Mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) số 1 TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất công tác đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán 2025 tại huyện Hoài Đức. Đoàn đã yêu cầu tạm dừng hoạt động hai cơ sở sản xuất bánh kẹo tại làng nghề La Phù sau khi phát hiện loạt sai phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm.
Cụ thể, tại Công ty CP Thương mại và công nghệ thực phẩm Đức Vinh – cơ sở sản xuất kinh doanh bánh ngũ cốc, snack, kẹo socola tại La Phù, đoàn kiểm tra ghi nhận nhiều vi phạm về hồ sơ pháp lý, cơ sở vật chất và quy trình sản xuất. Các nguyên liệu, phụ gia sản xuất và bao bì cũng không chứng minh được nguồn gốc.
Cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, như phòng pha chế phụ gia thực phẩm cáu bẩn, tường và trần ẩm mốc. Thêm vào đó, khu vực sản xuất ghi nhận dầu chiên “đen kịt như nước cống”. Nhà xưởng lộn xộn, nhiều phế liệu và thực phẩm vương vãi.
Phát hiện nhiều vi phạm về hồ sơ pháp lý, cơ sở vật chất và quy trình sản xuất tại một cơ sở sản xuất kinh doanh bánh ngũ cốc, snack, kẹo socola tại La Phù. |
Tương tự, Công ty CP Công nghiệp thực phẩm An Đông – cơ sở sản xuất bánh quy và kẹo cứng tại cùng khu vực – cũng ghi nhận loạt vi phạm tương tự.
Nhà xưởng 2 tầng bị ẩm mốc, bong tróc, khu vực sản xuất không phân khu, giá kệ để nguyên liệu thiếu quy chuẩn. Thực phẩm và nguyên liệu để dưới sàn nhà, nhiều bao bì và nguyên liệu không có nguồn gốc rõ ràng.
Tại buổi làm việc với UBND huyện Hoài Đức, bà Vũ Thu Hà, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm (ATTP) thành phố, nhấn mạnh, quan điểm của thành phố Hà Nội là tăng cường kiểm tra và tập trung kiểm tra trước ở những nơi cung cấp thực phẩm với số lượng lớn như huyện Hoài Đức.
"Với những cơ sở qua kiểm tra phát hiện sai phạm, tôi đề nghị cơ quan chức năng của huyện phải xử phạt nghiêm, đồng thời yêu cầu họ khắc phục tất cả những nội dung mà Đoàn kiểm tra đã chỉ ra. Sau đó, báo cáo về Ban chỉ đạo công tác ATTP thành phố", bà khẳng định.
Tiếp đó, cơ quan chức năng của huyện phải giám sát, theo đến cùng việc khắc phục sai phạm của cơ sở. Ban chỉ đạo sẽ tái kiểm tra, yêu cầu đưa ra biện pháp và sự vào cuộc chính quyền địa phương, để cơ sở nhận thức được sai phạm về vệ sinh ATTP.
Để thực hiện tốt hơn công tác quản lý ATTP, Phó chủ tịch thành phố Hà Nội yêu cầu, với các lỗi vi phạm và các biện pháp xử lý cần phải nghiêm túc, công khai, không được bao che để các cơ sở phải nhận thức ra sai phạm, từ đó, họ sẽ đầu tư lại và lấy lại uy tín.
Riêng đối với làng nghề La Phù, Phó chủ tịch Vũ Thu Hà đề nghị, cơ quan chức năng của huyện phải tiếp tục tăng cường kiểm tra, rà soát mang tính tổng thể, phải công bố công khai các vi phạm. Đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn và phổ biến các quy định về bảo đảm ATTP, các mức xử lý vi phạm cho các cơ sở. Sau khi tập huấn, tuyên truyền, chính quyền địa phương cần tiến hành kiểm tra lại xem họ thực hiện đến đâu. Nếu cố tình sai phạm thì cần phải xử lý nghiêm.
Đối với các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố, bà Hà cho rằng, từ nay đến Tết Nguyên đán 2025 là thời gian cao điểm để tiếp tục tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh, mứt, kẹo và các mặt hàng phục vụ Tết. Ngoài ra, công tác kiểm tra cũng cần được tiếp tục tăng cường sau dịp lễ Tết, trong đó tập trung vào các mặt hàng được sử dụng chủ yếu trong dịp này.
Theo báo cáo của UBND huyện Hoài Đức, trên địa bàn huyện có 2.061 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và 9 làng nghề sản xuất, chế biến thực phẩm. Trong dịp Tết năm nay, các đoàn kiểm tra của huyện đã kiểm tra, giám sát được 66 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Qua đó, phát hiện và xử phạt 34 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 593 triệu đồng. Đồng thời, tịch thu, tiêu huỷ hàng hóa vi phạm trị giá hơn 322 triệu đồng. Ngoài ra, chuyển 1 vụ sang công an điều tra.
Trước đó, cơ sở bánh cốm gia truyền Nguyên Ninh tại 11 Hàng Than, Ba Đình, bị yêu cầu tạm dừng hoạt động sau khi đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của Thành phố Hà Nội phát hiện hàng loạt vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.Ngoài ra, UBND quận Ba Đình (Hà Nội) quyết định phạt cơ sở bánh cốm Nguyên Ninh 40 triệu đồng do mắc 4 vi phạm về an toàn thực phẩm. Cụ thể, lực lượng chức năng xác định quy trình sản xuất thực phẩm không theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng.
Khu vực sản xuất, kho chứa thực phẩm, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng... tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập.
Cơ sở này còn có vi phạm như khu vực chứa đựng, kho bảo quản không có hoặc không đầy đủ giá kệ, biển tên, nội quy, quy trình, chế độ vệ sinh; sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định...
Hồng Hương