Ông Nguyễn Văn Tiến, chủ trang trại Nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến (xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận), cho biết năm 2018, ông lập trang trại sản xuất các loại rau hữu cơ, chăn nuôi gia súc, gia cầm sạch. Tuy nhiên, do thiếu nguồn điện sản xuất nên phải tự bỏ tiền đầu tư gần 3km đường dây 22kV để đưa điện lưới về trang trại phục vụ sản xuất.
Chưa có quy định cụ thể
Để hưởng ứng chủ trương phát triển điện mặt trời của Chính phủ và địa phương, đồng thời tận dụng nguồn tài nguyên mặt trời vô tận, gia tăng lợi ích giá trị kinh tế cho trang trại và người lao động nên đơn vị này đã đầu tư lắp đặt những tấm quang điện trên hệ thống nhà xưởng, khu nhà ươm, lối đi, sân che nắng... vừa để lấy điện phục vụ tưới tiêu, vừa có nguồn thu nhập từ sản lượng điện thừa.
Quy định về điện mặt trời mái nhà vẫn chờ hướng dẫn (Ảnh: TL) |
Đến nay, toàn bộ trang trại đã đầu tư và đưa vào vận hành 12 dự án điện mặt trời, tuy nhiên chỉ có 2 dự án được ký hợp đồng với Công ty điện lực Ninh Thuận, còn 10 dự án chỉ được gắn đồng hồ, ghi nhận sản lượng điện phát lên lưới.
Theo ông Tiến, mặc dù đã gửi nhiều văn bản kiến nghị cùng các giải pháp cụ thể cho ngành điện, Bộ Công Thương nhưng đến nay vẫn chưa được ký hợp đồng mua bán điện.
Tương tự, Công ty TNHH MTV Thương mại tổng hợp CAS (tỉnh Ninh Thuận) cho hay, công ty đã bị chậm trễ ký kết hợp đồng mua bán điện và thanh toán hơn 1 năm qua, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong phát triển điện mặt trời mái nhà.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 7 tháng đầu năm 2020, trên toàn quốc đã lắp đặt 19.810 dự án điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 541,66MWp. Lũy kế đến nay đã có 42.187 dự án điện mặt trời mái nhà được đưa vào vận hành với tổng công suất 925,8MWp. Tổng số tiền điện đã thanh toán cho khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà là 374,2 tỷ đồng.
EVN cho biết vướng mắc lớn nhất hiện nay là định nghĩa công trình xây dựng và cơ sở xác định thế nào là điện mặt trời mái nhà. Bởi thực tế, nhiều dự án điện mặt trời công suất dưới 1MW đang được đầu tư theo mô hình trang trại nông nghiệp. Mô hình này sử dụng các tấm pin quang điện lắp trên khung giá đỡ nằm trên đất vườn, đất nông nghiệp với mục đích chính là để sản xuất điện mặt trời nhằm hưởng giá bán điện dành cho điện mặt trời mái nhà.
Gỡ khó cách nào?
Hoặc một số công trình dùng chính tấm pin làm mái che và lắp đặt cách nhau một khoảng hở để lấy ánh sáng cho phù hợp với vật nuôi, cây trồng bên dưới. Sau đó lắp bổ sung các tấm lợp bên dưới xà gồ để được công nhận là điện mặt trời mái nhà.
Hiện nay, hình thức tấm mái rất đa dạng, như mái tôn, mái nhựa, lưới, bạt nilon... Ngoài ra, cách thức lợp mái cũng nhiều kiểu (trên, dưới xà gồ...), trong khi các quy định để xác định thế nào là mái nhà chưa cụ thể.
EVN cũng cho biết có một số hệ thống điện mặt trời mái nhà được đầu tư theo cụm có tổng công suất trên 1MW tại cùng một địa điểm của một chủ đầu tư và đấu nối tại một điểm hoặc nhiều điểm. Do đó, EVN đề nghị xác định trường hợp này có được xem là điện mặt trời mái nhà hay không.
Theo đó, EVN kiến nghị Bộ Công Thương cần có hướng dẫn các tiêu chí xác định cụ thể để phân biệt giữa hệ thống điện mặt trời mái nhà và hệ thống điện mặt trời nối lưới để xác định giá mua bán.
Với các trường hợp trang trại nông nghiệp có lắp đặt điện mặt trời với tổng công suất trên 1MW, EVN đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn thủ tục, trình tự thực hiện lắp đặt, thỏa thuận đấu nối, nghiệm thu an toàn...
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, các hệ thống điện mặt trời mái nhà đi vào vận hành sẽ góp phần giải quyết khó khăn trong việc cung ứng điện thời gian tới. Tuy nhiên, quá trình phát triển điện mặt trời mái nhà trong thực tiễn xuất hiện những khó khăn, vướng mắc. Bộ Công Thương sẽ rà soát và sớm có văn bản hướng dẫn để EVN và các đơn vị thực hiện.
Với những dự án điện mặt trời mái nhà mới, chỉ thỏa thuận đấu nối với các hệ thống ở những khu vực có khả năng giải tỏa công suất. Với những dự án đã triển khai và không trái với quy định thì tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai.
Thy Lê