Đáng chú ý, trước khi bão đổ bộ, vào ngày 11/6/2024, Sở Công Thương đã ban hành Văn bản số 2078/SCT-QLTM, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố về các phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu cho mùa mưa bão và lũ.
Trên cơ sở đó, Sở Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh thương mại và siêu thị trên địa bàn thành phố đảm bảo cung ứng đủ lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân.
Trong số đó có 7 doanh nghiệp lớn như: siêu thị AEON MALL Lê Chân, MegaMarket Việt Nam tại Hải Phòng, Công ty TNHH MTV Co.opmart Hải Phòng, Công ty Cổ phần Thực phẩm Công nghệ Đồng Lợi, Công ty Cổ phần Thương mại Minh Khai, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Toàn Tâm, và Siêu thị Winmart Imperia Hải Phòng.
Các doanh nghiệp này đã chuẩn bị hàng hóa, rà soát và báo cáo số lượng hàng hóa, phương tiện vận chuyển để phục vụ thành phố trong trường hợp khẩn cấp.
Chợ và các siêu thị đã hoạt động trở lại. |
Sở Công Thương cũng đã ban hành văn bản yêu cầu các quận, huyện chủ động thực hiện phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu tại địa bàn, rà soát nguồn cung và đánh giá nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trong trường hợp nguồn cung không đủ đáp ứng, các địa phương được khuyến khích liên hệ với 7 doanh nghiệp đã cam kết dự trữ hàng hóa phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, và phòng thủ dân sự năm 2024, theo chỉ đạo tại văn bản số 2078/SCT-QLTM của Sở Công Thương để điều tiết cung cầu, đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân.
Bên cạnh đó, trong quá trình bão đổ bộ và sau bão, khi lũ gây ngập các tuyến đường, lãnh đạo cùng công chức của Sở đã tiến hành kiểm tra tình hình dự trữ hàng hóa tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và một số cây xăng trên địa bàn thành phố. Họ đảm bảo nguồn cung ứng các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, LPG, điện và nước, phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, và tiêu dùng của nhân dân, ngăn chặn tình trạng thiếu hụt, đầu cơ, găm hàng, hay tăng giá đột biến.
Kết quả, trước, trong và sau bão, các doanh nghiệp thương mại trên địa bàn đã chủ động tăng lượng hàng hóa cung ứng lên 80-100%, đảm bảo nguồn cung dồi dào và đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân.
Đáng chú ý, hệ thống cửa hàng xăng dầu vẫn đảm bảo hoạt động liên tục để phục vụ người dân. Trước 9 giờ sáng ngày 07/9/2024, mặc dù bão đã bắt đầu ảnh hưởng với mưa và gió to, hầu hết các cửa hàng xăng dầu vẫn mở cửa bán hàng. Khi bão đổ bộ và gây mất điện cục bộ trên toàn thành phố, nhiều cửa hàng xăng dầu lớn sử dụng máy phát điện để duy trì hoạt động, chỉ một số cửa hàng nhỏ không có máy phát điện phải tạm ngừng hoạt động.
Tính đến ngày 08/9, khoảng 60-75% các cửa hàng xăng dầu trong nội đô đã hoạt động trở lại. Đến sáng ngày 12/9/2024, gần 250 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn đã khôi phục hoạt động, ngoại trừ cửa hàng xăng dầu VIPCO phải dừng hoạt động do hư hỏng nghiêm trọng, đang được Sở Công Thương hỗ trợ sửa chữa.
Cửa hàng xăng dầu Hải An, thuộc công ty CP xăng dầu Bạch Đằng ( trên đường Lê Hồng Phong) bán hàng xuyên bão phục vụ doanh nghiệp và người dân. Dù mất điện, nhưng cửa hàng đã phát máy phát điện để bán hàng. |
Tại các siêu thị, theo ghi nhận của phóng viên Vnbusiness, trước, trong và sau cơn bão số 3, hệ thống siêu thị vẫn hoạt động gần như bình thường để phục vụ người dân. Khi xảy ra tình trạng cắt điện, các siêu thị đã sử dụng máy phát điện để duy trì hoạt động và chỉ phải đóng cửa trong vài giờ khi gió bão mạnh, với sức gió giật cấp 17-18. Giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, rau củ quả, sữa, đường, dầu ăn... vẫn giữ ổn định, không có biến động lớn.
Tại các chợ dân sinh và chợ đầu mối, giá cả hàng hóa trước khi bão số 3 đổ bộ vẫn ổn định. Tuy nhiên, mặt hàng rau xanh đã tăng từ 20-30%, thậm chí có nơi tăng đến 50%. Các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm và thủy hải sản tăng nhẹ từ 5-7%, trong khi các mặt hàng như gạo, mì, sữa, bánh, đường, dầu ăn, trứng vẫn giữ mức giá bình thường, không xảy ra tình trạng gom hàng, găm hàng tăng giá.
Trong và sau cơn bão, mặc dù các chợ bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều tiểu thương vẫn tiếp tục bán hàng thiết yếu. Đến sáng ngày 12/9/2024, hầu hết các chợ trên địa bàn đã hoạt động trở lại. Giá cả hàng hóa tại chợ có sự tăng nhẹ, với các mặt hàng thiết yếu như gạo, mì, lương khô, bún miến, bánh đa tăng 2-5%, dầu ăn, đường, sữa, trứng tăng 3-6%, rau xanh và rau củ tăng 15-20%, và các mặt hàng thịt, thủy hải sản tăng 8-15%.
Lượng hàng hóa tại chợ đầu mối chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau củ với khối lượng từ 120-150 tấn và hoa quả khoảng 30-40 tấn. Sức tiêu thụ các mặt hàng rau củ rất lớn, chỉ sau vài giờ, lượng hàng này đã nhanh chóng được phân phối đến các chợ nhỏ lẻ để đến tay người tiêu dùng.
Vũ Trang