm và dịp Tết sắp tới.
Thy Lê