Thống kê của Bộ Công Thương cho biết, tính đến hết năm 2017, cả nước có 8.539 chợ được phân bố theo các vùng. Giá trị hàng hóa dịch vụ lưu thông qua hệ thống chợ chiếm trung bình khoảng 35 - 40% tổng lượng hàng hóa cả nước, góp phần vào việc tiêu thụ nông sản, hàng hóa, đẩy mạnh sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân.
Ban quản lý “bó tay”
Tuy nhiên, Bộ Công Thương thừa nhận, nhìn chung thực trạng hệ thống chợ nước ta hiện nay chủ yếu là chợ hạng III (khoảng 87%), cơ sở vật chất còn hạn chế, tập quán kinh doanh nhỏ lẻ, nguồn hàng khó kiểm soát, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tại chợ còn nhiều bất cập.
Theo ông Nguyễn Văn Hội - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hạn chế của chợ đầu mối là đa số vẫn áp dụng phương pháp giao dịch truyền thống (giao ngay) là chủ yếu, mua bán qua hợp đồng còn ít, không có chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chủ yếu các thương lái gom hàng từ hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ hoặc trang trại.
Mới đây, báo cáo của Sở Công Thương Tp.Hà Nội cũng cho thấy, trên địa bàn Hà Nội có 2 chợ đầu mối là chợ đầu mối phía Nam (khu đô thị Đền Lừ, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) và chợ đầu mối Minh Khai (phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm). Hai chợ này bảo đảm khoảng 14% nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm của toàn thành phố. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có 4 chợ kinh doanh bán buôn nông sản, thủy sản đang hoạt động có tính chất đầu mối, là chợ Long Biên, chợ cá Yên Sở, chợ gia cầm Hà Vỹ và chợ hoa Quảng An.
“Tuy nhiên, hoạt động của 2 chợ đầu mối và 4 chợ bán buôn này chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm của thành phố, nguồn hàng chưa được kiểm soát chặt chẽ về ATTP. Hai chợ đầu mối đều đã xây dựng từ lâu, cơ sở hạ tầng xuống cấp. Do quy mô phân phối còn nhỏ, nên các chợ đầu mối này chưa có khả năng điều tiết giá cả thị trường. Phần lớn hàng hóa chưa thể truy xuất nguồn gốc khi cần thiết”, Sở Công Thương Hà Nội cho biết.
Theo ông Đào Hà Trung - Chủ tịch Hội Công nghệ cao Tp.HCM, người tiêu dùng Việt Nam chủ yếu dùng chợ để buôn bán thực phẩm. Do vậy, vấn đề ATTP là rất quan trọng. Tuy nhiên, việc quản lý hàng hóa trong chợ rất khó khăn, nhất là chứng từ hàng hóa có đủ tiêu chuẩn.
Trong khi đó, ông Dương Văn Chiến - Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Chợ Việt Nam, cho biết tình trạng hàng nhái, hàng giả, trộm cắp xảy ra trong chợ, nhưng ban quản lý chợ, nhà đầu tư không xử lý được vì không có chế tài. Hoạt động quản lý an ninh trật tự, phòng chống chảy nổ, VSATTP đều bị tê liệt, vì vậy hàng giả, hàng nhái, thực phẩm bẩn cứ thế lộng hành.
Phần lớn hàng hóa lưu thông trong chợ chưa thể truy xuất nguồn gốc |
Ứng dụng công nghệ 4.0
Trước thực trạng trên, ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, cho rằng Nhà nước cần có cơ chế chính sách nhằm xã hội hóa, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế cũng như các nguồn lực xã hội khác chung tay cùng tham gia xây dựng và khai thác, phát triển hệ thống chợ trên phạm vi cả nước.
Theo ông Trung, truy xuất nguồn gốc tại chợ đầu mối cần ứng dụng công nghệ 4.0, blockchain và thậm chí trí tuệ nhân tạo để đạt hiệu quả cao hơn.
Từ kinh nghiệm phát triển chợ đầu mối tại Tây Ban Nha và một số nước, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho rằng trước hết chợ đầu mối cần được xây dựng theo quy hoạch với đầy đủ chức năng, thiết kế phân chia thành các chợ với những mặt hàng riêng biệt. Điểm phân chia này giúp chợ đầu mối dễ dàng quản lý, kiểm soát ATTP.
“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nhân rộng, ứng dụng mã số mã vạch, phấn đấu trong thời gian tới, sản phẩm bán trong chợ phải sạch từ trang trại tới bàn ăn, người tiêu dùng biết được toàn bộ luồng đi của sản phẩm”, ông Đông khẳng định.
Các chuyên gia cho rằng nếu kiểm soát tốt nguồn gốc thực phẩm bán tại chợ đầu mối, Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu hàng hóa thông qua kênh chợ bán buôn.
Thy Lê