Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu tôm trong tháng 2/2022 đạt 244,8 triệu USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tôm đạt gần 558 triệu USD, tăng 48%.
Kim ngạch xuất khẩu tôm trong 2 tháng tăng tới gần 50%, là tín hiệu tích cực để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD trong năm 2022 (Ảnh: TL) |
Đặc biệt, xuất khẩu tôm Việt Nam 2 tháng đầu năm nay tăng trưởng tốt ở tất cả các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh... trừ thị trường Nga do bị gián đoạn trước tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Cụ thể, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 117,5 triệu USD, tăng 61% so với cùng kỳ. Hậu Covid-19, nhu cầu nhập khẩu thủy sản trong đó có tôm của Mỹ tiếp tục tăng cao, Việt Nam vẫn là nguồn cung tôm lớn thứ 4 vào thị trường này sau Ấn Độ, Ecuador và Indonesia.
Với thị trường Trung Quốc, sau khi giảm mạnh 22% trong năm 2021, xuất khẩu tôm của Việt Nam đã có tín hiệu phục hồi và tăng trưởng tốt trong 2 tháng đầu năm nay, đạt kim ngạch 39,7 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhờ nhu cầu thị trường tăng mạnh, VASEP dự báo xuất khẩu tôm tiếp tục tăng trưởng khoảng 40% trong tháng 3/2022, chắc chắn đạt mục tiêu xuất khẩu cả năm khoảng 4 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2021.
Tuy nhiên, mới đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, giá xăng, dầu tăng cao kỷ lục trong thời gian qua khiến phí vận tải tăng, ảnh hưởng nhiều tới chi phí sản xuất và lợi nhuận của doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn như chi phí nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, phí vận chuyển quốc tế tiếp tục tăng, làm tăng giá thành sản phẩm và giảm sức cạnh tranh so với các "đối thủ" như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia... Cuộc xung đột Nga - Ukraine ít nhiều cũng tác động đến việc xuất khẩu tôm sang Nga và Ukraine dù 2 thị trường này chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Để đảm bảo tăng trưởng ổn định, các doanh nghiệp ngành tôm được khuyến nghị cần chú ý để vượt qua các rào cản ở các thị trường quan trọng như: vụ kiện chống bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ; quy định kiểm tra của Nhật Bản đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam; sản phẩm tôm vào thị trường EU còn hạn chế do số lượng cơ sở nuôi đạt chuẩn chất lượng ASC (Hội đồng Quản lý muôi trồng thủy sản) còn thấp.
Trước đó, teo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2021, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 415,6 nghìn tấn, trị giá 3,85 tỷ USD, tăng 1,1% về lượng và tăng 4,4% về trị giá so với năm 2020. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh ngành sản xuất tôm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt dịch COVID-19 bùng phát vào quý III/2021. Mặc dù đã phục hồi trở lại, nhưng xuất khẩu tôm trong 3 tháng cuối năm 2021 vẫn tăng trưởng chậm so với các tháng đầu năm 2021.
Năm 2021, xuất khẩu tôm có được sự tăng trưởng khi giá xuất khẩu nửa cuối năm duy trì ở mức cao so với cùng kỳ năm 2020 và 2019. Giá xuất khẩu tôm của Việt Nam trong tháng 12/2021 trung bình đạt 9,41 USD/kg, tăng 0,95 USD/kg so với tháng 12/2020 và tăng 0,32 USD/kg so với tháng 11/2021. Giá xuất khẩu trung bình tôm của Việt Nam năm 2021 đạt 9,27 USD/kg, tăng 0,29 USD/kg so với năm 2020.
Minh Đức