Đã kết hôn và có hai con, chị Nguyễn Thị Huyền là một nhân viên văn phòng điển hình của Hà Nội. Đầu tháng này, cư dân 41 tuổi của Hà Nội đã làm một điều ngày càng trở nên phổ biến trong tầng lớp trung lưu, thượng lưu của đất nước: Đến showroom của Vinhomes và mua căn hộ đầu tiên cho gia đình.
"Mua nhà là xu hướng của thế hệ chúng tôi. Giá bất động sản đang tăng vọt, vì vậy mua nhà đồng nghĩa với việc có một tài sản để bán", cô nói với Nikkei Asia.
Theo Batdongsan.com.vn, giá bán nhà trung bình trên toàn quốc tính đến tháng 6/2024 cao hơn 24% so với đầu năm 2023, phần lớn là do thị trường căn hộ Hà Nội.
Xu hướng chi tiêu mạnh mẽ tại nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á không chỉ giới hạn ở bất động sản. Những mặt hàng cho đến vài năm trước vẫn được coi là xa xỉ như ô tô, điều hòa, điện thoại thông minh và mỹ phẩm cao cấp, đang trở nên phổ biến khi thu nhập tăng nhanh và các yếu tố văn hóa kết hợp lại để nâng cao sức mua của tầng lớp trung lưu thượng lưu lên mức ngang bằng với những nước láng giềng mà trước đây Việt Nam từng tụt hậu.
Phụ nữ mua sắm mỹ phẩm tại TP HCM. (Ảnh: Nikkei Asia). |
Năm 1990, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 122 USD, bằng 1/13 Thái Lan, 1/7 Philippines và 1/6 của Indonesia. Tuy nhiên, trong những thập kỷ tiếp theo, GDP bình quân đầu người tăng vọt lên vượt quá 2.000 USD vào năm 2012 và 3.000 USD vào năm 2018. Tính đến năm 2024, Việt Nam đã vượt qua Philippines và gần bằng Indonesia.
Bất động sản được cho là "xa xỉ phẩm" được săn đón nhiều nhất. Ngành xây dựng đã chậm lại trong vài năm qua khi các nhà phát triển gặp khó khăn. Dữ liệu từ công ty bất động sản Savills cho thấy chỉ có 33.500 căn hộ chung cư được xây dựng tại Hà Nội và TP HCM trong nửa đầu năm 2024, thấp hơn so với năm 2014. Tuy nhiên, doanh số bán hàng vẫn mạnh mẽ. Vinhomes cho biết doanh số bán hàng ký kết đạt khoảng 51,7 nghìn tỷ đồng trong cùng kỳ, tăng 27,3% so với một năm trước đó.
Sở hữu ô tô là một chỉ số quan trọng khác về sức mạnh của người tiêu dùng Việt Nam. Theo số liệu từ Bộ Công Thương, có 63 ô tô trên 1.000 người vào cuối năm ngoái, gấp 3 lần tỷ lệ của 13 năm trước đó. Con số này vẫn thấp hơn Indonesia, nhưng tốc độ tăng trưởng hàng năm là 17% từ năm 2015 đến năm 2020 là nhanh nhất thế giới, theo Tổ chức các nhà sản xuất ô tô quốc tế. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, doanh số bán ô tô đạt tổng cộng 90.701 chiếc trong quý III/2024, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước và đánh dấu tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Chính phủ kỳ vọng doanh số bán hàng hàng năm sẽ đạt 1 triệu chiếc vào năm 2030.
"Tại một đất nước mà xe máy là phương tiện phổ biến và việc sở hữu ô tô được coi là biểu tượng của địa vị, mức tiêu dùng của tầng lớp trung lưu khá giả dự kiến sẽ còn tăng cao hơn nữa", một viên chức của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) có trụ sở tại Hà Nội cho biết.
Trần Nguyên Vũ, một kỹ sư công nghệ thông tin 33 tuổi, đã mua một chiếc xe Subaru của Nhật Bản vào tháng 10 với giá 1,13 tỷ đồng. Anh cũng đã mua một căn hộ Vinhomes ở trung tâm Hà Nội cách đây hai năm, trả 1,85 tỷ đồng cho căn hộ hai phòng ngủ.
"Tôi không phải là kiểu người vung tiền bừa bãi. Tôi hiếm khi mua hàng hiệu hay đồ gia dụng cao cấp mà chỉ chi tiền vào những thứ khiến cuộc sống hạnh phúc hơn", anh chia sẻ với Nikkei.
Bên cạnh căn hộ và ô tô, doanh số bán điện thoại thông minh cũng đang bùng nổ. Số lượng điện thoại thông minh đã đăng ký trong số 100 triệu dân của Việt Nam ước tính là 85,73 triệu, tăng 6,9% so với một năm trước đó - gấp đôi năm 2020 và tăng 23 lần so với năm 2014, theo Statista.
Ngoài sản lượng kinh tế và tỷ lệ đầu tư đang bùng nổ của Việt Nam, các yếu tố văn hóa cũng phần nào giải thích cho tỷ lệ tăng trưởng cao trong sở hữu các sản phẩm từng được coi là xa xỉ.
Đơn cử, việc nhiều thế hệ cùng chung sống trong một ngôi nhà. Theo Lãnh sự quán Việt Nam tại New York: "Trong xã hội truyền thống của Việt Nam, một gia đình điển hình có ba hoặc bốn thế hệ sống chung dưới một mái nhà. Với quan điểm ‘đông con lắm của', các gia đình mong muốn có nhiều con cháu".
Nguyễn Thu Hà, 27 tuổi, làm việc tại Nhật Bản, cho biết ba thế hệ gia đình cô đã sống trong một ngôi nhà ở ngoại ô Hà Nội từ năm 1997 đến năm 2011. Vào thời kỳ đỉnh cao, có 13 người sống trong ngôi nhà, bao gồm cả chú, dì và những người họ hàng khác của Hà. "Điều này vẫn phổ biến ở Việt Nam", cô nói.
Ông bà cô sở hữu ngôi nhà, vì vậy bố mẹ và họ hàng của cô không phải trả tiền thuê nhà. Tất cả đều trả các chi phí chung như điện, nước.
"Có những lúc cảm thấy chật chội, nhưng lợi ích của việc có thể chia sẻ việc nhà và giúp đỡ lẫn nhau là rất lớn. Chúng tôi cũng có thể sử dụng tiền tiết kiệm được để chi trả cho giáo dục và giải trí", cô nói.
Yếu tố văn hóa khác là tỷ lệ thu nhập kép trong nhiều hộ gia đình. Theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế, tỷ lệ tham gia lao động của nam và nữ tại Việt Nam là 77,8% và 68,5% vào năm ngoái. Con số này so với mức trung bình của Đông Á và Thái Bình Dương lần lượt là 73,6% và 58,6%.
"Theo tôi thấy, phụ nữ ở Việt Nam thường chăm chỉ hơn, và số lượng nữ quản lý đang tăng lên", giám đốc một công ty Nhật Bản có trụ sở tại TP HCM cho biết. "Môi trường làm việc ở đây dễ dàng hơn cho phụ nữ so với Nhật Bản hoặc các nước Đông Nam Á khác".
Tỷ lệ sinh giảm của Việt Nam, đặc biệt là trong thập niên 1990, cũng trở thành động lực thúc đẩy chi tiêu nhiều hơn vào các mặt hàng xa xỉ khi nền kinh tế tăng trưởng. Tỷ lệ sinh của Việt Nam là 3,6 con trên một cặp vợ chồng vào năm 1990 đã giảm xuống còn 1,9 vào năm 2022, thấp thứ tư trong số các nền kinh tế lớn của ASEAN, chỉ đứng sau Singapore (1), Thái Lan (1,3) và Malaysia (1,8).
Chính trị trong nước ổn định, chi phí lao động tương đối rẻ và chi phí đất đai thấp đã góp phần khiến Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn trong hơn một thập kỷ. Nằm cạnh Trung Quốc với các cảng nước sâu ở cả phía bắc và phía nam, kết nối đất liền tốt với các quốc gia khác trên bán đảo Đông Dương là những lợi thế đáng kể. Sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng đã giúp Việt Nam định vị mình là một điểm đến đầu tư thay thế an toàn.
Các công ty từ các nguồn FDI lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Hoa Kỳ hiện không chỉ thiết lập cơ sở sản xuất mà còn nhận ra rằng Việt Nam là một thị trường tiêu dùng đầy hứa hẹn.
Đặc biệt, các công ty Nhật Bản đang tăng cường đầu tư vào tầng lớp trung lưu cao cấp của Việt Nam. Cửa hàng bách hóa Takashimaya có kế hoạch xây dựng một khu phức hợp thương mại và văn phòng tại Hà Nội vào năm 2027, sau thành công của cửa hàng khai trương năm 2016 tại TP HCM.
Theo báo cáo của NNA, một hãng truyền thông Nhật Bản đưa tin về Đông Nam Á, tập đoàn bất động sản Mitsubishi Estate đã bắt đầu triển khai bốn dự án trong năm nay, bao gồm các khu phức hợp căn hộ lớn, nâng tổng vốn đầu tư vào Việt Nam lên 500 triệu USD.
Các nhà sản xuất mỹ phẩm như Shiseido và Daiichi Sankyo Healthcare cũng đang cố gắng khai thác thị trường Việt Nam, một phần là do tình hình kinh tế suy thoái ở Trung Quốc, nơi họ đang tập trung nỗ lực.
Giống như nhiều người khác, Nguyễn Kim Ngọc, một biên dịch viên 38 tuổi sống tại Hà Nội, tin rằng sự bùng nổ này có khả năng sẽ tiếp tục, đặc biệt là khi "ảnh hưởng của tư duy tiêu dùng phương Tây về một cuộc sống tốt đẹp" trở nên phổ biến hơn. "Mọi người chưa bao giờ có nhiều tiền như vậy, họ chưa bao giờ có nhiều cơ hội để chi tiêu và thể hiện sự giàu có của mình như vậy", cô nói.
Đỗ Kiều