Đây là một trong nhiều “sáng kiến” được các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu ra khi bàn về giải pháp quan lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Chỉ 33,6% cơ sở được kiểm soát
Không phủ nhận những kết quả đạt được trong việc bảo đảm ATVSTP thời gian qua, Báo cáo của Ủy ban Thường Vụ (UBTV) Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ rõ nhiều bất cập.
Cụ thể, việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về ATTP còn chậm, chưa được hệ thống hóa gây ảnh hưởng tới việc thực thi Luật; một số quy định chưa phù hợp với quản lý ATTP, tính khả thi chưa cao.
Ông Phan Xuân Dũng - UVTV Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN&MT của Quốc hội đánh giá, Luật ATTP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011 nhưng đến ngày 25/4/2012 mới ban hành Thông tư liên tịch số 13 về phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về ATTP giữa 3 bộ: Y tế, NN&PTNT, Công Thương.
Số lượng văn bản ban hành nhiều nhưng chưa được hệ thống hóa. Một số quy định trong Luật ATTP còn chưa phù hợp như quy định về kiểm tra thực phẩm NK, về truy xuất nguồn gốc thực phẩm...
Cùng với đó, một số quy định về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP còn chồng chéo, chưa rõ ràng, một số lĩnh vực quản lý thiếu quy định hướng dẫn cụ thể. Đồng thời, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý thực phẩm còn thiếu so với yêu cầu.
Ngoài ra, một số thực phẩm đặc sản, truyền thống địa phương hiện vẫn chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quản lý, một số quy chuẩn kỹ thuật còn chưa rõ ràng, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng...
Khẳng định công tác quản lý ATTP trong sản xuất rau, quả tươi sống, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm có nhiều tiến bộ, tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng, so với yêu cầu và mong muốn cũng như tính chất cấp bách của vấn đề ATTP, công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, cơ chế phối hợp quản lý ATTP của Chính phủ, các bộ, ngành, UBND các cấp chưa được thường xuyên, nguồn lực, điều kiện làm việc, trang thiết bị cho ATTP còn hạn chế.
Đặc biệt, việc kiểm soát quá trình sản xuất kinh doanh thực phẩm còn chưa được chú trọng, nên rất khó đánh giá mức độ ATTP. Số lượng cơ sở thực phẩm được kiểm soát đủ điều kiện sản xuất kinh doanh chiếm tỷ lệ rất thấp, hiện chỉ chiếm 33,6% trong tổng số 408.821 cơ sở sản xuất thực phẩm.
Vì sao nhiều sự vụ lớn gây mất ATTP vẫn bị “lọt lưới"
Cần có cơ quan chuyên trách quản lý
Trước những thách thức trên, ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang), đánh giá mất vệ sinh ATTP không phải là vấn đề mới phát sinh. Dù thời gian qua đã có nhiều chuyển biến, song tình trạng mất ATVSTP vẫn là vấn đề rất lớn, gây bức xúc dư luận.
Bà Mai dẫn kết quả điều tra dư luận xã hội về ATTP do Văn phòng Quốc hội tiến hành, cho thấy chỉ có 10% người dùng yên tâm với thực phẩm sử dụng hàng ngày, trong khi có tới 59% chưa yên tâm và 27,5% hoàn toàn không yên tâm... “Đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, DN, cá nhân trong những tồn tại, hạn chế về quản lý ATTP”, bà Mai nhấn mạnh.
Theo bà Mai, để kiểm soát ATTP cần có cơ quan chuyên trách về quản lý ATTP. Đặc biệt, cần tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các cấp trong quản lý ATTP... Cần đưa tiêu chí ATTP vào Hương ước, để nhân dân tự giác thực hiện và giám sát lẫn nhau, qua đó loại bỏ tình trạng “mỗi gia đình có hai luống rau, hai chuồng trại...”.
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (Tp.HCM) nhấn mạnh để quản lý ATTP cần đánh giá được hai vấn đề: “Chúng ta đã làm được gì để ngăn chặn thực phẩm bẩn và khuyến khích thực phẩm sạch”.
Theo đại biểu Lan, chúng ta quản lý ATTP bằng cách chia nhóm ngành hàng quản lý theo 3 bộ (Y tế, Công Thương, NN&PTNT) nhưng sự phối hợp quản lý giữa 3 bộ này chưa chặt chẽ. Thậm chí, việc phát hiện các vụ việc không bảo đảm ATTP còn yếu và kém.
Đại biểu Lan đánh giá thêm, chúng ta đã có lực lượng thanh tra, kiểm tra nhưng mới chủ yếu kiểm tra xem các cơ sở này, đơn vị kia có giấy chứng nhận sản xuất kinh doanh ATTP hay không, mà chưa chú trọng làm rõ có vi phạm ATTP hay không. Điều này dẫn đến nhiều sự vụ lớn, gây mất ATTP vẫn bị “lọt lưới”.
Bên cạnh đó, các ĐBQH cũng đều có chung nhận định, nguyên nhân chính của vấn nạn ATVSTP xuất phát chính từ việc quản lý của Nhà nước còn hạn chế, trong khi ý thức của người dân chưa cao.
Do vậy, cần phải xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong ATTP đối với các tổ chức cá nhân kinh doanh thực phẩm bẩn, hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước về ATTP, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thực phẩm trong thời gian tới.
Thy Lê