1. Ngọc Linh có tên đầy đủ là Ngọc Linh Liên Sơn là một dãy núi rừng cao hùng vĩ trải dài trên địa bàn 4 tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Gia Lai.
Đỉnh cao nhất chính là đỉnh Ngọc Linh nằm tại huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Với chiều cao hơn 2.600 mét so với mực nước biển, đây được xem là ngọn núi cao nhất của khu vực miền Nam Việt Nam.
![]() |
Dãy núi Ngọc Linh với truyền thuyết về cây sâm quý giúp người Xê Đăng thoát khỏi dịch bệnh. |
Quanh khối núi rừng cao nhất miền Trung này là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Xê Đăng và nhiều đồng bào dân tộc thiểu số khác. Truyền thuyết xưa kể rằng, dịch bệnh đã từng lây lan khắp mọi nhà trong ngôi làng của đồng bào Xê Đăng và cướp đi nhiều mạng người.
Để bảo vệ dân làng, một tộc trưởng đã cho dựng cây nêu và cầu khẩn thần linh suốt 5 ngày 5 đêm. Lời khẩn cầu tha thiết đã vang vọng chạm đến được cõi thần tiên. Bỗng trên ngọn cây nêu xuất hiện con bướm vàng to đẹp vẫy cánh bay. Vị tộc trưởng nghe tiếng vọng bên tai: "Hãy theo ta đi hái thuốc".
Thế là vị tộc trưởng cứ đi theo hướng con bướm chỉ đường, qua 3 con suối, 5 thác ghềnh và 7 ngọn núi mới đến được khu rừng ven khe suối nhỏ. Tại đây, ông sững sờ trước vẻ đẹp của một thảm thực vật trải dài, chỉ có một loại cây lá xanh 5 cánh, quả chín đỏ rực, đang tỏa mùi hương thơm dịu.
Ông thấy giữa đám cây lá xanh, bông hạt đỏ có một cây vươn cao to hơn, lại gần nghe tiếng thì thầm vang vọng bên tai: Hãy hái lá về nấu uống, hãy lấy củ ngâm mật mà dùng cho khỏe, hãy hái hạt vãi tung vào rừng. Giọng nói như hối thúc, trong sự tĩnh mịch của rừng thiêng, ông cúi đầu thành kính vái lạy và làm theo chỉ dẫn, rồi nhanh chân chạy về làng.
Việc đầu tiên, tộc trưởng lấy những chiếc nồi đồng lớn đem ra giữa làng đun nước lá cho người bệnh uống theo chỉ dẫn. Khi nước lá sôi thì chuyển thành màu xanh da trời, từ nồi phun lên cột khói đỏ lan tỏa khắp làng với mùi thơm dịu dàng. Nước thuốc lan tỏa tìm đến chỗ đau. Người đau bụng, uống nước lá cơn đau tự nhiên biến mất. Người đau đầu và sốt nóng, uống nước lá thuốc có cảm giác toàn thân được bàn tay vô hình chạm vào mát lạnh làm cơn sốt giảm ngay.
Từ ngày có được cây sâm chở che, nuôi dưỡng, dân làng đã không còn sợ thần núi nguyền rủa, quở phạt. Mọi người đem hạt cây sâm về gieo tỉa trên dãy núi Ngọc Linh để gìn giữ báu vật mà thần tiên ban tặng.
2. Truyền thuyết xưa là vậy, còn ngày nay cây sâm mà nhiều người quen gọi là sâm Ngọc Linh, đã được các nhà khoa học công nhận là một trong những loại sâm tốt nhất thế giới và được xem là quốc bảo của Việt Nam.
![]() |
“Kho báu” thảo mộc Việt cần được khai mở dựa trên ba trụ cột: Tài nguyên bản địa, tinh hoa văn hóa dân tộc thiểu số và tinh hoa sáng tạo. |
Đây cũng là loại cây dược liệu đang được kỳ vọng sẽ giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số ở dãy núi Ngọc Linh giảm nghèo, vươn lên làm giàu thông qua vai trò của những hợp tác xã (HTX) kiểu mới và các doanh nghiệp.
Nhiều nghiên cứu cho thấy chất lượng của sâm Ngọc Linh vượt trội hơn hẳn sâm của các nước khác… Cụ thể, phần thân rễ và rễ củ của sâm Ngọc Linh chứa đến 52 hợp chất Saponin, trong đó, 26 loại Saponin thường có ở sâm của Hàn Quốc, Triều Tiên, Mỹ... 26 loại Saponin còn lại có cấu trúc hoàn toàn mới và chưa được công bố ở các loại sâm khác.
Đặc biệt, Saponin MR2 trong sâm Ngọc Linh chiếm khoảng 1/2 tổng Saponin chính. Sự hiện diện của MR2 góp phần hình thành nhiều tác dụng dược lý đặc hiệu của sâm Ngọc Linh như: Ngừa ung thư, khối u, kháng khuẩn, ngăn chặn lão hóa... Ngoài ra, loài thảo dược quý này còn chứa 17 loại acid amin, 20 loại vi khoáng chất, tinh dầu và 17 loại acid béo rất tốt cho sức khỏe con người.
Dành nhiều sự quan tâm đến các loại thảo mộc quý của Việt Nam, ông Trần Bảo Minh, Phó chủ tịch HĐQT Nutifood, đánh giá rằng sâm Ngọc Linh của Việt Nam cực kỳ quý giá. Hiếm có được một loại thảo dược tập hợp đến 52 saponin giá trị và hoàn toàn đến từ tự nhiên.
Và điều mong mỏi của ông Minh là ai cũng có cơ hội thưởng thức “quốc bảo” này, từ người có thu nhập cao đến những người ít có điều kiện kinh tế hơn.
Để đưa cây sâm Ngọc Linh “vượt biên giới”, ông Minh nói rằng những gì thiên nhiên ban tặng cho Việt Nam nên được chính những thương hiệu Việt phát triển để từ đó mang lại lợi ích tối ưu nhất cho dân tộc mình, đất nước mình.
Không chỉ với cây sâm Ngọc Linh, Việt Nam được xem là cái nôi của các loài thảo mộc của thế giới. Thế nhưng chúng ta, chủ nhân của rất nhiều nguồn thảo mộc quý lại chưa thật sự nhận ra được giá trị to lớn này.
Để biến Việt Nam thành vườn thảo dược của thế giới và đưa thảo mộc đến gần hơn với người dân đang đòi hỏi vai trò lớn lao của khu vực kinh tế hợp tác tại các địa phương có thế mạnh về các loại cây này.
Đơn cử như ở vùng thảo mộc trọng điểm Tu Mơ Rông của tỉnh Kon Tum đã đặt mục tiêu đến năm 2025 trồng được 5.062ha cây dược liệu; trong đó, có khoảng 3.000ha sâm Ngọc Linh, còn lại là diện tích các loại dược liệu khác như đảng sâm (sâm dây), sơn tra, ngũ vị tử, đương quy, sa nhân tím,…
Dành sự quan tâm lớn đến lĩnh vực này, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Kon Tum là ông Dương Văn Trang cho rằng vùng thảo mộc Tu Mơ Rông cần phát huy vai trò của các HTX kiểu mới trong phát triển dược liệu, nhất là những xã có nhiều sâm Ngọc Linh và đảng sâm.
Cụ thể hơn, các cán bộ cấp huyện phải thường xuyên xuống xã, xuống làng, với tần suất một lần/tháng. Còn cán bộ xã một lần/tuần phải xuống làng, xuống hộ và ra rẫy, ra vườn của bà con đồng bào dân tộc thiểu để hướng dẫn bà con cách làm, phát triển dược liệu. Có như vậy, người dân mới hiểu được giá trị kinh tế của các loại dược liệu, phát triển diện tích.
Giới chuyên gia than phiền là người Việt Nam chúng ta đang hàng ngày “nằm” trên đống thuốc nhưng chưa biết tận dụng tối đa nguồn dược liệu này để vừa chữa bệnh và vừa làm giàu cho chính mình. Nhất là khi chính người Việt chúng ta – chủ nhân của rất nhiều nguồn thảo mộc quý lại chưa thật sự nhận ra những giá trị to lớn này.
Còn theo ông Trần Bảo Minh, cũng như nhiều nước phương Đông khác, Việt Nam là một quốc gia rất “hấp dẫn” trong mắt các nước phương Tây về kho tàng thảo dược thiên nhiên cũng như các bài thuốc bí truyền từ xa xưa để lại.
Ông Minh chia sẻ: Chúng tôi khao khát đưa những giá trị của thảo dược Việt Nam vào phục vụ cho sức khỏe con người và xa hơn nữa là xây dựng thương hiệu các sản phẩm thảo dược Việt Nam trên trường quốc tế.
3. Theo nhóm nghiên cứu Hà Thúc Mịch, Đặng Thị Bích Hường (Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ), Việt Nam có diện tích 3/4 là đồi núi, địa hình phức tạp xen kẽ giữa dãy núi cao và hệ thống sông suối chằng chịt, tạo nên nhiều vùng sinh thái đa dạng, đã tạo cho Việt Nam có nguồn tài nguyên thảo dược phong phú.
![]() |
Cây sâm nở hoa vào mùa xuân. |
Số liệu cho thấy Việt Nam là một trong 10 quốc gia đa dạng sinh học nhất trên thế giới. Chỉ tính riêng các loại cây thuốc mọc tự nhiên đã có 3.948 loài. Khối lượng khai thác cây thuốc hàng năm đạt 20.000 tấn.
Nhóm nghiên cứu này cho rằng tại Việt Nam các loại cây dược liệu dễ kiếm, gần gũi với người dân, dễ trồng trong khu vực trang trại hữu cơ. Vì vậy, việc trồng và sử dụng các loại thảo dược bản địa trong trang trại hữu cơ phải luôn được chú trọng phát triển.
Thực tiễn đã chứng minh rằng một số loại cây thảo dược trồng trong trang trại không chỉ có tác dụng chữa bệnh cho vật nuôi, chiết dung dịch trừ sâu cho cây trồng mà bản thân các loại cây dược liệu trồng trong trang trại hữu cơ cũng làm đa dạng giống cây trồng và góp phần cân bằng hệ sinh thái.
Không những vậy, thời gian gần đây, các loại thảo mộc còn đưa vào làm thức ăn cho heo để tạo ra sản phẩm “thịt heo thảo mộc” hoặc áp dụng thảo dược vào chăn nuôi bò sữa ở một số trang trại. Hỗn hợp thảo dược này có chức năng giải trừ độc tố, kháng khuẩn và tăng cường miễn dịch, có khả năng thay thế một số loại kháng sinh và ức chế vi khuẩn có hại.
Nói về vai trò của thảo dược trong chăn nuôi, nhóm nghiên cứu Hà Thúc Mịch, Đặng Thị Bích Hường cho biết thảo dược rất cần thiết để sử dụng cho các trang trại chăn nuôi hữu cơ nhằm mục tiêu phòng và trị bệnh cho vật nuôi.
Công dụng của thuốc thảo dược trong chăn nuôi là dùng để thay thế các loại thuốc kháng sinh, kháng cầu trùng và các loại thuốc hoá học khác có tác dụng phụ trong ức chế và kháng khuẩn.
Có thể nói “kho báu” thảo mộc Việt đang cần được khai mở như câu thần chú “vừng ơi mở cửa ra” để làm giàu cho những đồng bào nghèo ở vùng rừng núi có nhiều loài cây quý. Đó cũng là cách để hiện thực hoá “kinh tế dưới tán rừng” đã được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh gần đây.
Như lưu ý của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các địa phương cần đặc biệt quan tâm có chính sách đầu tư để kích hoạt, biến ngành này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo ba trụ cột: Tài nguyên bản địa, tinh hoa văn hóa dân tộc thiểu số và tinh hoa sáng tạo.
Đặc biệt, kinh tế dưới tán rừng mà ở đó vai trò của các vùng thảo mộc quý là rất lớn, phải tính đến hiệu quả bền vững, nghĩa là khai thác có kiểm soát, có chương trình để không làm mất đi giá trị hiện hữu của rừng.
Thế Vinh