Việt Nam được đánh giá là một nước đang phát triển với nhu cầu năng lượng tăng cao, trong đó các ngành công nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải là các lĩnh vực tiêu thụ năng lượng chính.
Trong 10 năm trở lại đây, tỷ lệ tiêu thụ điện và kết nối lưới điện đã tăng gấp đôi và dự báo nhu cầu năng lượng tới năm 2035 sẽ cao gấp 2,5 lần so với năm 2015. Để đảm bảo cung ứng đủ điện cần phải tập trung phát triển nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời.
Mới làm đã tính... đánh thuế
Theo báo cáo nghiên cứu các kịch bản phát triển nguồn điện của Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, Việt Nam có tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời khá tốt, đặc biệt là khu vực phía Nam. Bức xạ mặt trời trung bình ở khoảng 5-5,5kWh/m2/ngày, tương đương với Thái Lan – quốc gia có tỷ lệ sử dụng năng lượng mặt trời tăng mạnh trong những năm qua.
Tại tọa đàm nhìn lại một năm thực hiện Nghị quyết 11 và Thông tư 16 về phát triển điện mặt trời ở Việt Nam ngày 22/8, Bộ Công Thương cho biết, về trang trại điện mặt trời, 100 dự án đã được bổ sung vào quy hoạch điện cấp tỉnh, cấp quốc gia. Trong đó, tổng công suất đăng ký là 4.7 GW vào năm 2020 và 1.770 MW sau năm 2020; 58 dự án đã được phê duyệt bởi Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) về thiết kế cơ sở; 9 dự án đã ký được hợp đồng mua bán điện.
Về các dự án trên mái nhà, tính đến cuối tháng 7/2018 đã có 748 dự án với tổng công suất 11.55MWp.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ninh Hải, Phó Trưởng phòng Năng lượng mới và năng lượng tái tạo (Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo), cho biết vẫn còn nhiều vướng mắc về cơ chế hỗ trợ phát triển điện mặt trời.
Cụ thể, đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà, hiện xuất hiện vướng mắc do mâu thuẫn với các quy định về thuế, thiếu các quy trình đấu nối, các chứng nhận về inverter…
Khó khăn lớn nhất hiện nay, theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) – cơ quan điều phối Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, là lộ trình điều chỉnh và thực hiện chính sách giữa các bộ ngành.
Ví dụ, Bộ Công Thương đã có hướng dẫn thủ tục hợp đồng mẫu, thủ tục đấu nối nhưng điện mặt trời vướng câu chuyện thuế VAT mà chỉ Bộ Tài chính mới có thể giải quyết, đồng thời quy định pháp luật về điều kiện để các hộ gia đình tham gia sản xuất, trao đổi và kinh doanh điện khá rắc rối… Đây không chỉ là câu chuyện của Bộ Công Thương, mà còn là trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ KH&CN và Bộ Xây dựng.
Từ thực tiễn triển khai lắp đặt dự án điện mặt trời trên mái nhà, Ts. Lê Anh Tuấn (Đại học Cần Thơ) chia sẻ, với chi phí đầu tư khoảng hơn 100 triệu đồng cho 6 tấm pin mặt trời lắp trên mái, gia đình có thể sử dụng điện 20-25 năm, tiết kiệm khoảng 1,5 triệu đồng tiền điện/ tháng, số điện dư thừa có thể đăng ký bán lại cho điện lực.
Tuy nhiên, do lượng điện dư thừa bán ra không nhiều, vì vậy nếu đánh thuế sẽ làm người dân ngần ngại đầu tư phát triển điện trên mái nhà, chưa kể phải thực thi nhiều thủ tục rắc rối.
Thậm chí có ý kiến cho rằng việc người dân mới bắt đầu lắp điện mặt trời mà tính tới thu thuế giống như "mua một con bê tính tới chuyện vắt sữa".
Tốc độ tăng trưởng điện mặt trời ở Việt Nam đang khá chậm chạp so với thế giới |
Chính sách phải đi trước
Đại diện CTCP Công nghệ Điện Sạch lo ngại, nếu như những vướng mắc về tính thuế giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương chưa được tháo gỡ, chính sách chưa chính thức và thống nhất sẽ không ai muốn làm.
Ngoài ra, nhiều người vẫn ngại đầu tư năng lượng mặt trời vì giá thành cao, quản lý phức tạp…
Ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đánh giá, tốc độ tăng trưởng điện mặt trời ở Việt Nam đang phát triển khá chậm chạp, chỉ bằng 50% so với tốc độ tăng trưởng của thế giới.
Cơ chế phát triển điện mặt trời đã được Thủ tướng phê duyệt với những chỉ đạo quyết liệt nhưng thời gian qua chưa đạt được như mong đợi do nguồn nhân lực còn thiếu và yếu từ quản lý nhà nước, khảo sát, thiết kế tới vận hành các dự án.
Đặc biệt, khi thực hiện các dự án, năng lực tài chính của doanh nghiệp (DN) Việt Nam còn yếu, nhiều dự án được các quốc gia phát triển của EU, Mỹ tài trợ kèm theo điều kiện mua thiết bị xuất xứ từ các quốc gia đó, thường thiết bị có giá cao hơn giá tính toán phê duyệt giá điện mặt trời. Vì vậy, nhiều DN cho biết, hiệu quả không đạt được như mong muốn, nên có nhiều ý kiến đề xuất tăng giá bán điện mặt trời.
Ts. Lê Anh Tuấn kiến nghị Chính phủ cần có chính sách khuyến khích giảm, miễn thuế khi người dân bán điện mặt trời, điều này sẽ thúc đẩy để người nghèo có thể tham gia đầu tư.
"Chính sách phải tiếp tục cải thiện. Vì vậy, Bộ Công Thương cần trình Chính phủ về những vướng mắc trên để có giải pháp điều chỉnh, phát triển điện mặt trời nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung", ông Tuấn khẳng định.
Theo bà Ngụy Thị Khanh, để điện mặt trời phát triển cần có lộ trình chính sách rõ ràng, đưa ra mốc thời gian có tính khả thi cho nhà đầu tư, cơ quan các cấp thực hiện. Ở Việt Nam có nhiều mắt xích liên quan giữa các bên đòi hỏi sự phối hợp, hỗ trợ với nhau.
Tiếp đó, cơ chế hỗ trợ giá mang tính kích thích ban đầu nhưng không phải là cơ chế duy nhất, mà cần xem xét cơ chế khác như đấu thầu hoặc đưa ra hạn mức tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng tiêu dùng.
Góp ý thêm, ông Trần Hồng Kỳ, đại diện Ngân hàng Thế giới, đặt vấn đề về việc quan tâm tới phát triển điện mặt trời: Nếu hỏi tổng số hộ gia đình ở một quận, một phường, một xã có lẽ cơ quan quản lý nắm rõ, nhưng nếu hỏi có bao nhiêu mái nhà chắc chắn nhiều cơ quan khó trả lời. Cũng như, nếu ra ngân hàng vay vốn ở những lĩnh vực kinh doanh thông thường sẽ dễ hơn nhiều so với việc muốn vay để lắp đặt thiết bị điện mặt trời.
"Mọi người hiểu cơ hội đầu tư phát triển điện mặt trời nhưng quan trọng hơn là chính sách hỗ trợ thế nào. Hiện chưa biết hiệu quả đến đâu nhưng kinh phí đầu tư lớn, người dân và DN chắc chắn sẽ e ngại", ông Kỳ chia sẻ.
Lê Thúy
Ts. Lê Anh Tuấn - Đại học Cần Thơ Nhà nước cần có chương trình khuyến khích nhập thiết bị mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời. Đồng thời, Chính phủ nên hỗ trợ cho người dân ở vùng sâu vùng xa nếu lắp đặt thiết bị điện mặt trời, như mấy năm trước có chính sách lắp bình nước nóng năng lượng mặt trời, sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo được Chính phủ phê duyệt nhưng thực tế triển khai còn hạn chế. Do vậy, các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách hỗ trợ phải đi trước để mở đường cho phát triển điện mặt trời. Ông Nguyễn Ninh Hải - Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Thông tư 39/2015/TT-BCT về lưới phân phối cần được điều chỉnh cho phù hợp với các dự án điện mặt trời trên mái nhà. Đồng thời, Chính phủ sẽ có giá điện mới cho các dự án điện mặt trời (áp dụng sau tháng 6/2019). Điều chỉnh Quyết định 11 để giải quyết các vấn đề liên quan đến thuế cho các dự án trên mái nhà, giải quyết cơ chế đấu thầu riêng cho các dự án mặt trời. |