Cụ thể, Thông báo số 513260, có mã tham chiếu 2021.5972 ngày 4/11/2021 về thu hồi sản phẩm thịt gà có nguồn gốc từ Ba Lan tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Theo đó, sản phẩm thịt gà và các bộ phận bao gồm chân, cổ và cánh... đông lạnh. Mức độ rủi ro nghiêm trọng. Mối nguy: Salmonella enteritidis được phát hiện ở 2 trong số 5 mẫu.
Một lô hàng thịt gà có ngồn gốc từ Ba Lan bị nhiễm Salmonella enteritidis (Ảnh: minh họa). |
Thứ hai là thông báo số 514160, có mã tham chiếu 2021.6120 ngày 9/11/2021 về thu hồi sản phẩm thực phẩm bổ sung có nguồn gốc từ Cộng hòa Liên bang Đức tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.
Sản phẩm bị thu hồi là thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung và thực phẩm tăng cường. Thị trường tiêu thụ: Việt Nam. Mức độ rủi ro nghiêm trọng. Lô hàng số: L02028020/01; khối lượng: 291,914 kg; Nhà sản xuất: Vital Products GmbH; địa chỉ: Zur ehemaligen Porzellanfabrik 2, 95652 Waldsassen, Đức.
Người nhận lô hàng thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung và thực phẩm tăng cường của Đức là Công ty Vimidu Vina Co., LTD; địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà 21T2, số 1 đường Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội, Việt Nam. Mối nguy: Phát hiện dư lượng 2-Chloroethanol: 8,5 mg/kg.
Văn phòng SPS Việt Nam thông báo đề nghị các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo rà soát, kiểm tra theo quy định.
Theo Cục Thú y, 8 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 214,4 nghìn tấn thịt các loại (gồm có 112,7 nghìn tấn thịt lợn, chiếm 3,6% tổng sản lượng thịt lợn; 41,4 nghìn tấn thịt trâu bò và 60,3 nghìn tấn thịt gia cầm).
Cục Thú y cho biết các loại thịt gia súc, gia cầm từ các nước vào Việt Nam đều được kiểm soát dịch bệnh và vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm chặt chẽ theo đúng quy định của Việt Nam và Tổ chức Thú y thế giới.
Trong đó, tất cả các lô hàng thịt nhập khẩu vào Việt Nam đều được lưu giữ ở khu vực cửa khẩu nhập và được các cơ quan thú y cửa khẩu kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.
Thy Lê