Tết Nguyên đán 2020 diễn ra sớm hơn các năm, chỉ cách dịp Tết Dương lịch chưa đến một tháng, nên công tác chuẩn bị cũng như mua sắm hàng hóa sẽ sôi động vào thời điểm cuối tháng 12/2019.
Để chuẩn bị cho dịp lễ lớn nhất trong năm này, Bộ Công Thương vừa ban hành chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Quà Tết mở màn mùa vụ
Tính đến thời điểm hiện tại, trên các website, trang mạng xã hội, trang mua sắm online..., nhiều bài đăng có tiêu đề “giỏ quà, hộp quà Tết 2020”, “gợi ý giỏ quà Tết 2020”, “xu hướng chọn quà Tết 2020”... đang được các doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh quảng cáo.
Hiện, các giỏ quà đang được đăng bán với giá dao động từ hơn 900.000 đồng đến dưới 3 triệu đồng được trình bày đẹp mắt và đầy đủ theo đúng yêu cầu cũng như thẩm mỹ của khách hàng.
Bắt kịp xu hướng kinh doanh, các chủ cơ sở kinh doanh rượu cũng đã bắt đầu cập nhật bảng giá rượu ngoại nhập Tết 2020. Giá cả của các loại rượu trung bình từ 1.500.000 đồng đến hàng trăm triệu đồng tùy vào từng thương hiệu.
Thậm chí, đã có cơ sở đăng tuyển nhân viên thời vụ gói quà Tết từ bây giờ do lo ngại quá tải khi vào đúng vụ.
Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm cao cấp, có tên tuổi thì hòa chung không khí chuẩn bị hàng bán Tết, các sản phẩm mứt trái cây được đóng sẵn vào khay hoặc hộp với trọng lượng tùy theo yêu cầu của khách hàng cũng đang được bán tràn lan trên thị trường quà Tết lẫn trên mạng.
Giá của các hộp mứt này chỉ dao động từ 15.00-25.000 đồng/ hộp/khay tùy vào trọng lượng với hàng chục loại trái cây khác nhau như kiwi, cherry, hồng sấy dẻo, nho, mận... Theo một đầu mối bán buôn tại Hàng Buồm (Hà Nội), các hộp mứt này đều được làm bằng trái cây... cao cấp(?).
Không chỉ bán theo khay/hộp, các đầu mối còn phân phối lẻ các loại trái cây sấy khô này theo kg với giá chỉ vài chục nghìn đồng/kg. Có thể kể đến như: sấu xào gừng, mận cơm cay, mận cơm ngọt có giá 45.000 đồng/ kg; đào bổ: 70.000 đồng/ kg; chà là: 45.000 đồng/ kg; cherry đỏ, cherry xanh: 58.000 đồng/kg; các loại mứt xí muội hồng, vàng, đen, xanh: 67.000 đồng/kg; mứt bí: 35.000 đồng/kg; táo tàu loại 1: 60.000 đồng/kg, kiwi: 100.000 đồng/kg…
Theo các nhà phân phối, khách càng lấy nhiều thì giá càng rẻ và có nguồn gốc từ Trung Quốc, màu sắc của các loại mứt trái cây này đều khá sặc sỡ. Đặc biệt, các chủ hàng tại con phố “bánh kẹo” Hà Nội đều khẳng định mứt có hạn sử dụng rất dài, để từ nay qua Tết Nguyên đán vẫn không lo thối hỏng(?).
Nhiều website đã đăng bán những giỏ quà phục vụ Tết 2020 |
Cân đối cung cầu
Các chuyên gia y tế khuyến cáo người tiêu dùng nên cảnh giác khi mua những loại mứt trái cây có màu sắc sặc sỡ, nguồn gốc không rõ ràng để đảm bảo sức khỏe của chính bản thân và gia đình.
Để tránh tình trạng mất cân đối cung cầu dịp Tết, chỉ thị của Bộ Công Thương đã đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn để chủ động có phương án cụ thể, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết, thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường.
Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố hỗ trợ, kết nối các DN sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong, sau Tết...
Đối với các đơn vị sản xuất, Bộ Công Thương đề nghị chủ động có kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết.
Trước đó, Sở Công Thương Hà Nội đã có số liệu ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết 2020 trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 31.200 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2019).
Số lượng một số mặt hàng chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết năm 2020 gồm gạo 191.400 tấn, thịt lợn 44.600 tấn, thịt gia cầm 14.800 tấn, thịt bò 12.306 tấn, trứng gia cầm 260 triệu quả, rau củ 247.400 tấn rau củ, thực phẩm chế biến 12.800 tấn, thủy hải sản 11.364 tấn, nông lâm sản khô khoảng 3.500 tấn; 3.000 tấn bánh mứt kẹo, 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát, 200.000m3 xăng dầu và các mặt hàng về may mặc, điện máy.
Cùng với Hà Nội, hầu hết các địa phương, các kênh bán lẻ trên địa bàn cả nước cũng đã lên kế hoạch chuẩn bị hàng Tết nhằm giúp thị trường ổn định và giá cả không có biến động lớn.
Vân Linh