Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, sản lượng điện sản xuất từ năng lượng lượng tái tạo huy động đạt 5,41 tỷ kWh, trong đó điện mặt trời đạt 4,71 tỷ kWh, tăng gấp 5,35 lần so với cùng kỳ năm 2019. Điều này dẫn tới nguy cơ quá tải hệ thống truyền tải.
Quá tải đường truyền tải
Ông Nguyễn Hải Vinh, Phó Tổng giám đốc CTCP Năng lượng tái tạo BIM cho biết, công ty đã đầu tư vào điện mặt trời tại Ninh thuận được 15 năm và với tư duy khi có tiềm năng lớn thì phải làm to, như vậy mới có giải pháp đấu nối tốt hơn.
Nhiều dự án điện mặt trời phải cắt giảm công suất vì hệ thống đường truyền tải bị quá tải (Ảnh: TL) |
Tại thời điểm BIM bắt đầu tiến hành đầu tư dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận, chưa có dự án nào đấu nối lên lưới truyền tải, chỉ dừng ở lưới 110 kV. Lúc đó, doanh nghiệp này cho biết, đã tiến hành nghiên cứu kỹ là đấu nối lên lưới 220 kV hay 500 kV. Sau đó, doanh nghiệp phát triển dự án lớn lên đến 300 MW, đấu nối vào lưới 220 kV và chưa xảy ra tình trạng bị cắt giảm công suất.
Tuy nhiên, theo ông Vinh, đặc điểm của những địa phương có điều kiện thuận lợi nắng gió để phát triển năng lượng tái tạo như Ninh Thuận thường là nơi có kinh tế kém phát triển, hạ tầng rất yếu kém. Trong khi đó, khi có các nhà máy điện mặt trời, điện gió đặt ra yêu cầu hạ tầng phải đáp ứng đầy đủ. Thời gian gần đây, đặc biệt là năm 2019, có một loạt dự án điện mặt trời nối lưới dẫn tới trình trạng quá tải lưới điện. BIM có một phần dự án nằm trong số đó.
Theo báo cáo của tỉnh Ninh Thuận, 10/18 dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh phải giảm 60% công suất do quá tải hệ thống đường truyền tải điện.
"Rõ ràng chúng ta đều thấy phát triển điện mặt trời là rất cần thiết nhưng đi cùng với đó là phải đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải để tránh tình trạng khi đang đi xe đạp trên đường làng thì được nhưng khi có ô tô bắt buộc phải đi ra đại lộ, cao tốc", ông Vinh chia sẻ.
Không chỉ Ninh Thuận, tình trạng này cũng xảy ra tại Phú Yên. Chưa đầy 1 năm nhưng tại huyện miền núi Sơn Hòa và Sông Hinh có rất nhiều dự án điện mặt trời áp mái được lắp đặt, dẫn tới dư thừa công suất, không còn khả năng đấu nối do trạm biến áp 110 kV Sơn Hòa đang bị quá tải.
Giải tỏa công suất thế nào?
Về vấn đề này, bà Trần Hương Thảo, Giám đốc khu vực miền Bắc SolarBK, kiến nghị cần có những giải pháp xây dựng lưới truyền tải để giải quyết đầu ra cho điện mặt trời, có thể áp dụng thêm công nghệ mới như lưới điện thông minh.
Hiện nay, lưới điện thông minh khá phổ biến trên thế giới và đang từng bước phát triển ở Việt Nam. Áp dụng phương án này có nhiều lợi ích cho cả đơn vị quản lý cũng như người tiêu dùng. Với khách hàng, lưới điện thông minh giúp giám sát được lượng điện năng tiêu thụ của từng thiết bị, quản lý lượng điện tiêu thụ của gia đình, cơ sở kinh doanh. Với các công ty điện lực, lưới điện thông minh giúp nâng độ tin cậy cung cấp điện, giảm chi phí vận hành.
Phản hồi về những khó khăn của doanh nghiệp, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay khi hoàn thiện nội dung Quy hoạch điện VIII, Bộ này cũng đang nghiên cứu các phương án như pin tích trữ năng lượng… để đưa vào trong khi chờ xây dựng hệ thống truyền tải.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, hiện nay, tỉnh Ninh Thuận thực sự trở thành trung tâm năng lượng của cả nước với gần 3.000 MW điện mặt trời và gần 1.000 MW điện gió, song vẫn còn hơn 675 MW điện mặt trời chưa giải toả được công suất. Vấn đề này là do chưa đồng bộ quy hoạch với việc phát triển đột biến, đây là trách nghiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc chậm bổ sung, phê duyệt các dự án truyền tải.
Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa nhận: Đây là bài học rút kinh nghiệm để báo cáo Chính phủ trong thời gian tới để tiếp tục có giải pháp cho các tư nhân tiếp tục đầu tư các dự án truyền tải để giải toả công suất. Đây là giải pháp quan trọng để không chỉ Ninh Thuận, Bình Thuận mà còn các địa phương như Gia Lai, Quảng Trị... phát triển nguồn năng lượng và giải toả công suất.
Thy Lê